Hàn Lam
(VNTB) – Giá USD giao dịch thị trường “chợ đen” phần nào hạ nhiệt so với thời điểm cận Tết (có lúc vượt 25.000 đồng), nhưng vẫn cao và khoảng cách chênh lệch với thị trường chính thức vẫn vài trăm đồng mỗi USD.
Ngày 12-2 (tức mùng 3 Tết), giá vàng SJC duy trì ở mức 76,7 – 78,9 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn tròn trơn gần 65 – 66 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra, mức cao nhất từ trước đến nay. Cùng thời điểm, giá vàng thế giới giao ngay ở ngưỡng 2.025 USD/ounce, tăng hơn 1 USD/ounce so với sáng qua.
Nhớ lại, chốt phiên giao dịch cuối cùng năm Quý Mão (ngày 7-2), giá vàng miếng 9999 tại SJC TP.HCM là 76,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 78,9 triệu đồng/lượng (bán ra). SJC Hà Nội niêm yết ở mức 76,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 78,92 triệu đồng/lượng (bán ra).
DOJI Hà Nội niêm yết ở mức 76,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 78,85 triệu đồng/lượng (bán ra). DOJI TP.HCM mua vàng SJC ở mức 76,55 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 78,85 triệu đồng/lượng. Và với mức giá ở thời điểm hiện tại, giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) chênh lệch so với giá vàng SJC trong nước vào khoảng 16,74 triệu đồng/lượng.
Chưa đến tuần lễ là “Vía Thần tài”, nhu cầu thương mại luôn được dự báo tăng mạnh, đặc biệt là ở thị trường miền Bắc. Theo đó truyền thuyết dân gian kể lại rằng, ngày xưa có vị Thần tài nổi danh trên trời do uống say mà rơi xuống trần gian. Thần vào nhà nào thì nhà ấy buôn may bán đắt, trở nên giàu có. Đến ngày mùng 10-1 Âm lịch Thần trở về trời. Để tưởng nhớ ngài, người dân lấy ngày này là ngày vía Thần tài để thờ cúng.
Từ đó, cứ vào ngày vía Thần Tài hàng năm, người dân đi mua vàng gọi là Vàng Thần tài để cầu vận may, sung túc, đủ đầy cho gia đình trong năm mới. Vàng Thần tài trở thành biểu tượng của sự giàu có, tài lộc, phú quý. Mua vàng đầu năm theo quan niệm này như một cách “đổi vía” với người kinh doanh, cầu mong năm mới kinh doanh phát đạt.
Tín ngưỡng mua Vàng Thần tài khiến lượng người mua vàng trong ngày này luôn tăng đột biến, giá vàng cũng vì thế mà biến động mạnh. Thông thường, giá vàng từ vài tuần trước ngày vía Thần tài bắt đầu tăng.
Theo một tài liệu từ trung tâm nghiên cứu tôn giáo, người dân Việt Nam thờ Thần tài với hy vọng mang đến tài lộc, sự sung túc, giàu có và thịnh vượng cho gia đình. Hầu như tất cả các cửa hàng kinh doanh buôn bán, các công ty doanh nghiệp đều lập bàn thờ Thần tài. Vào ngày này, mọi người đều làm lễ cúng bái xin một năm làm ăn gặp nhiều may mắn, tấn tài tấn lộc, công việc hanh thông.
Câu hỏi đặt ra: Vậy có nên mua vàng ngày vía thần tài không? Điều này còn tùy thuộc vào từng khu vực sinh sống, quan điểm của mỗi người. Bởi việc “đổ xô” đi mua vàng ngày vía Thần tài, thường chỉ xuất hiện tại những khu vực thành phố lớn. Với những người làm kinh doanh buôn bán thì thường rất coi trọng ngày vía Thần tài.
Thời gian gần đây, dịp ngày vía Thần tài, thay vì lựa chọn các sản phẩm có giá trị cao như tranh vàng, tượng vàng đúc nguyên khối…, nhiều người đã chuyển sang chọn các món trang sức vàng, charm vàng, vàng ép vỉ với mức giá hợp lý để hoàn thành ước nguyện cầu tài lộc đầu năm.
Giác độ kinh doanh, vấn đề đặt ra là khi nhu cầu mua vàng tăng cao, biến động thị trường vàng tăng mạnh trước những ngày vía Thần tài, liệu người dân có nên bán vàng trong ngày này để sinh lời không? Theo các chuyên gia phong thủy, mua vàng trong ngày vía Thần tài là phong tục cầu may chứ không phải trao đổi kinh tế.
Với dân kinh doanh, sau kỳ nghỉ Tết, thị trường vàng lại rục rịch bước vào ngày Vía Thần tài. Nhiều năm, giá vàng thường tăng giá vào ngày này. Ngoài ra, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước vẫn cao. Giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 60 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC hơn 18 triệu đồng/lượng.