Mai Lan (lược thuật)
(VNTB) – Chương trình lớp 10 mới: Học sinh không cần học môn lịch sử, môn vật lý nếu không thích.
Với chương trình mới này, học sinh lớp 10 sẽ không phải học lịch sử hay hoá học, sinh học, các em cũng có thể không cần học môn lịch sử hay địa lý nếu không muốn, và các em hoàn toàn có thể chọn các môn như âm nhạc hay giáo dục kinh tế và pháp luật… tùy vào sở thích và định hướng tương lai của các em.
Điều này cũng được xem như đổi mới căn bản, học sinh được tự chọn nhiều môn học yêu thích để định hướng nghề nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho rằng có 3 việc cần được các sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành liên quan tới triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 10. Thứ nhất, trong tháng 4-2022, sở Giáo dục và Đào tạo phải chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức khảo sát bằng phiếu hỏi đối với học sinh lớp 9 về nguyện vọng lựa chọn môn học ở lớp 10. Kết quả khảo sát là một căn cứ để các trường trung học phổ thông xây dựng các tổ hợp môn học và cơ cấu lớp 10 tương ứng với các tổ hợp môn học này.
Thứ hai, các sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường trung học phổ thông rà soát điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên hiện có để xây dựng các tổ hợp môn học phù hợp nhằm phát huy tối đa năng lực của nhà trường và đáp ứng được nhiều nhất nhu cầu của người học. Thứ ba, các trường trung học phổ thông phải hoàn tất việc xây dựng tổ hợp môn học và công bố công khai, rộng rãi trong tháng 5-2022, trước khi học sinh lớp 9 đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 các trường trung học phổ thông.
Ông Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông đổi mới kể trên đã lên tiếng giải thích vấn đề này là tuân theo đúng chỉ đạo của Đảng – trích phát biểu bằng văn bản của ông Thuyết:
“Nghị quyết số 29 ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nêu rõ yêu cầu đối với chương trình giáo dục phổ thông mới như sau: “Hoàn thành việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn sau năm 2015. Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”;
“Xây dựng và chuẩn hóa nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn”.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Nghị quyết quy định: “Giáo dục phổ thông 12 năm, gồm hai giai đoạn giáo dục: giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp trung học cơ sở 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông 3 năm).
Giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở. Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.
Ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học. Ở cấp trung học phổ thông yêu cầu học sinh học một số môn học bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập theo hình thức tích lũy tín chỉ”.
Trên cơ sở Nghị quyết số 88 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404 ngày 27/3/2015 phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT.
Quyết định cũng quán triệt các yêu cầu nói trên: “Chương trình mới, sách giáo khoa mới được xây dựng, biên soạn theo hướng tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học, cấp học trên.
Ở các lớp học, cấp học dưới thực hiện lồng ghép, kết hợp những nội dung liên quan với nhau ở mức độ hợp lý để tạo thành các môn học tích hợp. Thực hiện giảm hợp lý số môn học, tránh chồng chéo nội dung và những kiến thức không hoặc chưa cần thiết đối với học sinh. Ở cấp trung học phổ thông, ngoài các môn học bắt buộc chung, có các môn học, chuyên đề học tập dành cho học sinh tự chọn” (hết trích).
Một cô giáo dạy môn lịch sử bậc trung học phổ thông, phản biện:
“Một đất nước luôn tự hào mấy ngàn năm văn hiến, một dân tộc luôn tự hào với truyền thống hào hùng trong lịch sử, một nền giáo dục vốn dựa trên nền tảng lịch sử, văn hóa, dân tộc với đạo lý truyền thống tốt đẹp thì phải tôn trọng lịch sử. Dù dưới bất kỳ hình thức gì đi nữa thì bỏ đi môn lịch sử sẽ là một sai lầm to lớn bởi chúng ta sẽ đào tạo ra một thế hệ công dân không nhớ tới quá khứ và cội nguồn của mình”.
Giáo viên này cho rằng, xưa nay học sinh vốn ngại học sử, đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo lại tiếp tục đưa môn học này thành môn học tự chọn trong tổ hợp 3 môn thì khác nào “khai tử” môn lịch sử?.
“Môn học này đã chứng kiến sự thảm bại về mặt điểm số qua các kỳ thi gần đây. Ai sẽ chọn môn học khó này khi không cần học nó vẫn có thể đạt điểm cao và đậu đại học bằng các môn khác “dễ ăn” hơn?. Động lực nào để một học sinh chọn môn lịch sử, khi học là để thi?
Hiện nay nhiều người trẻ gần như không hiểu biết về lịch sử dân tộc, vẫn coi Quang Trung và Nguyễn Huệ là anh em. Điều gì sẽ xảy ra khi giới trẻ không biết gì về lịch sử nước nhà, hoặc nếu biết cũng lơ mơ, ngây ngô, trong khi các thông tin méo mó lịch sử thì tràn lan trên mạng xã hội?…” – cô giáo dạy sử nghẹn ngào nói.