VNTB – Giải Nobel nào dành cho Việt Nam?

VNTB – Giải  Nobel nào dành cho Việt Nam?

Trần Dzạ Dzũng

 

(VNTB) – Trang Nobel Prize hiện vẫn lưu giữ mục riêng ghi danh ông Lê Đức Thọ, tức Phan Đình Khả (1911 – 1990) là người được trao nhưng từ chối nhận giải.

 

Tôi luôn mong ước một ngày không xa Việt Nam sẽ có nhà văn đạt giải thưởng Nobel văn chương, mang đến niềm tự hào cho đất nước”.

Đó là mơ mộng của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi dự lễ phát động Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi và trao giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức sáng 9-1-2022 tại trụ sở hội.

Người soạn diễn văn cho Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc rất khéo nịnh khi dẫn lại lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn…”, qua đó diễn văn chấp những lời có cánh cho Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, rằng dân tộc ta có thể trường tồn trong một thế giới đa dạng và hội nhập phong cách như ngày nay đòi hỏi văn hóa phát triển mạnh mẽ hơn trên cái hồn cốt của dân tộc. Các nhà văn là những người bền bỉ hết thế hệ này đến thế hệ khác đi gieo những hạt giống nhân văn, nhân ái trên cánh đồng nhân cách con người… Các nhà văn Việt Nam, toàn xã hội hãy vì tương lai của con em mình mà dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em.

Người chấp bút diễn văn cho Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc càng khéo hơn khi hiểu thói quen ‘đao to búa lớn’ của cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi viết kiểu ‘gửi gắm’ mang tính chỉ đạo rất quen thuộc trong diễn văn chính khách: “Tôi luôn mong ước một ngày không xa Việt Nam sẽ có nhà văn đạt giải thưởng Nobel văn chương, mang đến niềm tự hào cho đất nước. Tôi có niềm tin mạnh mẽ vào tất cả các nhà văn, tác giả trẻ hôm nay”.

Và đoạn sau đây càng cho thấy tài của người chấp bút soạn diễn văn này, khi thòng thêm câu của mô thức “chỉ đạo định hướng”, là “cần tạo ra không gian sáng tạo để các nhà văn sáng tạo nhưng không được làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, dân tộc và của Đảng đã xây dựng”.

Văn mình, vợ người. Xin tạm không lạm bàn chuyện tài năng, chỉ xoay quanh yêu cầu “không được làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, dân tộc và của Đảng đã xây dựng”, cho thấy ở Việt Nam cũng rất khó khi muốn nối lại giấc mơ dang dở về Nobel Hòa bình, khi mà trang Nobel Prize hiện vẫn lưu giữ mục riêng ghi danh ông Lê Đức Thọ, tức Phan Đình Khả (1911 – 1990) như người được trao nhưng từ chối nhận giải.

Hôm 8-10-2021, AAP đưa tin hai nhà báo có tác phẩm điều tra thu hút sự quan tâm lớn của dư luận tại Nga và Philippines đã được trao giải Nobel Hòa bình, trong động thái nhằm tôn vinh quyền tự do ngôn luận mà ủy ban trao giải mô tả là đang bị đe dọa trên toàn cầu.

Maria Ressa và Dmitry Muratov đã được trao giải thưởng “vì sự dũng cảm đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận ở Philippines và Nga” – Chủ tịch Berit Reiss-Andersen của Ủy ban Nobel Na Uy phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 8-10. “Đồng thời, họ là đại diện của tất cả các nhà báo đứng lên vì lý tưởng này trong một thế giới mà dân chủ và tự do báo chí phải đối mặt với những điều kiện ngày càng bất lợi” – bà nói thêm.

Giải thưởng này là giải thưởng đầu tiên dành cho các nhà báo kể từ khi Carl von Ossietzky người Đức giành được nó vào năm 1935 vì tiết lộ chương trình tái vũ trang bí mật của đất nước ông sau chiến tranh.

Reiss-Andersen nói: “Báo chí tự do, độc lập và dựa trên sự thật nhằm bảo vệ chống lại sự lạm quyền, dối trá và tuyên truyền chiến tranh”.

Muratov là tổng biên tập của tờ báo điều tra Nga Novaya Gazeta, tờ báo đã có điều tra về hành vi sai trái và tham nhũng, đồng thời đưa tin rộng rãi về cuộc xung đột ở Ukraine. Ông là người Nga đầu tiên đoạt giải Nobel Hòa bình kể từ sau nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev năm 1990.

Ressa đứng đầu Rappler, một công ty truyền thông kỹ thuật số do bà đồng sáng lập vào năm 2012, và đã trở nên nổi bật nhờ báo cáo điều tra, bao gồm cả những vụ giết người quy mô lớn trong chiến dịch chống ma túy ở Philippines.

Vào tháng 8 năm ngoái, một tòa án Philippines đã bác bỏ vụ kiện bôi nhọ đối với Ressa. Nhà báo này nói rằng bà đã bị nhắm mục tiêu vì các bài báo chỉ trích trên trang tin tức của bà.

Hoàn cảnh của Ressa, một trong số nhà báo được Tạp chí Time bình chọn là Nhân vật của năm vào năm 2018 vì chống lại sự đe dọa của giới truyền thông, đã làm dấy lên lo ngại quốc tế về hành vi quấy rối truyền thông ở Philippines, quốc gia từng được coi là tiêu chuẩn cho tự do báo chí ở châu Á.

Còn với Việt Nam, chỉ cần nhìn từ Hội Nhà báo độc lập Việt Nam là có thể hình dung về thế nào là tự do báo chí. Theo đó, vì muốn thực hiện quyền tự do báo chí không phải chịu sự định hướng của Tuyên giáo Đảng, ngày 4 tháng 7 năm 2014 một nhóm ký giả, phóng viên, nhà văn đã đứng ra thành lập một hiệp hội chính thức mang tên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

Mục đích của hội là “nhằm thực hiện quyền tự do biểu đạt và tự do báo chí”. Trong số người chủ trương là nhà báo Phạm Chí Dũng và linh mục Lê Ngọc Thanh, cả hai đều là người được trao giải “Anh hùng thông tin” của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) hồi tháng 5 năm 2014.

Bản tin trên VOA hôm 06-01-2022, có đoạn viết: Ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập và blogger của VOA, là một trong số 2 nhà báo duy nhất trên thế giới, theo thống kê của RSF, bị tuyên án nặng nhất với 15 năm tù trong năm 2021. Người cũng nhận bản án dài tương tự trong năm vừa qua là nhà báo Ả-rập Xê-út gốc Yemen, Ali Abulohom.

Theo RSF, việc ông Dũng lập ra Hội Nhà báo Độc lập “là một sự bất thường trong một đất nước mà tất cả các phương tiện truyền thông được cho là phải tuân theo đường lối của Ban Tuyên giáo”, và án tù nặng cho nhà báo Phạm Chí Dũng cho thấy “lập trường cứng rắn hơn của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản hiện tại ở Hà Nội”.

… Trong bối cảnh như trên, liệu giấc mơ giải thưởng Nobel văn chương trao cho tác giả nào đó của Việt Nam có hiện thực với yêu cầu thỏa mãn tiêu chí “không được làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, dân tộc và của Đảng đã xây dựng”?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)