Nguyễn Nam
(VNTB) – Khá lạ là ngay cả báo chí được gọi là quốc doanh ở Việt Nam hiện nay cũng lên tiếng phản đối án tuyên của phiên giám đốc thẩm vụ tử tù Hồ Duy Hải. Rồi ít nhất là có 3 đại biểu Quốc hội đương nhiệm cũng dân trong ngành luật, họ không chỉ phản bác án tuyên, mà còn yêu cầu xem xét tiếp theo về trình tự tố tụng cấp Quốc hội.
Khó thể tin, bởi giờ không chỉ người bên đây bờ Nam sông Bến Hải, mà gần như dân chúng cả nước thi thoảng vẫn hay nhắc nhở lời của cố tổng thống nền đệ nhị cộng hòa về “hãy nhìn những gì cộng sản làm”.
Luật sư Nguyễn Thanh Bình, một giảng viên trường luật, đồng thời còn là khách mời thường xuyên trong các chương trình phổ biến pháp luật đến cộng đồng trên sóng truyền hình, làm một phép so sánh dễ hiểu đối với bất kỳ ai từng xem phim Tàu hay chiếu dài kỳ trên truyền hình giải trí:
“Đối với tư pháp thẩm vấn, người dân nên tin cậy vào công đường, vào trí anh minh của nhà vua và pháp quan. Họ là phụ mẫu chi dân, cha mẹ dân. Họ bảo gì ta nên nghe vậy. Họ bảo đúng là đúng, bảo sai là sai. Dưới chế độ phong kiến, vua chúa, quan lại có rất nhiều hình phạt để trị dân, như nhẹ phạt vài cân thóc cho đến nặng nhất là tru di tam tộc. Những hình phạt đó qua cả ngàn năm bổ vào ai đều chịu vậy chứ có oan hận gì đâu. Dưới chế độ đó pháp luật chỉ là phản ánh hoặc che đậy nội dung, bản chất bên trong của triều đình chứ người dân có cần biết và thèm tin cậy gì đâu. Cứ tin cậy công đường thôi.
Nước ta cũng là nước có nền tư pháp thẩm vấn, nhưng là tư pháp xã hội chủ nghĩa, có nền dân chủ gấp triệu lần phong kiến với lại tư bản. Tuy có những lúc coi thường pháp luật, nhưng công đường của ta đã xử thì cũng tốt như vua quan xử ngày xưa trở lên. Do vậy chúng ta nên tin cậy vào phán quyết của toà án, cũng như vua phán quan ngày xưa vậy!”.
Có quý bạn đọc nào ‘tin cậy công đường’ như lời ‘ngon ngọt’ của luật sư Nguyễn Thanh Bình chăng?