Dân Trần
(VNTB) – Cha mẹ mua cho con đồ ăn vặt mà không quan tâm đến hậu quả lâu dài.
Chỉ cần dạo một vòng quanh các trường học ở Sài Gòn, sẽ thấy la liệt những hàng quán bày bán cá viên chiên, bánh tráng trộn, trà sữa với đủ loại thạch, hạt không rõ nguồn gốc. Những thức ăn nước uống này tuy rẻ tiền, ăn vặt cho vui, nhưng tiềm ẩn rất nhiều nguy hại. Thế nhưng nhà trường vẫn làm ngơ, cơ quan chức năng vẫn không xử lý, thậm chí cha mẹ cũng mua cho con mình ăn mà không quan tâm hậu quả lâu dài.
Không phải chỉ Sài Gòn, mà tỉnh nào, trường nào cũng vậy, trước cổng trường, trong căn tin trường nào cũng đều có. Những que cá viên chiên, trứng cút chiên, thịt chiên… được gọi chung là “xiên bẩn”. Biết bẩn, nhưng vẫn cho con tiền để mua và ăn mỗi ngày. Còn trà sữa, từ lâu đã bị cảnh báo là không tốt cho sức khỏe trẻ em, vì có rất nhiều đường và hoá chất, nhưng các em rất thích. Với giá chỉ khoảng 10 ngàn đồng là đã có thể mua được một ly lớn, nhất là để giải khát giữa mùa nắng nóng này.
Một số lý do đơn giản khiến đồ ăn vặt phổ biến như rẻ, ăn vui miệng, ai cũng ăn thì mình ăn, thấy ngay trước cổng trường, tiện thì mua… Hậu quả trước mắt là ngộ độc thực phẩm từ hàng rong do không đảm bảo được an toàn thực phẩm. Điển hình là ở Khánh Hoà, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng mà đã có 3 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn hàng rong bán trước cổng trường. Hàng chục em phải nhập viện. Nhưng nếu chỉ ngộ độc nhẹ, nhập viện rồi về thì có thể là bất thường, xử lý hàng quán bán thực phẩm gây ngộ độc là xong. Chỉ có điều, hậu quả lâu dài là không thể xử lý được.
Ngay cả các loại trà sữa, nước ngọt có nguồn gốc rõ ràng nhưng bị lạm dụng, uống mỗi ngày cũng gây béo phì, mỡ trong máu, tăng huyết áp, chứ đừng nói gì những loại không rõ nguồn gốc, được pha từ hóa chất độc hại với số lượng lớn. Các loại đồ ăn nhanh, đồ uống có gas, bánh kẹo và các sản phẩm có chứa chất bảo quản và phẩm màu nhân tạo. Còn những loại đồ chiên nhiều dầu mỡ thì lại càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến trẻ dậy thì sớm, bệnh mãn tính, suy gan, thận, tiểu đường, ung thư…
Dĩ nhiên, để xảy ra việc bày bán thực phẩm bẩn tràn lan trước cổng trường thì trách nhiệm lớn nhất nằm ở các cơ quan nhà nước. Việc vô trách nhiệm trong việc quản lý và kiểm soát thực phẩm bẩn cũng như không xử lý triệt để các hàng quán rõ ràng là lỗi của Nhà nước. Không phải chỉ là vô trách nhiệm, mà còn là việc thiếu kiến thức của các cán bộ quản lý thị trường.
Nhưng cũng cần coi lại cách giáo dục từ phía nhà trường. Giáo viên là những người phải biết hướng dẫn cho các em học sinh cách tránh xa những hàng quán và thức ăn độc hại. Đằng này, ngay trong căn tin trường cũng bán trà sữa không có nguồn gốc, xiên que, nước ngọt la liệt, học sinh chỉ cần đưa tiền là bán.
Trong tiềm thức trẻ, trường là nơi an toàn, nên sẽ dễ nhận thấy rằng khi trẻ thấy những món ăn, đồ uống đó có bán trong trường, trẻ sẽ nghĩ những thứ đó an toàn. Đi ra đường, thấy món đồ tương tự trong trường, trẻ dừng lại mua vì nghĩ an toàn. Như vậy, nhà trường từ nơi dạy trẻ nên người lại trở thành nơi đầu độc học sinh nhiều nhất.
Nếu chỉ nhà trường và Nhà nước không làm thì vẫn còn một chỗ dựa: là nhà mình. Trẻ em vẫn còn có sự hướng dẫn của cha mẹ, để nhận diện đâu là cái đáng mua, thứ gì tốt cho sức khỏe. Vậy nhưng chính cha mẹ lại là những người mua trực tiếp hoặc gián tiếp – khi cho con tiền tiêu vặt -những món ăn thức uống này cho các con vì thiếu kiến thức về vệ sinh và an toàn thực phẩm.
Thế là Nhà nước vô trách nhiệm, nhà trường vô cảm, phụ huynh vô tâm, còn hậu quả là học sinh lãnh đủ!