Việt Nam Thời Báo

VNTB – Giết một dòng sông

Dân Trần

 

(VNTB) – Cả con sông lớn đã khô cạn từ khi có đập thủy điện Sông Tranh

 

Một mùa mưa bão nữa lại tới, khi cơn bão số 2 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới thì sẽ có thêm những cơn bão số 3, số 4… Mỗi năm miền Trung phải hứng chịu hàng chục cơn bão, nhưng hàng trăm năm qua người dân đã quen với việc ứng phó với mẹ thiên nhiên. Cho tới khi có chủ trương xây dựng đập thủy điện khắp nơi của cộng sản Việt Nam.

Thật khó hiểu với cách vận hành đập thủy điện ở Việt Nam khi mùa nắng họ tích nước, mùa mưa lại đồng loạt xả lũ ào ạt. Thay vì nắng thì xả nước cho dân có thể tưới tiêu, còn mưa thì giữ nước lại rồi điều hòa dòng chảy. Nhưng nếu chỉ là chuyện trữ và xả nước thôi thì không nói, thủy điện còn làm chết cả dòng sông.

Trên facebook cá nhân, anh Hồ Viết Sang, một người dân ở Đà Nẵng kể lại câu chuyện rằng cả con sông lớn đã khô cạn từ khi có đập thủy điện Sông Tranh. Anh viết: “Dòng sông Trường ngày trước là một con sông lớn, nước chảy xiết, nơi nhiều loài cá sinh sống và những khu rừng nguyên sinh xanh tốt hai bên bờ. Nhưng khoảng hai mươi năm trước, người ta bắt đầu xây đập thủy điện Sông Tranh. Lúc đầu, ai cũng nghĩ đây sẽ là một điều tốt, cung cấp điện cho khu vực. (Đập sông tranh 2 khởi công 2006).

Nhưng đập thủy điện đã chặn dòng chảy của sông Trường. Nước không còn chảy mạnh như trước, dần dần dòng sông khô cạn, chỉ còn lại những vũng nước nhỏ giữa lòng sông khô cạn. Cá không còn chỗ để sống, chim chóc cũng ít đi hẳn vì thiếu nước và cây cối.

Đây cũng là nguyên nhân gây ra các vụ động đất hàng năm! Cái hậu quả cho việc xé nát tự nhiên! Hàng chục hàng trăm ngôi nhà nứt nẻ, những vụ lở đất kinh hoàng, những trận lũ quét mới ra!

Không chỉ dòng sông bị ảnh hưởng, các cánh rừng nguyên sinh hai bên bờ sông cũng bị tàn phá. Người ta chặt cây để lấy gỗ, để làm nông nghiệp và mở rộng đô thị. Những cánh rừng rậm rạp biến thành những khu đất trống, chỉ còn vài cây lác đác và bụi cây thấp.

Nhìn từ xa, cảnh quan giờ chỉ còn là sự trơ trọi, những vết tích của rừng cây và dòng sông khô hạn. Những gì từng là vẻ đẹp tự nhiên giờ chỉ còn là những mảnh đất cằn cỗi. Việc xây đập thủy điện và khai thác tài nguyên không suy nghĩ đã làm thiên nhiên phải chịu thiệt hại nặng nề”. (1)

Đập thủy điện Sông Tranh 2 do nhà thầu Trung Quốc xây dựng, có sản lượng điện trung bình hàng năm 679,6 triệu KWh, với vốn đầu tư 5.194 tỷ đồng. Công trình được khởi công xây dựng từ năm 2006, và đưa vào sử dụng vào năm 2010.

Chỉ sau 2 năm đưa vào hoạt động thì năm 2012, thân đập bị thấm nước. Lượng nước thấm qua đập thủy điện Sông Tranh 2 đã gấp 5 lần mức cho phép. Trong tháng 9 và 10 năm 2012, rất nhiều đợt địa chấn xảy ra trong khu vực được cho là do động đất kích thích, một kiểu động đất xảy ra do quá trình tích nước của các hồ chứa nước. Từ đó nhiều vụ động đất khoảng 3-4 độ Richter đã liên tục xảy ra khiến người dân vô cùng hoang mang.

Năm 2021, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam đánh giá rằng: “đập thủy điện Sông Tranh 2 không có tường bê tông thép chống thấm, nhà thầu Trung Quốc áp dụng công nghệ không đúng quy trình khiến cho các khe nhiệt co giãn bị nứt”.

Theo ông Hồng thì có hai phương án xử lý thủy điện Sông Tranh 2 nếu cấm tích nước vĩnh viễn. “Một là cho nổ mìn phá đập nhưng cách này hơi nguy hiểm do công trình nằm ở vùng địa chất phức tạp, nhạy cảm nên có thể gây ra động đất mạnh hơn. Còn phương án thứ hai là làm tường chống gia cố đằng sau đập để sau này khi địa chất khu vực đi vào ổn định thì có thể tái sử dụng công trình. Tuy nhiên, trước hết chủ đầu tư buộc phải làm cửa xả đáy để tháo cạn nước còn lại trong hồ, vừa giảm kích thích động đất vừa cung ứng nước cho hạ du”. (2)

Phương án phá hủy toàn bộ đập có tuy gây tổn thất về môi trường, nhưng về lâu dài thì lại là cách tốt nhất để trả lại rừng, sông lại cho đúng với tự nhiên. Việc phá bỏ những đập thủy điện nguy hiểm cũng giúp người dân ổn định tâm lý hơn là cứ mỗi mùa mưa tới thì lại không biết sống chết như thế nào.

 

______________

Tham khảo:

(1) https://www.facebook.com/share/p/jqH9gfdtK1EbzNZJ/?

(2) https://tonghoixaydung.vn/hai-phuong-an-xu-ly-thuy-dien-song-tranh-2.html

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Tô Lâm mồm ăn bò dát vàng nhưng miệng lại bức xúc về vấn nạn lãng phí

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Liều mạng tắm chung với rác

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Dự án ngàn tỷ bỏ hoang gây lãng phí hàng trăm héc ta đất

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo