Hồng Dân
(VNTB) – Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ban hành công điện số 05 về tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023, đặc biệt ứng phó với biến thể XBB.1.5. của vi-rút SARS-CoV-2.
Công điện yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch và người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động, sự kiện dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm 2023 đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh và tổ chức triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch đảm bảo chủ động, sẵn sàng và kịp thời ứng phó với các diễn biến có thể xảy ra của dịch bệnh.
Đồng thời, tăng cường chỉ đạo và kiểm tra dịch bệnh tại các cửa khẩu, đặc biệt với các trường hợp nhập cảnh về từ các khu vực bùng phát dịch, từ các nơi xuất hiện các biến thể mới, nguy hiểm của vi-rút SARS-CoV-2; đẩy mạnh giám sát tại cộng đồng, tại các cơ sở khám, chữa bệnh và giám sát phát hiện sớm các biến thể của vi-rút SARS-CoV-2.
Bộ Y tế cho biết biến thể XBB vừa được ghi nhận ở TP.HCM và Tây Ninh. Tuy nhiên, kết quả giải trình tự gene cho thấy Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc XBB 1.5 nào. Cả hai biến thể Covid-19 trên đều là dòng phụ mới của chủng Omicron, với biến thể XBB hiện đã lây lan ở hơn 70 quốc gia.
Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, thời gian tới, do sự gia tăng, giao lưu đi lại của người dân trong dịp Tết nên việc xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5 tại Việt Nam là khó tránh khỏi. Đáng chú ý, liệu pháp kháng thể đơn dòng được cho là không hiệu quả trước hai biến thể mới XBB và XBB.1.5.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), XBB.1.5 có “lợi thế tăng trưởng” mạnh nhất so với tất cả các biến thể phụ chiếm chủ đạo khác của Omicron. XBB.1.5 có tốc độ lây lan nhanh chóng do biến thể này chứa đột biến mới mang tên F486P có khả năng né miễn dịch có được do tiêm chủng hay từng mắc COVID-19 trước đó.
Đột biến này cũng làm gia tăng khả năng vi-rút xâm nhập tế bào, làm cho vi-rút dễ dàng bám vào các thụ thể ACE2 trong cơ thể. Đây cũng là nguyên nhân khiến XBB.1.5 lây truyền cho con người dễ dàng hơn. Tuy nhiên, theo WHO, hiện chưa rõ liệu biến thể XBB.1.5 có khiến bệnh nặng hơn hay không cũng như tỷ lệ nhập viện, tử vong do chủng này.
Giới chức y tế nhiều quốc gia đang theo dõi và chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là biến thể phụ XBB.1.5 có thể gây nên một làn sóng dịch nguy hiểm mới. Trước mắt, nhiều nước đã hối thúc người dân quay trở lại các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và khử khuẩn thường xuyên, cũng như tiêm mũi vắc-xin tăng cường cho nhóm người cao tuổi và người có hệ miễn dịch suy giảm.
Tin tức liên quan lo lắng về chuyện du khách Trung Quốc sang Việt Nam trong thế gian tới, theo đó mới đây giới chức tỉnh Hà Nam cho biết gần 90% dân số tỉnh này đã nhiễm SARS-CoV-2, trong bối cảnh Trung Quốc gần đây ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh.
“Tính đến ngày 6-1-2023, tỷ lệ dân số nhiễm vi-rút trên toàn tỉnh là 89%, trong đó biến chủng chủ đạo vẫn là dòng phụ BA.5.2 của Omicron”, Khám Toàn Trình, giám đốc ủy ban y tế tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, cho biết tại cuộc họp báo hôm đàu tuần này, 9-1-2023. Tỷ lệ mắc Covid-19 ở vùng đô thị của tỉnh là 89,1%, còn vùng nông thôn là 88,9%. Dân số Hà Nam khoảng 99,4 triệu người, tỷ lệ trên cho thấy khoảng 88,5 triệu người dân tỉnh này có thể đã nhiễm SARS-CoV-2.
Giới chức Trung Quốc nhận định “Xuân vận”, đợt di cư mùa xuân lớn nhất thế giới khi hàng triệu người về quê ăn Tết, tạo ra nhiều thách thức với nỗ lực ứng phó đại dịch. Hàng triệu người từ các thành phố về quê sẽ khiến số ca mắc Covid-19 tăng mạnh ở vùng nông thôn, nơi vốn không đủ nhân lực và trang thiết bị điều trị cho lượng lớn bệnh nhân.
Việt Nam là quốc gia có đường biên giới phía Bắc giáp với Trung Quốc, do đó trong quá trình qua lại mua bán mậu biên, khả năng tạo nhiều nguồn lây lan dịch Covid-19 trong thời gian tới có lẽ là điều sớm, hoặc muộn cũng sẽ xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc vẫn bảo thủ vắc-xin nội địa cho phòng dịch Covid-19.