Út Sài Gòn
(VNTB) – Sự học giờ đây là trò bỡn cợt đến mức miệt thị
Văn học dân gian là một loại hình nghệ thuật được hình thành từ rất lâu đời. Các tác phẩm văn học dân gian chủ yếu là các sản phẩm tập thể được đúc kết lại nhằm phản ánh các sự vật, sự việc, hiện tượng trong đời sống hằng ngày.
Nói một cách dễ hiểu hơn, văn học dân gian là kinh nghiệm của ông bà đã đúc kết từ nhiều đời, nhiều thế hệ, lưu giữ và truyền lại cho con cháu cho đến tận hôm nay.
Nói về học, rất nhiều câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao được viện dẫn:
Có cày có thóc, có học có chữ
Dao có mài mới sắc, người có học mới nên
Học ăn, học nói, học gói, học mở
Làm người mà được khôn ngoan
Cũng nhờ học tập mọi đường mọi hay
Nghề gì đã có trong tay
Mai sau rồi cũng có ngày ích to
Học trò học hiếu học trung
Học cho đến mực anh hùng mới thôi
Dạy con từ thuở tiểu sinh/ Gần thầy gần bạn tập tành lễ nghi
Học cho “cách vật trí tri”
Văn chương chữ nghĩa nghề gì cũng thông…
– Tính ra cũng mắc cười thiệt chứ.
– Ồ, bữa nay không thấy anh nhăn nhó, bức xúc mà lại mắc cười luôn hả anh Tám. Ngộ lắm à nhen.
– Có gì đâu mà ngộ hả anh Út. Mình coi Youtube mình thấy mắc cười nên nói vậy thôi.
– Anh coi hài hay gì mà vui vậy? Giới thiệu cho tui coi với.
– Coi hài thì vui rồi, mà cái vui đó là cái vui thấy quá rõ. Còn cái tui mắc cười ở đây nó giống như của truyện ngụ ngôn á.
– Anh đang nói lung tung cái gì vậy, có bị nắng quá rồi khùng không đó cha.
– Không có đâu. Là vậy nè, tui đang tính lướt coi hài thì thấy có một nội dung, đại khái là nói về học đại học ở Việt Nam, học cho đã rồi cũng ra chạy xe ôm.
– Cũng đâu có sai, thực tế cũng không ít trường hợp như vậy mà. Có gì mà mắc cười? Hay là anh đang cười ngao ngán, “chất xám” bị chảy máu?
– Thì đó cũng là một lẽ, nhưng tui thấy tếu ở đây, đâu phải ai học đại học ra, tất cả đều chạy xe ôm hết đâu.
– Thì đúng rồi, có người này người kia chứ. Nhất là giờ quá khó khăn, doanh nghiệp khốn đốn, sao có thể tuyển dụng nhiều được, trong khi năm nào cũng có một số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường.
– Thì đấy, đó là chưa kể đến cái việc, đâu phải gia đình nào cũng giàu có để có thể cho con em mình ra nước ngoài du học, tưởng dễ lắm hả! Rồi sao, không đi học luôn à? Rồi con chữ đâu mà đọc sách? Con chữ đâu mà đọc tin tức trên mạng? Rồi làm sao học tiếng Anh, tiếng Pháp…? Nên nhớ một điều, dù là Việt Nam hay Mỹ, Pháp…, đại đa số đều sử dụng chữ cái La-tinh.
– Tui nhớ ngày xưa, ông bà nhà tôi, sinh ra thời Pháp, lớn lên thời Pháp, đã dạy tôi, khuyên tôi ráng học ở có con chữ, sau này mà ấm bản thân.
– Thì đúng rồi. Để lại bồ chữ hơn bồ thóc mà anh…. Chẳng tham ruộng cả ao liền, chỉ tham cái bút cái nghiên anh đồ.
Xem tin tức trên báo chí cũng như các phương tiện thông tin truyền thông, dẫu thấy rằng ngày hôm nay, giáo dục còn xảy ra đủ thứ chuyện, từ đạo đức cho đến các vấn đề về thi cử ngoại ngữ, song nếu “phán” tất cả các thế hệ được đào tạo dưới mái trường cộng sản, học đại học ra đều chạy xe ôm, dường chừng như có phần hơi võ đoán.
Mặc dù một sự thật khó thể chối cãi là số lượng xe ôm công nghệ có phần nhiều hơn trước, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tất cả sinh viên (đơn cử chỉ lấy ở Thành phố Hồ Chí Minh) ra trường đều chạy xe ôm.
Chợt nhớ lại một bài học từng được học ở cấp 3 về văn nghị luận, để có kết luận cần có luận điểm, luận cứ và dẫn chứng; dưới mái trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh, trước khi đưa ra một kết luận nào đó, cần có những số liệu rõ ràng (thu thập dữ liệu được học ở Phương pháp nghiên cứu khoa học và thống kê dữ liệu được học ở Thống kê xã hội). Cả hai môn đều được học ở năm 1 và năm 2 của đại học, trong chương trình đại cương.
Những ngày của tháng tư đang đến. Những ngày không bao giờ quên được đang đến. Bất cập trong giáo dục vẫn còn đó nhiều tồn đọng. Nhưng điều đó liệu có đáng đồng nghĩa với vấn đề đánh đồng tất cả những ai học thuần dưới mái trường xã hội chủ nghĩa đều tào lao hay không? Thôi thì tuỳ suy nghĩ của mỗi người vậy…