VNTB – Giấc mơ chính quyền điện tử…

VNTB – Giấc mơ chính quyền điện tử…

 

Tử Long

 

(VNTB) – Chính phủ điện tử khéo sẽ dễ ‘chết ngang’ vì ‘chập chờn kết nối’

 

Chuyển trọng tâm từ chính quyền sang người dân, từ tổ chức sang nhân viên, từ doanh nghiệp sang khách hàng. Công nghệ thông tin tập trung mang lại giá trị cho nhà quản lý nhiều hơn…

Nói về sự khác nhau giữa công nghệ thông tin và chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng diễn giải như sau – trích:

“Chuyển trọng tâm từ chính quyền sang người dân, từ tổ chức sang nhân viên, từ doanh nghiệp sang khách hàng. Công nghệ thông tin tập trung mang lại giá trị cho nhà quản lý nhiều hơn. Phục vụ nhà quản lý, làm dễ việc cho nhà quản lý.

Chuyển đổi số tập trung mang lại giá trị cho người dùng, cho khách hàng, cho người dân. Lấy người dân làm trung tâm. Lấy người dùng, người sử dụng làm trung tâm.

(…) Chuyển đổi số là công nghệ thông tin + Số hoá toàn diện + Dữ liệu + Đổi mới sáng tạo + Công nghệ số”.

Những diễn giải với màu sắc học thuật hàn lâm trên có thể hiểu đơn giản thế này: nếu như trước kia, chính phủ truyền thống cần trải qua nhiều bước như tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, giấy tờ và sau đó chuyển lên cấp cao hơn thì trong chính phủ điện từ, người dân và doanh nghiệp sẽ tương tác trực tiếp với người có thẩm quyền quyết định.

Chính phủ điện tử với các chương trình tự động đã được “mã hóa” sẽ nâng cao tốc độ xử lý văn bản, các số liệu cần tính toán nên năng suất lao động của cán bộ sẽ tăng lên nhiều lần so với cách làm thủ công trước đây. Chính phủ điện tử cho phép thực hiện việc giao ban điện tử, họp trực tuyến, nên giảm được nạn giấy tờ. Với những tiện ích đó, chi phí hoạt động của chính phủ sẽ được giảm đi đáng kể mà năng lực quản lý của chính phủ lại được nâng lên.

Bên cạnh cách hiểu trên, theo nhận xét của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, thì, “Bộ Công an đã có một đề án rất thành công về thông tin cá nhân là tích hợp vào căn cước công dân có gắn chip. Việc này phục vụ cho chính phủ điện tử thì các bộ, ngành cũng đang tích hợp và sử dụng thông tin này”.

Từ góc nhìn dân dã hơn, ‘đời hơn’, có ý kiến là một khi hạ tầng mạng Internet ở Việt Nam vẫn còn lệ thuộc quá nhiều vào mấy sợi cáp quang quốc tế thì chính phủ điện tử không khéo sẽ dễ ‘chết ngang’ vì ‘chập chờn kết nối’.

Thực tế cho thấy chỉ sau mấy ngày nghỉ Tết nguyên đán, tin cho hay là các nhà mạng lớn VNPT, Viettel đều cho biết đang tích cực làm việc với các đơn vị quản lý cáp quang biển quốc tế để nhanh chóng xử lý sự cố trên 4 tuyến AAG, APG, AAE-1 và IA; trong đó có 3 tuyến đã trục trặc từ hạ tuần tháng 12-2022.

Các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam đều xác nhận việc 4/5 tuyến cáp quang biển quốc tế mà các ISP Việt Nam khai thác đang gặp sự cố, ảnh hưởng đến lưu lượng kết nối từ Việt Nam đi quốc tế. Trong đó, 2 tuyến AAG và APG mất toàn bộ dung lượng. Tuyến AAE-1 mất dung lượng trên hướng kết nối đi Hong Kong, còn tuyến cáp Liên Á mất hướng kết nối đi Singapore.

Thông tin với báo chí, đại diện các ISP đều thừa nhận gần đây một số người dùng Internet tại Việt Nam phản ánh về hiện tượng truy cập mạng chậm do đang 4 sự cố cáp quang biển trên các tuyến AAE, AAG, APG và Liên Á.

Các giao dịch chứng khoán tài chính, bảo hiểm, ngân hàng ở Việt Nam cũng đang chịu ảnh hưởng.

Việt Nam hiện chỉ có tổng cộng 7 tuyến cáp quang biển, bên cạnh các tuyến cáp quang đất liền. Số lượng các tuyến cáp biển Việt Nam đang khai thác ít hơn so với một số nước trong khu vực như Thái Lan (10 tuyến), Malaysia (22 tuyến) hay Singapore (30 tuyến), khiến cho mức độ đảm bảo về hạ tầng quốc tế phục vụ Internet cho người dùng Việt Nam còn thấp.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)