Triệu Tử Long
(VNTB) – Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến sẽ được Quốc hội họp về việc phê chuẩn vào ngày 20/5 – ngày đầu tiên của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Chính sách kinh tế đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) luôn gắn liền với các giá trị về nhân quyền và phát triển bền vững. Có thế mạnh là một thị trường chung rộng lớn gồm 27 quốc gia thành viên, EU là một trong những đối tác thương mại có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới, và luôn muốn áp đặt các giá trị về nhân quyền đối với các đối tác của mình.
Tuy nhiên nội dung ở Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vẫn chưa thấy tin tức liên quan về các dự luật lâu nay vẫn tình trạng ‘chỉnh sửa’ kéo dài: luật về quyền lập hội, luật về quyền biểu tình.
Trong Hiệp ước Lisbon, một trong các sứ mệnh của EU là góp phần vào “hòa bình, an ninh và phát triển bền vững của thế giới (…) và bảo vệ nhân quyền” – tham khảo https://www.europarl.europa.eu/sides/getDoc.do?type=TA&language=EN&reference=P7-TA-2010-434.
Thông qua các chính sách đối ngoại, EU muốn tác động tới các nước đối tác, nhất là các nước đang phát triển để phổ biến rộng rãi các nguyên tắc về nhân quyền, nhà nước pháp quyền, minh bạch và dân chủ theo quan điểm của EU. Để làm được điều này, giá trị nhân quyền đã được coi như một điều kiện đi kèm với các lợi ích thương mại. Nghị quyết về nhân quyền, các tiêu chuẩn xã hội và môi trường trong các hiệp định thương mại quốc tế ngày 25/11/2010 của Nghị viện châu Âu nhấn mạnh yêu cầu bổ sung một loạt các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và nhân quyền trong tất cả các FTA mà EU đàm phán với các nước khác.
Khi đàm phán các hiệp định quốc tế với các nước ngoài khối, sự tuân thủ các quy định bảo vệ nhân quyền thường được EU coi là một điều kiện đối với các nước ngoài khối muốn thiết lập quan hệ hợp tác với EU. Trong thực tế, các điều khoản nhân quyền đã được đưa vào trong các hiệp định của EU với hơn 120 quốc gia trên thế giới – tham khảo https://www.europarl.europa.eu/cmsdata/86031/Study.pdf.
Việc tuân thủ các quy định về nhân quyền trong các hiệp định này là một điều kiện tiên quyết, mà sự vi phạm có thể dẫn tới các biện pháp trả đũa của EU, hoặc thậm chí là đình chỉ hiệu lực của hiệp định đó. Trong các hiệp định này cũng quy định về cơ chế và quy trình đối thoại – tham vấn thường kỳ.
Như vậy, để Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) thật sự mang đến những lợi ích thiết thực cho Việt Nam, có lẽ Việt Nam phải trông chờ vào nhiệm kỳ mới của đảng chính trị sẽ được ra mắt có thể là vào cuối quý 1-2021. Những dự luật đang còn nợ nần quá dài so với quyền hiến định, có lẽ sẽ là phép thử năng lực cho nhiệm kỳ mới của Quốc hội và chính phủ Việt Nam, dự kiến sẽ được bầu cử chọn lựa từ giữa năm 2021.
Hy vọng những công dân với các bản án ‘tù nhân lương tâm’, sẽ sớm được trả tự do khi những yêu cầu về nhân quyền của EVFTA được thực thi tại Việt Nam.