Thăng Long
(VNTB) – Người dân Hà Nội khi nhiễm Covid vẫn phải ‘ngóng cổ’ chờ chăm sóc y tế…
Đã ‘sống chung với dịch’ thì việc gì phải vội?
Người dân phản ánh đến báo chí, rằng ở chung cư ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội có trường hợp tự test nhanh ra kết quả dương tính Covid, báo y tế phường từ ngày 29-11, nhưng phải đến ngày 30-11 mới có cán bộ đến lấy mẫu đưa đi xét nghiệm PCR.
Hơn 1 ngày sau có kết quả khẳng định nhiễm Covid-19, nhưng cũng phải chờ thêm 1 ngày nữa, bệnh nhân mới được đưa đi điều trị tập trung; đồng thời quận Thanh Xuân mới có quyết định cách ly cả tầng chung cư có F0 này.
“Việc ra quyết định cách ly như vậy rất hình thức, không mang lại kết quả thiết thực vì từ khi phát hiện trường hợp F0, hàng xóm vẫn đi làm, sinh hoạt bình thường, tiếp xúc với nhiều người”, người dân nơi đây ý kiến.
Y tế Hà Nội còn ban hành nhiều lệnh khó hiểu hơn nữa kìa khi cứ chống dịch theo địa bàn hành chính, còn Covid thì nó lây nhiễm có theo địa bàn do con người đặt ra bao giờ đâu?. Số là Hà Nội ngoài quận Đống Đa trước đây, bây giờ lại cấm thêm quận Hai Bà Trưng, hàng quán chỉ được bán mang về, không được ăn tại chỗ. Vậy là bà con lại í ới hẹn nhau ra nhà hàng, quán ăn ở quận Hoàn Kiếm, Giảng Võ…
“Chống dịch theo tư duy này dịch không tăng mới lạ. Nếu cấm thì cấm hết tất cả các quận nội đô thì mới hiệu quả, còn không thì mở hết để dân buôn bán mưu sinh” – một bác sĩ từng là quan chức hàm thứ trưởng y tế, nhận xét.
Từ góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, cho rằng “việc dừng các dịch vụ không thiết yếu trong phạm vi một vài quận, huyện không còn hiệu quả trong tình hình dịch bệnh hiện nay”. Bởi số ca nhiễm ở Hà Nội tăng cao “đã được dự báo từ trước”. Y tế Hà Nội cần phân loại xem trong số ca nhiễm mỗi ngày, có bao nhiêu F0 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng; bao nhiêu F0 nặng phải nhập viện; bao nhiêu tử vong. Nếu tỷ lệ chuyển nặng thấp thì dù số F0 tăng cao cũng không quá lo ngại.
“Nếu số ca nhiễm tiếp tục tăng cao, các quận trung tâm đồng loạt đóng cửa dịch vụ không thiết yếu sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế – xã hội và ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân”, ông Hùng nói, đề xuất việc các địa bàn nâng cấp độ dịch theo số ca nhiễm chỉ nên để người dân cảnh giác cao hơn, thực hiện nghiêm 5K.
Y tế thủ đô quen thói quan liêu?
Nôm na, những sai lầm trong chính sách mà Bộ Y tế đã buộc chính quyền TP.HCM phải thực thi ở thời gian ‘ai ở đâu ở yên đó’, giờ đang tiếp diễn tại Hà Nội, và còn tệ hại hơn nữa khi chuyện điều trị của y tế thủ đô lại ‘quan liêu’ đúng như nhận xét quen thuộc “Hà Nội không vội được đâu”.
Hôm 26-12, Hà Nội ghi nhận 1.910 ca mắc Covid mới, vẫn giữ vị trí cao nhất cả nước, thế nhưng nhìn những gì mà người Hà Nội lên tiếng thì quả là đang có sự thờ ơ đúng kiểu “Hà Nội không vội được đâu”.
Bà N.T.H ở phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng cho biết mẹ của bà là N.T.T (62 tuổi) được phát hiện dương tính Covid ngày 15-12. Đáng nói, bà T. chưa được tiêm vắc-xin, tới ngày 16-12 bắt đầu có chuyển biến nặng hơn khi lượng ô xy trong máu (SpO2) giảm xuống.
Sáng 17-12, bà H. liên hệ với y tế phường Đống Mác đề đạt nguyện vọng muốn đưa mẹ đi điều trị. Dù vậy, chiều cùng ngày, nhân viên y tế phường đến kiểm tra, báo kết quả là tình trạng của bà T. vẫn có thể tự điều trị ở nhà được và đề nghị gia đình chụp ảnh kết quả SpO2 gửi qua điện thoại cho nhân viên y tế.
“Sau đó, tình trạng bệnh của mẹ tôi trở nặng hơn, SpO2 giảm, tôi đã nhắn tin báo cho cán bộ y tế phường, không có phản hồi. Gọi điện ra phường thì cũng không ai nghe máy, lúc đó là nửa đêm. Khi gọi cấp cứu 115 thì cũng không ai tiếp nhận, họ đều giải thích là đúng quy trình thì phải qua hệ thống y tế phường. Gia đình tôi liều đưa mẹ đi cấp cứu ở bệnh viện Thanh Nhàn. Gia đình phải trình bày khó khăn là bệnh nhân lớn tuổi, chưa tiêm vắc-xin, gia đình rất lo lắng, tình trạng bệnh có thể nguy kịch mới được tiếp nhận điều trị”, bà H. kể.
Còn trường hợp của bà N.T.V, sống tại 1 tòa chung cư thuộc phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, thì ngày 23-12 bà có biểu hiện ho, sốt nên đã đến y tế phường lấy mẫu xét nghiệm. Nhưng đến ngày 25-12 mới có kết quả xét nghiệm PCR.
Trong quá trình chờ đợi kết quả, lo lắng nên bà đã tự test nhanh, cho kết quả dương tính Covid-19. Bà V. cho biết y tế phường chỉ hỏi qua điện thoại về tình trạng bệnh, hướng dẫn uống thuốc tự điều trị chứ không được phát thuốc như quy định của Bộ Y tế…
“Hà Nội không vội được đâu” ngay cả khi “chóng dịch như chống giặc”?
Khi báo chí thắc mắc về những trường hợp cụ thể kể trên, một lãnh đạo y tế yêu cầu ‘ẩn danh’ nói rằng đã có nhiều nhân viên y tế nộp đơn xin nghỉ việc vì áp lực công việc quá lớn.
Cũng theo vị này, dù Hà Nội cho biết y tế cơ sở là nòng cốt, song cơ chế để huy động nhân lực vẫn chưa rõ ràng. “Cần có cơ chế như cho phép nhân viên y tế ký hợp đồng làm việc 50% với nơi công tác, 50% còn lại được ký theo năm với trạm y tế, có như thế mới huy động được lâu dài và đủ nhân lực”, vị lãnh đạo này ý kiến.
Bộ trưởng y tế Nguyễn Thanh Long và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đều đang sống, làm việc tại Hà Nội, thế nhưng chẳng hiểu sao lại để y tế Hà Nội lâm cảnh như hiện tại.