Nguyễn Nam
(VNTB) – Trần Đức Thảo trở về với niềm tin là ông có thể đem những hiểu biết “đúng” của ông về chủ thuyết Marx góp ý cho lãnh đạo Việt Nam tránh được những sai lầm tai họa kia.
“Hội Triết học có nhiệm vụ góp phần làm sáng tỏ vai trò của triết học Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh với tính cách là bộ phận cấu thành quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng ta, là ngọn cờ tư tưởng và là hạt nhân lý luận của thế giới quan và phương pháp luận cho mọi hoạt động lý luận và thực tiễn. Từ góc độ lý luận triết học, Hội triết học cần đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm triết học sai trái, thù địch, đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, đất nước”.
(Trích diễn văn của Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, tại Đại hội thành lập Hội Triết học Việt Nam, 20/9/2020 – http://www.tuyengiao.vn/nhip-cau-tuyen-giao/ban-tuyen-giao-tw/nganh-triet-hoc-viet-nam-se-co-nhung-buoc-phat-trien-vuot-bac-cong-hien-cho-to-quoc-nhieu-thanh-tuu-hon-nua-129730)
Với yêu cầu nêu trên cho thấy khả năng sắp tới đây Hội Triết học phải chăng sẽ tiến hành việc bác bỏ các quan điểm triết học của ông Trần Đức Thảo (1917 – 1993)?.
Tuy nhiên nếu đặt trong ràng buộc của cụm từ bao gồm những yêu cầu mang tính hệ quả: các quan điểm triết học sai trái, thù địch, đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, đất nước, thì liệu ông Trần Đức Thảo (phó Giám đốc Đại học Sư phạm Văn khoa, 1954; Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1956-1957), tuy có quan điểm triết học Mác – Lê nin khác biệt với ông Nguyễn Phú Trọng, song vế đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, đất nước, thì có lẽ câu trả lời ở lúc này là cách nghĩ của ông Trần Đức Thảo dường như đang thuộc về số đông hiện tại.
Trong các buổi giới thiệu tại hải ngoại quyển sách “Trần Đức Thảo – Những lời trăng trối” dày 427 trang gồm 16 phần, và một phần Phụ Lục, do Tổ hợp xuất bản Miền Đông Hoa Kỳ phát hành năm 2014 (có thể tải hồi ký tại đây https://drive.google.com/uc?export=download&id=0B4sC7uhWfl4NZHlSSkpnQWZhNW8), cho biết đây là công trình ghi chép của ký giả Tri Vũ Phan Ngọc Khuê, từ những cuốn băng ghi âm lời nói chuyện của giáo Sư Trần Đức Thảo với những người bạn thân, trong thời gian ông ở Pháp năm 1991.
Trong những huyền thoại về người Việt đi học ở Pháp thì hai câu chuyện nổi tiếng nhất có thể nói là hai trường hợp Nguyễn Mạnh Tường và Trần Đức Thảo. Một người lấy hai bằng tiến sĩ (văn chương và luật học) ở tuổi 23, còn người kia thì nổi tiếng là học giỏi, giỏi về một ngành ít ai ở Việt Nam theo học, triết học phương Tây mà lại còn là triết học của Đức (Hegel, Marx, Husserl…), giỏi tới mức có lúc tranh cãi với Jean-Paul Sartre ở Pháp trên tạp chí Les Temps Modernes mà còn được xem là thắng thế.
Thế rồi hai cuộc sống lại là hai thảm kịch thuộc vào hàng lớn nhất của người trí thức Việt Nam trong thời cận hiện đại.
Đi theo kháng chiến (chống Pháp), cả hai đã được mời làm giáo sư đại học, thậm chí cả khoa trưởng Luật trong trường hợp ông Tường, nhưng chẳng bao lâu, sự độc lập tư tưởng của họ đã đưa họ đến chỗ đối đầu với chế độ toàn trị đang phủ trùm xuống miền Bắc.
Trần Đức Thảo tham gia vào phong trào đòi dân chủ, tự do cho các văn nghệ sĩ và trí thức bằng một bài viết trên tờ Giai Phẩm mùa Đông (tập I năm 1956) chỉ trích các “bệnh nặng nề: quan liêu, mệnh lệnh, giáo điều, bè phái, sùng bái cá nhân”, và một trên báo Nhân Văn số 3 (ra ngày 15-10-1956) khẳng định: “Người trí thức hoạt động văn hoá cần tự do như khí trời để thở”.
Còn Nguyễn Mạnh Tường làm lịch sử bằng một bài phát biểu này lửa trước Mặt trận Tổ quốc vào ngày 30-10-1956 mang tên: “Qua những sai lầm trong cải cách ruộng đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo”. Với bài này dám đòi “xây dựng” cả lãnh đạo nên bị coi là phạm thượng, ông đã bị sa thải khỏi đại học và lấy mất hết các chức tước, địa vị để cuối đời phải than trong sách “Un Excommunié” (Kẻ bị khai trừ) do nhà sách Quê Mẹ in ra ở Pháp năm 1992, là ông và gia đình ông đói triền miên mấy chục năm trời cho đến gần ngày chết.
Trong những lựa chọn của người miền Bắc suốt thời gian đất nước bị phân chia (1954-1975), một trong những điều bi đát nhất là do chính sách bít bùng thông tin đối với người dân của chế độ và đặc biệt các trí thức và văn nghệ sĩ đã như bị thuốc nên tin tưởng mù quáng vào chế độ, để đến khi vỡ mộng, nhìn ra sự thật thì hàng triệu người đã ngã xuống.
Nguyễn Hữu Đang, sau vụ Nhân Văn – Giai Phẩm, có tính đi vào Nam nhưng bất thành. Nguyễn Chí Thiện giữ được sự cân bằng trong tư tưởng vì còn giữ được niềm tin vào miền Nam (“Miền Nam ơi, từ buổi tiêu tan/ Ta sống trọn vạn ngàn cơn thác loạn”). Đâu phải vì miền Nam là một thiên đường mà chỉ vì miền Nam là một “alternative”, một hướng có thể nhìn tới khi mọi hướng khác đều bít lối. Đó chính là nỗi đau của cả một nửa dân tộc trong một thời gian dài…
Trường hợp Trần Đức Thảo khác hẳn những trường hợp nêu trên.
Nếu Nguyễn Mạnh Tường đã về nước được cả 20 năm trước khi Việt Minh lên cầm quyền, thì Trần Đức Thảo lại từ Pháp xin về để phục vụ “cách mạng” (1951). Ông về trong tin tưởng là cách mạng Việt Nam có thể khác được các cách mạng cộng sản đàn anh của nó. Ông về với lòng tin trong sáng là Marx đúng, chỉ những người đem chủ thuyết của Marx ra thực hiện là sai: Những bi kịch của cách mạng Nga, cách mạng Tàu bị xem là những sai lầm khủng khiếp của Stalin, Mao…. Ông về với niềm tin là ông có thể đem những hiểu biết “đúng” của ông về chủ thuyết Marx góp ý cho lãnh đạo Việt Nam tránh được những sai lầm tai họa kia.
Nhưng ngay từ đầu ông đã bị gạt sang bên lề. Nhưng rồi ông vẫn bám lấy ảo ảnh là sự hiện diện của ông không phải là thừa. Nếu người ta không để cho ông đóng góp thì sự thật từ miệng ông ra vẫn không phải là vô ích. Và sự có mặt của ông ở Việt Nam, ở trong kháng chiến, theo ông tự nhủ là để trải nghiệm sự thực về đất nước. Chữ “trải nghiệm” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong những phát biểu của ông, thậm chí thành lý do biện hộ cho tất cả những nhục nhằn, đau khổ, không trừ cái đói khát mà ông đã phải hứng chịu để mài dũa sự hiểu biết về Marx và chủ thuyết Marx.
Cũng như Marx nhấn mạnh vào Praxis, “sự cần thiết phê bình xã hội không khoan nhượng” và cũng như trường phái Praxis những năm 1960 ở Nam Tư kêu gọi “trở về Marx đích thực chống lại cái Marx bị xuyên tạc như nhau bởi bọn xã hội dân chủ ở bên hữu và bọn Stalinist ở bên tả” (Tựa Erich Fromm viết cho cuốn Từ dư dật đến Praxis của Mihailo Markovic), Trần Đức Thảo tin rằng: cái Marx như ông hiểu, cộng với trải nghiệm của cách mạng Việt Nam (học chính từ những đau thương ghê gớm của đất nước), sẽ giúp tìm ra một xã hội lý tưởng, hài hoà và hoà bình làm mẫu mực cho thế giới.
Quyển sách “Trần Đức Thảo – Những lời trăng trối” là những ghi chép của tác giả Tri Vũ – Phan Ngọc Khuê từ những trao đổi gần như hàng tuần mà ông và một vài người bạn của ông đã có với triết gia Trần Đức Thảo trong sáu tháng cuối đời. Trong giai đoạn này, Trần Đức Thảo như chạy đua với thời gian để mong hoàn tất một cuốn “summum opus”, một cuốn sách để đời chắt lọc hết những suy nghiệm một đời của ông. Nhưng trời đã không cho ông cái duyên may đó. Bởi vậy mà cuốn sách này phải thay chỗ cho những lời trối trăng của một triết gia hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ 20.
Ông phải? Ông trái? Điều đó không quan trọng bằng những suy tư thật sâu sắc của một bộ óc triết gia được huấn luyện chính quy về một đất nước lắm khổ đau là Việt Nam của tất cả chúng ta.
Liệu sắp tới đây Hội Triết học Việt Nam có ‘xới lại’ Trần Đức Thảo (năm 2000, ông Trần Đức Thảo được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho công trình “Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức”), để đáp ứng nhiệm vụ chính trị “đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm triết học sai trái, thù địch, đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, đất nước”?