Việt Nam Thời Báo

(VNTB)-Hy vọng cuộc tranh luận trong Hội Nhà báo độc lập là hữu ích

Hà Sĩ Phu

(VNTB) – Vừa qua, một số bài tranh cãi nảy lửa giữa mấy thành viên chủ chốt trong Hội nhà báo Độc lập (ngay lúc sơ sinh mới tròn 2 tháng tuổi) không khỏi làm cho nhiều người lo lắng trước nguy cơ tan vỡ, nói ví von thì “khiến cho kẻ thù khoái trí người thân đau lòng”.

Nhưng cuộc giãi bày tâm tư trong một bài phỏng vấn của chính hai “đối thủ” trẻ đang “so găng” (nói vui thế cho thân mật), nhà báo kiêm chủ bút Phạm Chí Dũng và blogger Ngô Nhật Đăng, đã khiến cho những người trong cuộc tạm thời có thể thở phào, cơn giông bão tạm qua để cùng ngồi lại với nhau bàn lại những chuyện căn bản. Mong sao sự “thở phào” này không trở thành vô duyên.

Cuộc tranh cãi trong một hội có tên là “hội nhà báo độc lập” thì tất nhiên xoay quanh quan niệm làm báo và viết báo. Cái đích hướng tới thì quá lớn: phải dân chủ hóa đất nước để hồi sinh một dân tộc đã quá mệt mỏi, chán chường, nhân tâm ly tán, đang lao vào sống gấp hoặc sống cam chịu, để tìm lại sức chiến đấu cho một cuộc vừa chống nội xâm vừa chống ngoại xâm, đáp ứng nhu cầu xây dựng xã hội và bảo vệ đất nước trước họa ngoại xâm đã đến bên thềm! Nhiệm vụ đã khó tày trời lại phải tiến hành trong điều kiện chưa được tự do và hầu như tay trắng! Thật là một bài toán đố hóc búa, trong tình hình như vậy thì giữa những người tiên phong nếu không tranh cãi kịch liệt mới là chuyện lạ. Tôi mừng vì đã có tranh cãi, mà tranh cãi quyết liệt, và hy vọng sẽ được tiến triển theo chiều hữu ích.

Thật vậy, có hai luồng suy nghĩ:
– nên tìm sức mạnh ở tính có tổ chức, có chỉ đạo nhất quán, có điều lệ bài bản tương đối, có một đầu mối chỉ huy (coi là phương án 1),
– hay bước đầu cứ tạm lỏng lẻo, mạnh dạn khơi dậy tính năng động đa dạng rồi từ thực tế sẽ phát hiện, sàng lọc và hun đúc ra cái tối ưu (coi là phương án 2)? Phương án nào có độ an toàn và hiệu quả cao, có độ phiêu lưu (rủi ro) thấp nhất?

Thực ra xã hội loài người vốn đã phải đối mặt với hai con đường này quá nhiều rồi. Phương án 1 sẽ là tuyệt vời nếu có một minh quân, một thủ lĩnh tuyệt vời muôn năm, và phương pháp là cho thủ lĩnh đó càng độc quyền càng tốt, càng nhanh đến đích. Nhưng nếu có rủi ro thì rủi ro sẽ cực lớn khó lòng cứu vãn, kiểu được ăn cả ngã về không!. Chủ nghĩa CS đã đi đúng con đường đó và kết quả là đảng CS đã “ăn cả” còn nhân dân thì đã “về không”, vì biết bao người “chân chính” đã đinh ninh là tìm được Minh… quân rồi nên quyết lao theo, không tiếc cả mạng sống! Vẻ bề ngoài thì đó là bản lĩnh, là kiên quyết nhưng thực chất đó là tư duy ngại khó nên muốn liều đi thẳng một phen cho đơn giản.

Phương án thứ hai thì “cứ phải có nhiều để chọn lọc”! Tất nhiên đã nhiều thì tốt xấu cùng xuất hiện, xen kẽ nhau, nên phải thi đua, phải cạnh tranh, phải cọ xát. Các thủ lĩnh ham quyền thường không ưa sự thi đua “mất thì giờ” này, nhưng nhân dân thì được lợi.

Nêu ra hai đường lối ấy chẳng qua là điển hình hóa rành mạch cho dễ hiểu thôi. Trường hợp cụ thể của Hội nhà báo độc lập chúng ta không phải điển hình như vậy đâu, có mặt thế này, có mặt thế khác, nên phải dung hòa.

Để khỏi mất thì giờ, xin cho phép tôi, với tư cách một hội viên, thử nêu mấy giải pháp dung hòa như sau:

1/ Vẫn có tính tổ chức của một hội nghề nghiệp nhưng tạm thời chỉ nên lỏng lẻo. Đừng “bắt” Hội trưởng Phạm Chí Dũng phải chịu trách nhiệm quá nặng nề, cái gì cũng đổ lên đầu Chủ tịch hội thì TS Dũng không chịu nổi đâu. Nói chữ nghĩa thì đó là sự phân quyền, đồng thời phân trách nhiệm, sẽ nói rõ trong những phần sau.

2/ Là Hội nhà báo tất nhiên phải ra báo, nhưng ngoài ra còn những hoạt động khác. Cần có một tờ báo của hội (đang là Việt Nam thời báo), nhưng ông Phạm Chí Dũng không làm trưởng Ban biên tập, để có thì giờ lo công việc chung. Ban Biên tập cũng không nên quá thuần nhất.

3/ Ngoài tờ báo chính thức của Hội, các cá nhân hội viên hoặc các nhóm hội viên cùng ý tưởng có thể ra các Blog hay Facekook khác nhau (nghĩa là có thể nhiều chứ không phải chỉ một Facebook của ông Ngô Nhật Đăng hiện nay). Báo của nhóm nào thì nhóm ấy phải chịu trách nhiệm mọi mặt về tờ báo của mình. Ban Chấp hành Hội chỉ có trách nhiệm liên đới.

4/ Vì có trách nhiệm liên đới nên khi một nhóm nào định ra báo cần thảo luận trước với BCH, trên manchette phải có 2 dòng, một dòng “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” và dòng dưới là tên cụ thể của nhóm, của phân hội ra báo đó. Các báo của nhóm (hay phân hội) được quyền tự biên tập, không cần BCH hội phải duyệt. Nhưng sự tự do ấy cần theo tinh thần hợp tác, nhìn nhau mà làm, khi có vấn đề quan trọng thì cần phối hợp, và điều này không cản trở quyền tự do tư tưởng và tinh thần tự do báo chí của hội viên.

5/ Tổ chức nào, càng sơ khai càng phải coi trọng tính “nội bộ”. Những ý kiến trao đổi cá nhân hoặc trao đổi nội bộ, muốn đăng công khai phải được sự đồng ý của cá nhân đó hoặc tập thể đó. Vi phạm nét văn hóa trao đổi này sẽ phá vỡ sự đoàn kết, phá vỡ sự tin cậy để đàm thoại, và dẫn đến sự phân ly không thể khác.

6/ Vì nhu cầu ra báo nên ngoài sự phân chia thành 3 chi hội Bắc-Trung-Nam có thể thành lập các nhóm hay các phân hội theo sự tương đồng về ý tưởng, về sở trường, sở thích. Các nhóm hãy đặt một tên cho nhóm mình để dễ xưng danh, dễ gọi. Một mặt về phía hội viên cần chia nhỏ để dễ gặp nhau, dễ sinh hoạt, nhưng một mặt không để tình trạng BCH hội bị đơn độc như thời gian vừa qua. Ở Hà Nội và nhất là Sài Gòn cần bổ sung thêm người vào BCH , đại diện được nhiều thế mạnh khác nhau, để cùng hỗ trợ nhau. Thực tế vừa qua Chủ tịch Hội phải gánh quá nhiều việc trong khi lại đơn độc, thiếu sự hỗ trợ của một tập thể các ủy viên.

Mấy ý chắc còn vội vàng, xin mạnh dạn góp vào công việc của Hội, và xin chúc thành công.

Đà Lạt 7/9/2014
H.S.P

Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả.

Tin bài liên quan:

Điểm sáng Hồng Kông và cục diện Dân chủ

Phan Thanh Hung

Thơ Hà Sĩ Phu: Nô-en trong tù

Phan Thanh Hung

VNTB – Lê Trọng Hùng

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo