Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hệ lụy của ‘làm chính sách’ trong ‘phòng lạnh’

Hiền Lương

 

(VNTB) – Có đến 5 vướng mắc liên quan chính sách hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà.

 

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP.HCM đã có công văn đề nghị Bộ LĐ-TB-XH hướng dẫn tháo gỡ một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Quyết định 08 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Cụ thể:

Thứ nhất, liên quan khái niệm “người sử dụng lao động”. Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, theo Quyết định 08 thì quy định “Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh có thuê mướn, sử dụng lao động làm theo thỏa thuận”.

Điều này có thể hiểu là chỉ có doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh mới đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Còn lại, với các loại hình như văn phòng đại diện; cơ quan, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập; các tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật; hội, hiệp hội doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật… thì người lao động không thuộc đối tượng hỗ trợ.

Thứ hai, về đối tượng và điều kiện thụ hưởng. Theo Quyết định 08, đối tượng được hỗ trợ tiền thuê nhà phải đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ.

Tuy nhiên, đối chiếu quy định thì một số trường hợp đang hưởng trợ cấp BHXH, không phải đóng BHXH gồm người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản, người lao động nghỉ việc hưởng hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng. Chính vì vậy, chưa xác định rõ 2 nhóm trên liệu có không thuộc đối tượng được hỗ trợ hay không.

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề nghị Bộ LĐ-TB-XH có hướng dẫn đối với đối tượng này để làm cơ sở cho cơ quan BHXH xác nhận.

Thứ ba, vướng mắc về phương thức chi trả và xác nhận của cơ quan BHXH.

Theo đó, phương thức chi trả hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp hay người quay trở lại thị trường lao động là giống nhau (chi trả hằng tháng).

Tuy nhiên, quy định của Quyết định 08 nêu: Đối với người lao động làm việc trong doanh nghiệp thì doanh nghiệp có thể đề nghị BHXH xác nhận gộp 2 tháng hoặc 3 tháng. Còn với người lao động quay trở lại thị trường lao động thì không có quy định xác nhận gộp.

Doanh nghiệp vướng mắc, vậy họ có bắt buộc phải đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà theo từng tháng cho tháng tương ứng đề nghị, hay vẫn được đề nghị gộp tháng?

Thứ tư, về thời gian thực hiện chính sách. Quyết định 08 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28-3-2022 và quy định thời gian tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 15-8-2022.

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM nêu thắc mắc, vậy việc xác định thời gian người lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà khi đủ điều kiện theo quy định kể từ ngày Quyết định 08 có hiệu lực hay được hỗ trợ bắt đầu từ tháng 2, tháng 3. Do TP.HCM có số lượng lớn lao động đang làm việc, có thuê mướn nhà trọ nên cần xác định đúng thời gian được hỗ trợ để bố trí ngân sách thực hiện chi trả chính xác.

Thứ năm, theo quy định, trong 2 ngày kể từ ngày nhận được kinh phí của UBND thì doanh nghiệp phải chi ngay cho người lao động.

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho hay, nếu không quy định thời gian thực hiện quyết toán có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lưu giữ tiền hỗ trợ thuê nhà trọ để sử dụng cho các nội dung khác nhau trong thời gian ngắn, dẫn đến việc chậm chi trả cho người lao động. Đồng thời, Quyết định 08 không đề cập đến việc xử lý vi phạm nếu người sử dụng lao động chậm chi cho người lao động.

Chính vì vậy, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề nghị Bộ LĐ-TB-XH có hướng dẫn cụ thể để thống nhất quy định về hồ sơ thanh, quyết toán (hồ sơ, thời gian thực hiện) của người sử dụng lao động.

Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, hiện có gần 1,2 triệu người lao động trên địa bàn có nhu cầu nhận hỗ trợ tiền thuê nhà trọ với tổng kinh phí dự kiến gần 2.100 tỉ đồng. Trong đó, hơn 987.000 người lao động đang làm việc và hơn 205.000 người quay lại thị trường lao động.

BHXH TP.HCM cho biết sau gần 1 tháng triển khai thực hiện, BHXH thành phố đã xác nhận danh sách tham gia BHXH cho 1.855 đơn vị với 21.116 lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08. Trong đó, có 1.624 đơn vị với 20.415 lao động đang làm việc và 231 đơn vị với 701 lao động mới quay lại thị trường lao động.

Các ý kiến đề xuất gọi là tháo gỡ ở trên còn cho thấy ngoài chuyện hệ lụy của làm chính sách trong phòng lạnh, thì ở đây cần quy trách nhiệm ở các cấp thừa hành, rằng vì sao quyết định về chính sách an sinh cho người lao động được ban hành hồi tháng 3 năm nay, thế nhưng phải đến hai tháng sau đó thì mới phát hiện ra đến 5 vấn đề vướng mắc cần xử trí ngay từ cấp  cao nhất?

Sự đủng đỉnh của các nhà quản lý phải chăng nhằm kéo giãn các khoản phải chi, bởi thực tế thì ngân khố đang trống rỗng?


Tin bài liên quan:

VNTB – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ không thể mãi im lặng

Phan Thanh Hung

VNTB – Lý thuyết Nghị viện của thế giới vì sao lại khó áp dụng ở Việt Nam?

Phan Thanh Hung

VNTB – Nhà ở giá rẻ: nhưng thế nào là rẻ?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo