Việt Nam Thời Báo

VNTB – ​Hồ sơ: Vụ án Tamiflu

 

Thới Bình

(VNTB) – Bức màn lợi ích nhóm, sân trước sau có bề dày lịch sử “ăn không từ thứ gì” của một bộ phận quan chức Bộ Y tế bị hồi tố?

 

Sở dĩ đặt câu hỏi như vậy vì hôm 11-3-2022 Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã bắt tạm giam cựu thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang, khởi tố cựu vụ trưởng tài chính kế hoạch Bộ Y tế Dương Huy Liệu để điều tra vì có liên quan đến Tamiflu và số tiền mấy triệu USD.

“Khai quật” một nghi án 16 năm về trước

Trung tướng Tô Ân Xô, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết căn cứ vào tài liệu điều tra, lời khai của các bị can và những người liên quan, C03 xác định một số người liên quan tại Bộ Y tế đã không thực hiện đầy đủ chức trách nhiệm vụ được giao trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng đặt hàng sản xuất thuốc Oseltamivir với Công ty dược Cửu Long.

Cũng theo ông Xô, kết quả điều tra xác định các bị can đã không kiểm tra làm rõ việc Công ty dược Cửu Long chưa trả nhà cung cấp nguyên liệu số tiền 3,848 triệu USD. Đây là số tiền được giảm giá mua nguyên liệu có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước đã bị công ty giữ lại, sử dụng hết, không trả lại Bộ Y tế gây thiệt hại tài sản nhà nước.

C03 cũng khởi tố bị can 2 nguyên lãnh đạo cấp vụ thuộc Bộ Y tế gồm: Dương Huy Liệu và Nguyễn Nam Liên, cùng là cựu vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính. Hành vi của các bị can liên quan đến bê bối trong vụ mua nguyên liệu sản xuất thuốc Tamiflu và thuốc có hoạt chất oseltamivir phosphate phòng chống dịch cúm A/H5N1 vào năm 2006.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2010 về vụ nhập Tamiflu phòng chống dịch cúm A/H5N1, thì hai quan chức cấp cao nhất Bộ Y tế là bà Trần Thị Trung Chiến kêu oan ức, còn ông Nguyễn Quốc Triệu cho rằng Bộ Y tế sẽ thực hiện theo kết luận Thanh tra Chính phủ khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt kết luận thanh tra này.

Kết luận Thanh tra Chính phủ cáo buộc gì?

Cuộc thanh tra việc mua thuốc Tamiflu và thuốc có hoạt chất oseltamivir phosphate phòng chống dịch cúm A (H5N1) được Thanh tra Chính phủ thực hiện từ năm 2010.

Tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ nêu rõ kế hoạch dự trữ quốc gia thuốc Tamiflu và sản xuất thuốc có hoạt chất oseltamivir phosphate có nhiều sai phạm. Cụ thể, Bộ Y tế có tờ trình về việc xây dựng kế hoạch dự trữ, sản xuất thuốc, trong đó căn cứ trên việc từ cuối năm 2003 đến cuối năm 2005 cả nước có 91 trường hợp mắc bệnh nên đề xuất đến ngày 30-6-2006 phải dự trữ đủ 30 triệu viên thuốc (3 triệu liều cho 3 triệu người).

Thanh tra Chính phủ xác định việc tham mưu đề xuất này là thiếu căn cứ thực tế về tình hình diễn biến của dịch cúm A (H5N1) tại Việt Nam, đồng thời dẫn đến việc không mua được nguyên liệu của Công ty Roche (Công ty Roche cung cấp nguyên liệu sau tháng 8-2006) với hạn dùng nhiều năm hơn nguyên liệu từ Ấn Độ (Công ty Roche có hạn dùng 10 năm, còn Ấn Độ chỉ có ba năm) và giá cả ưu đãi hơn so với giá kinh doanh thông thường.

Trong việc mua thuốc Tamiflu và thuốc có hoạt chất oseltamivir phosphate, Bộ Y tế không báo cáo và xin phép Thủ tướng trước khi đặt hàng sản xuất và cung cấp thuốc với bốn công ty trên là sai quy định tại quyết định của Thủ tướng về việc thực hiện kế hoạch dự trữ thuốc.

Thực tế, giá mua nguyên liệu của các công ty cao hơn nhiều so với giá Bộ Y tế đề xuất. Giá của Bộ Y tế đề xuất là 12.000 USD/kg nguyên liệu từ Ấn Độ, trong khi các công ty Stada Việt Nam, Imexpharm, Pymepharco mua với giá 18.000 USD/kg thông qua Công ty Stada Import/Export Hong Kong.

Sau khi thanh toán tiền, ba công ty trên đã được nhận lại 2,846 triệu USD từ Công ty Stada Import/Export Hong Kong. Theo giải trình của ba công ty này thì việc chuyển lại tiền là do việc sản xuất thuốc có hoạt chất oseltamivir phosphate theo hợp đồng với Bộ Y tế bị lỗ nên ba công ty đã đàm phán với công ty bán nguyên liệu để được bù lỗ.

Thanh tra Chính phủ xác định theo các hợp đồng mua nguyên liệu của hai công ty Imexpharm và Pymepharco (Stada Việt Nam nhập ủy thác qua Pymepharco) ký với bên bán thì không có điều khoản nào nêu trong hợp đồng là bên bán nguyên liệu phải bồi hoàn các khoản lỗ.

Mặt khác, các công ty này không mua hàng trực tiếp từ nhà sản xuất nguyên liệu và không báo cáo Bộ Y tế về tình trạng lỗ trong quá trình sản xuất. Số tiền chuyển lại nêu trên theo Thanh tra Chính phủ là có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước nên phải được nộp trả lại ngân sách. Các cơ quan chức năng sau đó xác định số tiền phải nộp lại là hơn 2,1 triệu USD.

Riêng Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long đã mua 520kg nguyên liệu từ Công ty Mambo Overseas Limited Singapore với giá 17.500 USD/kg, thành tiền là 9,1 triệu USD. Công ty đã thanh toán 5,252 triệu USD, số còn lại 3,848 triệu USD công ty giữ lại.

Trong khi đó, tháng 6-2006, Bộ Y tế đã thanh toán đủ cho công ty số tiền theo hợp đồng. Toàn bộ số tiền giữ lại này không được phản ánh trong báo cáo tài chính của Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long từ năm 2006 đến thời điểm thanh tra năm 2010.

Công ty này cũng báo cáo số tiền trên đã sử dụng vào trả nợ vay ngân hàng, mua nguyên liệu không liên quan đến hợp đồng trên với Bộ Y tế và được theo dõi theo sổ sách riêng của công ty. Thanh tra Chính phủ xác định công ty này đã vi phạm Luật kế toán. Do đó, cơ quan điều tra tiếp tục vào cuộc điều tra những nội dung này.

Được biết, trong quá trình thanh tra kế hoạch mua thuốc Tamiflu và sản xuất thuốc có hoạt chất Oseltamivir phosphate phòng chống dịch cúm A/H5N1 giai đoạn 2005-2006 của Thanh tra Chính phủ, thì Chánh Thanh tra Bộ Y tế là Phó đoàn Thanh tra Chính phủ.

Sẽ là tiền lệ cho chuyện mua vắc-xin phòng Covid của Cuba?

Nhắc lại vụ việc này, theo lời kể của bà Trần Thị Trung Chiến – cựu Bộ trưởng Bộ Y tế (nhiệm kỳ 2001 – 2006), thì ngày 23-8-2010 bà được mời tham dự phiên họp Ban cán sự Đảng Bộ Y tế mở rộng để góp ý cho bản dự thảo kết luận của Thanh tra Chính phủ; đồng thời Bộ Y tế cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức họp với 4 doanh nghiệp tham gia kế hoạch sản xuất thuốc.

Theo bà Chiến, dự thảo kết luận của Thanh tra Chính phủ không nêu lên được các dấu hiệu hoặc chứng cứ tham nhũng, móc ngoặc, vi phạm pháp luật của lãnh đạo, đơn vị hoặc các cá nhân thuộc Bộ Y tế trong toàn bộ quá trình mua thuốc Tamiflu và sản xuất thuốc có hoạt chất Oseltamivir phòng chống cúm A (H5N1) giai đoạn 2005-2006.

Bộ Y tế cũng đã có văn bản giải trình, tuy nhiên đoàn Thanh tra Chính phủ vẫn bảo lưu ý kiến về các nhận định, đánh giá và kết luận các sai phạm như tại bản dự thảo.

Liên quan đến việc mua dự trữ Tamiflu nói trên, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Bộ Y tế đã không chủ động phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng khung giá thuốc trước khi có đơn đặt hàng cho các công ty sản xuất để làm căn cứ pháp lý, đơn đặt hàng không ghi giá mà giao cho các công ty tự mua nguyên liệu, tự xây dựng giá thuốc; Bộ Y tế đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng việc quản lý giá thuốc có hoạt chất Oseltamivir sản xuất trong nước.

Cũng tại cuộc họp đó, bà Chiến cho biết Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu nói Bộ Y tế chờ Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo về kết luận thanh tra đó của Thanh tra Chính phủ.

Tuy nhiên khá bất ngờ là vụ việc được khôi phục hồ sơ điều tra và ghi nhận những diễn biến ban đầu như đã tường thuật ở phần đầu bài viết này.

Bên lề vụ án, theo bình luận của nhóm luật sư – nhà báo thân hữu của trang Việt Nam Thời Báo, nếu mang những lập luận của Thanh tra Chính phủ và giải trình của cựu Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến, sẽ hình dung ra kịch bản trong tương lai đối với Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và lãnh đạo cấp cao hơn là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ở thương vụ gấp gáp nhập khẩu vắc-xin Abdala phòng Covid của Cuba.

Tính đến trung tuần tháng 3-2022, vắc-xin Abdala vẫn chưa được chấp nhận phê duyệt trường hợp sử dụng khẩn cấp theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Hiện tại thì Việt Nam mới chỉ mua về 5 triệu liều vắc-xin Abdala. Hạn sử dụng của lô nhập này là cuối tháng 2-2022, thế nhưng theo Bộ Y tế thì còn hơn 541.000 liều vắc-xin Abdala rải đều ở 12 địa phương là Thanh Hóa, Hải Dương, Thái Nguyên, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, Tiền Giang, Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang đã không sử dụng tới vì hiện tại vắc-xin phòng Covid như Pfizer, Moderna, AstraZeneca tại Việt Nam đang dư dả.

Vấn đề lớn hơn nữa là thay thế bà Nguyễn Thị Kim Tiến, tân bộ trưởng có cái tên như rồng bay, tưởng rằng sẽ cất cánh nhưng với vụ Việt Á và hàng loạt bê bối trong ngành Y xem ra cái sự tệ hại vẫn thế.

Và câu hỏi cũ rích lại được đặt ra vẫn thời sự, là Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm cụ thể gì trong cái gọi là “tổ chức cán bộ, bố trí nhân sự của hệ thống chính trị; đồng thời là cơ quan chuyên môn nghiệp vụ về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên của Trung ương”?


Tin bài liên quan:

VNTB – Bệnh viện tư nhân thông báo tiêm vắc xin COVID dịch vụ giá 1,5 triệu đồng/liều

Phan Thanh Hung

VNTB – Thất nghiệp theo ‘chuẩn quốc tế’

Do Van Tien

VNTB – Quyền con người ở Việt Nam trong đại dịch Covid-19

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo