VNTB – Hết nạc thì vạc đến xương?

VNTB – Hết nạc thì vạc đến xương?

Nam Minh

 

(VNTB)  – Chính phủ Việt Nam khẳng định không hề có việc thao túng tiền tệ. Điều này không phải là ‘nói lấy có’.

 

Tín hiệu cho tái nhiệm thủ tướng?

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng 29-12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng công bố thông tin lạc quan về kết quả thu ngân sách: Tuy gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, năm 2020 tổng thu ngân sách nhà nước bất ngờ đạt 98,3% so với kế hoạch, cao hơn nhiều so với dự báo.

Theo đó, trên cơ sở cập nhật số thu đến nay, Bộ Tài chính ước thu ngân sách cả năm 2020 đạt 1.472 ngàn tỉ đồng, cao hơn 148-150 ngàn tỉ đồng so với số đã đánh giá tháng 8-9 vừa qua để báo cáo Quốc hội.

Như vậy, cùng mức tăng trưởng kinh tế dương, đạt 2,91%, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 98,3% cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã đứng vững trước những khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt…, đồng thời khẳng định đánh giá của Chỉnh phủ là năm 2020 đã thực hiện được “mục tiêu kép” vừa phòng chống hiệu quả dịch bệnh, vừa duy trì được kinh tế phát triển, ổn định xã hội.

Với những thành quả trên, rất có thể trong khóa mới sắp tới đây của Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ được tái nhiệm thêm 4 năm nữa ở tân nội các Chính phủ.

Nguồn thu ngân sách chủ yếu có từ các loại thuế, phí thu được từ hoạt động kinh tế, đặc biệt là từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Cảm ơn ông Tổng thống Mỹ!

Có ý kiến: Đảng – Nhà nước Việt Nam cần phải biết ơn Tổng thống Trump, vì nhờ chính sách của ông Trump với Trung Quốc nên Việt Nam mới thêm cơ hội ‘làm ổ dụ đại bàng’.

Dù chịu tác động của đại dịch nhưng theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), tổng vốn FDI đăng ký mới trong 11 tháng đầu năm của Việt Nam là 26,4 tỉ đô la. Tuy giảm gần 17% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đây vẫn là một kết quả đáng khích lệ khi dự báo của UNCTAD (cơ quan của Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển toàn cầu), cho thấy dòng vốn FDI chảy vào các khu vực khác như Đông Á giảm đến 30 – 45% trong năm nay.

Những con số thống kê ở trên còn cho thấy do đại dịch, nên các công ty đa quốc gia sản xuất sản phẩm gia dụng giá trị cao như đồ điện tử, ngày càng chịu nhiều áp lực trong việc cắt giảm chi phí.

Bên cạnh các tín hiệu với con số đẹp đẽ đó, thì cũng không ít thắc mắc cắc cớ: Phải chăng lựa chọn Việt Nam của các tập đoàn nước ngoài chỉ là một động thái “hết nạc thì vạc đến xương”?

Ai đang đóng nhiều thuế?

Báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Bộ Tài chính, vừa công bố cho biết đối với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV Bắc Ninh), tổng doanh thu năm 2019 là hơn 447 ngàn tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức trên 452 ngàn tỷ đồng của năm 2018. Lợi nhuận sau thuế của SEV Bắc Ninh là hơn 35 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 2.850 tỷ đồng.

Còn đối với Công ty TNHH Samsung Electronics Thái Nguyên (SEV Thái Nguyên), tổng doanh thu năm 2019 là hơn 657,6 ngàn tỷ đồng, tăng so với mức trên 597 ngàn tỷ đồng của năm 2018. Lợi nhuận sau thuế năm 2019 của công ty là hơn 46 ngàn tỷ đồng, số nộp ngân sách nhà nước là 2.079 tỷ đồng, tăng so với mức 1.268 tỷ đồng của năm 2018.

Báo cáo của Bộ Tài chính nói rằng, SEV Bắc Ninh và SEV Thái Nguyên là hai doanh nghiệp lớn nhất trong 967 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành “linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị ngoại vi máy vi tính, thiết bị quang học” khi doanh thu chiếm đến 48% tổng doanh thu của toàn nhóm ngành.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, năm 2019, số thu về các sắc thuế nội địa không kể dầu thô của khu vực doanh nghiệp FDI là hơn 210.200 tỷ đồng, tăng khoảng 13% so với năm 2018. Tốc độ tăng số nộp ngân sách của khu vực FDI năm 2019 nhanh hơn so với hai năm trước đó.

Một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố mới đây cho biết, năm 2019, khu vực FDI xuất khẩu đạt 181 tỉ USD, chiếm 71,3% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, tạo khoảng 10 triệu việc làm, năng suất lao động cao gấp 2,4 lần năng suất chung cả nước. Đặc biệt, tại nhiều địa phương, đóng góp ngân sách của doanh nghiệp FDI chiếm tỉ trọng lớn: Vĩnh Phúc chiếm 93,5%, Bắc Ninh 72%, Đồng Nai 63%, Bình Dương 50%. Trong giai đoạn 2011 – 2019, khu vực FDI đóng góp khoảng 28% tổng thu ngân sách nhà nước hằng năm.

Tuy nhiên, chỉ có 5% doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam sử dụng công nghệ cao, 80% sử dụng công nghệ trung bình, 14% sử dụng công nghệ thấp…

Phần “nạc” vẫn thuộc ‘người ngoại quốc’?

Hiểu theo chiều ngược lại ở những con số thống kê như trên khi đặt vào việc so sánh với thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là thặng dư tài khoản vãng lai Việt Nam vào khoảng 4,9% GDP năm 2014 và đến năm 2019 thực ra đã giảm, chỉ còn 2,2%, thì có thể thấy rằng ở đây, phần “nạc” lợi nhuận của các khoản đầu tư vào Việt Nam về cơ bản vẫn nằm trong túi các đại gia tập đoàn nước ngoài.

Theo Ngân hàng Thế giới, dòng vốn vào ròng (vốn chảy vào trong nước trừ vốn chảy ra) ở Việt Nam năm 2014 là 9,2 tỉ đôla và tăng lên 16,1 tỉ đôla năm 2019.

Phần lớn trong số này nhắm đến xuất khẩu, nhưng là ở các khu vực sản xuất có giá trị gia tăng rất thấp. Điển hình, ước tính với mặt hàng điện thoại thông minh xuất khẩu cho thấy giá trị gia tăng lao động chỉ là 2% giá trị doanh thu, còn hoạt động lắp ráp chip chỉ tạo giá trị gia tăng ở mức một con số.

“Đây là lý do tại sao tài khoản vãng lai gần như là cân đối, hàng nhập khẩu chảy vào, giá trị gia tăng tạo ra rất ít và xuất khẩu trông có vẻ lớn nhưng là phản chiếu của hoạt động sản xuất ở nơi khác”, giáo sư – chuyên gia kinh tế cao cấp tại Trung tâm Ash về quản trị dân chủ và đổi mới thuộc Trường Quản lý nhà nước John F Kennedy (Đại học Harvard), nhận định.

Rất nhiều giá trị thặng dư được gán cho Việt Nam khi xuất khẩu hàng sang Mỹ, thực ra là phản chiếu của hàng nhập khẩu từ nhiều nền kinh tế châu Á khác, Việt Nam chỉ là điểm xuất hàng cuối cùng trong chuỗi cung ứng.

Xem ra, Chính phủ Việt Nam khẳng định không hề có việc thao túng tiền tệ, thì điều này không phải là ‘nói lấy có’.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)