Dân Trần
(VNTB) – Một cộng đồng antifan gần 600.000 người được lập ra trên Facebook đòi tước danh hiệu hoa hậu của tân hoa hậu Thế Giới Việt Nam.
Một cộng đồng gần 600.000 người được lập ra trên facebook phản đối những phát biểu của tân hoa hậu Thế Giới Việt Nam. Mới đây họ tổ chức họp offline tại Hà Nội để cùng yêu cầu tước danh hiệu của hoa hậu này. Đáng chú ý, những người tham gia buổi “họp antifan” này đang ở độ tuổi làm cha, làm mẹ chứ không phải giới trẻ tuổi teen.
Cuộc họp này đã nhận được rất nhiều chỉ trích từ phía cộng đồng mạng. Đa số cho rằng những người ở độ tuổi này nên quan tâm tới các vấn đề lớn hơn của xã hội thay vì chấp nhặt những chuyện nhỏ nhặt, tụ tập tìm cách lăng mạ một cô gái trẻ mới bước vào đời. Một số ý kiến cho rằng việc ức hiếp hoa hậu thì dễ và ít nguy hiểm hơn việc phản đối bất công xã hội, lên án tham nhũng.
Anh L.H., một người dùng facebook cho rằng “Những người ở độ tuổi làm cha làm mẹ đúng ra phải hiểu và bảo vệ cô gái đáng tuổi con cháu mình trước những lần vô ý lỡ lời. Thay vì chỉ trích, hãy đưa ra lời khuyên. Hàng ngày đất nước xảy ra muôn vàn vấn đề đáng báo động, như tham nhũng, hối lộ, thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường. Tại sao không cùng nhau lên tiếng phản đối những hiểm hoạ đó mà lại đi sân si với một cô sinh viên”. “Liệu có phải cùng nhau hạ nhục hoa hậu Ý Nhi thì dễ và nhanh, còn chống bất công, phản đối tham quan ô lại thì sợ bị đàn áp nên không dám? Nếu ỷ đông hiếp yếu, chỉ dám chửi cái nhỏ mà bỏ cái lớn như vậy thì có quá hèn hạ không?”, anh L.H. đặt câu hỏi.
Bạn M.V sống ở Sài Gòn nêu quan điểm “Ở độ tuổi phụ huynh mà cùng nhau ức hiếp một cô gái mới chân ướt chân ráo vào đời thì quá hèn hạ, có bản lĩnh thì hãy họp lại phản đối việc tăng giá xăng, tăng giá điện, ảnh hưởng trực tiếp tới nồi cơm của mình. Đừng trưng băng rôn đòi tước vương miện hoa hậu mà hãy trưng băng rôn khẳng định chủ quyền Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam. Đừng hùa nhau ức hiếp một sinh viên đơn độc mà hãy cùng nhau lên án những cán bộ quan chức tham nhũng nhưng ra toà thì mặt dày làm thơ, lẩy Kiều, khóc lóc xin xỏ”.
Nói về những phát ngôn gây tranh cãi của Hoa hậu Ý Nhi gần đây, ông Dương Trung Quốc – Đại biểu Quốc hội khóa XIV, cho rằng sự thiếu tế nhị, nông cạn của cô cũng có một phần trách nhiệm của xã hội, gia đình, ban tổ chức. Vì vậy, mọi người cần cho Ý Nhi cơ hội sửa sai để cô hoàn thiện bản thân.
“Một cái sự thiếu tế nhị, cái sự gọi là nông cạn của cô cũng có một phần trách nhiệm của xã hội, của gia đình và của ban tổ chức, của giám khảo. Tại sao cứ đổ dồn vào cái lớp trẻ, uốn nắn nó, sửa sang cho nó để nó tốt hơn thôi. Cho nên tôi nói những cái chuyện này là cái chuyện từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn thì phải quan tâm đến người dân. Cái người phê phán cô hoa hậu phải tự đặt mình vào vị trí và con gái mình bị như thế thì thế nào. Còn những người giám khảo bầu ra nó cũng phải có trách nhiệm chứ”, chính trị gia, chuyên gia sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nêu quan điểm.
Giáo sư Y khoa, Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Australia, Nguyễn Văn Tuấn cũng bày tỏ quan điểm bảo vệ hoa hậu Ý Nhi. Ông cho rằng hoa hậu này chỉ là sản phẩm của hệ thống giáo dục, và nguyên nhân nằm ở những người đã làm biến dạng nền giáo dục.
Ông viết trên facebook cá nhân: “Cô ấy nói chưa khéo. Cô ấy lỡ lời. Có hết. Nhưng tôi tự hỏi có công bằng khi các vị đạo cao đức trọng xông vào công kích cô ấy? Kinh ngạc hơn là có người xem ra có tuổi mà mắng cô ấy là đứa trẻ mất dạy! Cái kiểu nói năng mà không quan tâm đến cảm xúc của người ta đúng là một sự ung thư trong diễn ngôn vậy”.
So sánh những phát ngôn của Huỳnh Trần Ý Nhi với y khoa, giáo sư Tuấn bình luận: “khi một tai nạn xảy ra người ta không tìm cá nhân sai phạm mà là xem xét toàn hệ thống. Cá nhân chỉ là ‘sản phẩm’ của hệ thống. Tương tự, tôi tự hỏi sao không bàn đến hệ thống giáo dục nào đã đào tạo ra những người như cô ấy (chứ không phải chỉ cô ấy)? Cái hệ thống giáo dục như thế nào mà đã sản sinh ra những kẻ bị ung thư chữ nghĩa như trên? Thật vậy, hãy trách hệ thống giáo dục, chứ không nên chỉ trách cô ấy”.
“Cái hệ thống giáo dục gì mà học trò không phân biệt được giữa Quang Trung và Nguyễn Huệ, giữa Trần Hưng Đạo và Trần Quốc Tuấn? Cái hệ thống giáo dục gì mà giảng viên đại học nghĩ Tự Lực Văn Đoàn là một gánh hát cải lương? Cái hệ thống giáo dục gì mà thanh niên ngày nay biết về lịch sử Tàu hơn là lịch sử Việt Nam? Giáo dục gì mà tạo ra những thanh thiếu niên cuồng dại trước một ban nhạc ngoại quốc hơn là sùng bái tổ tiên mình? Cái hệ thống giáo dục gì mà đào tạo ra những quan chức với nhân cách biểu hiện rõ rệt như trong phiên toà ‘Chuyến bay giải cứu’. Cái hệ thống giáo dục gì mà các quan chức cao cấp nói ra câu nào thì dân chúng cười ồ lên?” Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Australia đặt ra hàng loạt câu hỏi nan giải về hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay.
Ông viết tiếp: “Hãy trách những người đã làm biến dạng nền giáo dục để rồi xã hội phải lãnh đủ như ngày nay. Đến bộ trưởng mà viết không rành tiếng Việt, ăn nói chẳng ra gì, hành xử kém văn hoá, thậm chí thô kệch, vậy mà cứ trách một cô gái tuổi đôi mươi. Xã hội gì mà bất công thế? Trách cô ấy cũng ok. Nhưng những kẻ lớn tiếng công kích cô ấy hãy tự vấn mình đã từng phạm sai lầm? Ai cũng phạm sai lầm và chúng ta trưởng thành từ sai lầm. Xin có lời khuyên cô hoa hậu đồng hương Bình Định: Sai sót không định hình cô; sai sót là hạt giống cho sự trưởng thành của kiến thức và hành vi”.
“Mọi người đều là thiên tài. Nhưng nếu bạn phán xét con cá bằng khả năng leo cây của nó, nó sẽ bỏ ra suốt đời tin rằng nó là kẻ ngu xuẩn”. Dẫn lại câu nói của Albert Einstein, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng “ai cũng có cơ hội để tự làm cho mình tốt hơn, và cô hoa hậu có nhiều cơ hội như thế nhưng chỉ trong một xã hội bao dung”.