Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hợp lòng dân và không Nghị quyết Biển Đông?

Thanh Thảo (VNTB) Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng lại lên tiếng quan ngại về hoạt động xây đắp bãi đá của Trung Quốc tại Biển Đông tại… phiên bế mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13 trong chiều ngày 26/06.

“Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, đấu tranh giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội,” ông Nguyễn Sinh Hùng cho biết.
Cũng năm ngoái, trong phát biểu khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 7 (20/05), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh cũng lên tiếng khẳng định: “Hành động của Trung Quốc khiến an ninh khu vực đang bị đe dọa,” và hành vi đặt giàn khoan 981 tại thềm lục địa Việt Nam của Trung Quốc và cho máy bay bảo vệ là đã vi phạm đặc biệt chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, bất chấp các thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, hai nhà nước hòa bình.

Và rằng rắn thật là rắn

Năm 2014, giàn khoan HD981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, gây ra khủng hoảng nghiêm trọng đối với quan hệ hai nhà nước, các cuộc biểu tình tự phát nổ ra khắp Việt Nam và gây nên sự hỗn loạn…
Trong thời điểm đó, dù khẳng định “Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình Biển Đông và cho ý kiến với tinh thần bằng mọi biện pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, kiên trì giữ gìn môi trường hòa bình, bảo vệ đất nước, giữ gìn mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Trung Quốc” nhưng khi nhiều ĐBQH yêu cầu Quốc Hội phải ra Nghị quyết về vấn đề Biển Đông để tranh thủ tập hợp sức mạnh và tiếng nói của nhân dân Việt Nam (thông qua tiếng nói Quốc Hội) trước hành động vi pháp quốc tế của Trung Quốc, thì cơ quan quyền lực tối cao lại không ra nghị quyết riêng nào về vấn đề Biển Đông cả, dù rằng, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nhiều lần nhắc lại nguyện vọng này vì ông tin rằng “nhân dân sẽ rất thất vọng” nếu Quốc Hội kỳ này không ra nghị quyết về Biển Đông.
“Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai”
Nghị quyết Biển Đông sau đó được ra đời, nhưng không phải ở Việt Nam – một nước liên quan trực tiếp đến việc bị xâm hại chủ quyền lãnh thổ, mà là Quốc Hội Mỹ với nghị quyết S.RES.412 về an ninh hàng hải biển Đông, nghị quyết này đã “yêu cầu Trung Quốc thiết lập lại nguyên trạng biển Đông như trước ngày 1/05/2014.”
Năm 2015, vấn đề tiếp tục lặp lại, nhưng lần này Trung Quốc càng quyết đoán hơn trong áp đặt yêu sách chủ quyền lãnh hải. Do đó, vấn đề Biển Đông không còn là HD981 nữa, mà là bồi đắp, mở rộng các bãi cạn, bãi san hô trên biển Đông, mở rộng đường băng trên đảo Đá Chữ Thập, cũng như xuất hiện hai cỗ pháo cơ động trên đảo này… 
Trước tình hình như vậy, vào ngày 1/06, ĐBQH Dương Trung Quốc đã gửi thư tới Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Quốc hội có phản ứng chính thức trước việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, vì ông cho rằng, “Chính phủ đã tiến hành nhiều việc làm và biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền, vì vậy Quốc hội là cơ quan đại diện cho nhân dân cũng cần phải có tiếng nói chính thức hợp với nguyện vọng của dân.”

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, tức là đã “bế mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13,” nghị quyết về Biển Đông vẫn… bặt vô âm tín.

Một tín hiệu duy nhất đối với vấn đề Nghị quyết Biển Đông là tiếp tục… chờ “Quốc Hội theo dõi tình hình, nếu thấy cần thiết sẽ ra Nghị Quyết”, ông Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết trong họp báo chiều 26/06.

Hợp lòng dân và không Nghị quyết Biển Đông?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá 13 đã cho rằng, đây là “một kỳ họp hợp lòng dân.”.
Nhưng có thực sự là vậy không, khi Quốc Hội đã nhiều lần khuất nợ một Nghị quyết về Biển Đông đối với nhân dân Việt Nam, dù tình hình nóng bỏng nhưng “Quốc hội chưa thể hiện một thái độ rõ ràng” về vấn đề này… Thay vào đó, Quốc Hội tiếp tục “họp kín” và giao vấn đề biển Đông về phía Chính phủ.

Cần phải nhắc lại rằng, một Nghị quyết về Biển Đông sẽ mang ý nghĩa đối ngoại, lẫn đối nội. Nó sẽ cho thấy quan điểm rạch ròi, thẳng thắn của cơ quan quyền lực nhất nước đối với các hành vi của Trung Quốc và giải tỏa được sự hoang mang về mặt thông tin và ngờ vực về tính đại diện dân của Quốc Hội trong người dân. 
Ngay trong việc “Quốc Hội có phiên họp kín để nghe Chính phủ báo cáo về tình hình biển Đông” cũng là bắt nguồn từ chính bức xúc của ĐBQH Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) khi vị đại biểu này lên tiếng đặt vấn đề là, tại sao Quốc hội lại không bàn gì về tình hình ở biển Đông giữa lúc dư luận xã hội đang bức xúc như vậy trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 của Quốc hội. Điều đó cho thấy, thái độ của “Quốc Hội” khá kỳ lạ và gần như bị động trước vấn đề chủ quyền quốc gia.
Chính cách Quốc Hội “im lặng” trong vấn đề Biển Đông, khiến ĐBQH như Dương Trung Quốc đâm băn khoăn vì: “Tôi xem lại biên niên sử thì thấy thời chống Mỹ, Quốc hội nước ta phản ứng rất kịp thời, gần như là nơi lên tiếng sớm nhất.”
Ngay trong việc giao cho Chính phủ báo cáo về vấn đề Biển Đông cũng gây ra sự nghi ngờ trong chính các ĐBQH: “Chính phủ đã nhiều lần nêu rõ giải quyết vấn đề biển Đông bằng biện pháp hòa bình. Nhưng biện pháp hòa bình được thực hiện cụ thể như thế nào?”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng bày tỏ.

Trong khi đó, giàn khoan HD 981 đang tiến lại vào Biển Đông, theo Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ khẳng định, “dựa trên tọa độ phía Trung Quốc công bố, giàn khoan Hải Dương 981 nằm trong vùng chồng lấn ở cửa vịnh Bắc Bộ mà hai nước đang đàm phán phân chia ranh giới.”
Người dân đang tò mò muốn biết, Quốc Hội sẽ theo dõi tình hình đến bao lâu, và bao giờ mới được xem là cần thiết để ra Nghị quyết Biển Đông. Nhưng rõ ràng, “Sự kiên nhẫn của nhân dân Việt Nam có giới hạn của nó, không thể kiên nhẫn tới mức hạ mình. Lịch sử dân tộc Việt Nam không có thói quen như vậy” theo cách Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương khẳng định.

Trong khi chờ đợi, nhiều người dân sẽ có thời gian hồi nhớ lại tấu hài Táo Quân 2015, trong đó nhân vật Ngọc Hoàng từng phán một câu rằng: “Vấn đề nhạy cảm, phải xin ý kiến các cấp, chính quyền địa phương phải vào cuộc, phải kết hợp tuyên truyền và giáo dục, cần có những biện pháp cứng rắn là răn đe, như thế mới hiệu quả …”?
Lẽ nào lại là thế, Nghị quyết Biển Đông là phải chờ “xin ý kiến”?

Tin bài liên quan:

RFA – Quốc hội Việt Nam họp bất thường để xem xét công tác nhân sự

Bùi Ngọc Dân

VTTB – Đại biểu quốc hội thành khẩn nhận tội bảo kê: mặt mũi nào cho quốc hội

Baraju T. Ogelefecejo

Bảy lý do Trung Quốc sẽ phát động một cuộc chiến từ nay tới 2017

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo