VNTB – Khi livestream thành công cụ để chỉ trích và công kích cá nhân

VNTB – Khi livestream thành công cụ để chỉ trích và công kích cá nhân

Triệu Tử Long

 

(VNTB) – Công cụ livestream (phát sóng trực tiếp) đang được người dùng mạng xã hội sử dụng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, không ít nội dung livestream mang tính công kích đối với người khác và để lại những hậu quả nặng nề.

 

 

Vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng tiếp tục livestream để kêu gọi nhiều tên tuổi trong giới showbiz cùng tố cáo ông Võ Hoàng Yên, là một dẫn chứng dễ thấy nhất cho việc livestream đang là công cụ để chỉ trích, công kích cá nhân.

Trước đó, bà Nguyễn Phương Hằng bị xử phạt 7,5 triệu đồng vì phát ngôn sai sự thật liên quan đến Sở Y tế tỉnh Bình Thuận trong việc cấp giấy phép hành nghề cho ông Võ Hoàng Yên.

Xem ra giờ đây nhờ vào mạng xã hội mà việc tổng công kích ai đó giờ đây trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, tới độ trở thành một trong những “thú tiêu khiển” được ưa chuộng.

Thắc mắc là vì sao nhà chức trách đã ‘làm lơ’ về những dấu hiệu vi phạm Luật An ninh mạng của nội dung livestream kêu gọi công kích cá nhân?

Quan sát những gì đang diễn ra ở nội dung livestream của bà Nguyễn Phương Hằng, cho thấy có vẻ bà không mấy tin tưởng vào lá đơn tố cáo ông Võ Hoàng Yên mà Công an TP.HCM đã nhận của bà hồi tháng 3 năm nay.

Tin tức trên báo Công an TP.HCM cho biết Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM đã mời bà Nguyễn Phương Hằng làm việc về nội dung tố cáo này. Không rõ đến nay vụ việc diễn tiến đến đâu, song người ta thấy gần như mật độ khá dày về livestream của bà Nguyễn Phương Hằng trong kêu gọi những nghệ sĩ tài danh cùng lên tiếng tố cáo ông Võ Hoàng Yên.

Theo luật pháp hiện hành, ông Võ Hoàng Yên là một công dân chưa bị kết luận về tội danh hình sự nào, do đó nếu tiếp tục công kích ông Võ Hoàng Yên và kêu gọi những nghệ sĩ tài danh – nói theo cách của bà Hằng, là phải có trách nhiệm hưởng ứng, cho thấy ở đây biểu hiện hành vi “Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội”, ghi tại Điều 8.1.e của Luật An ninh mạng.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), ý kiến rằng cần có bộ quy tắc chung trong vấn đề livestream.

“Hiện tại tôi thấy có rất nhiều livestream chỉ để phục vụ mục đích cá nhân, đánh bóng tên tuổi… còn yếu tố nhân văn, tạo thêm sự tốt đẹp cho cuộc sống cực kỳ khan hiếm. Vấn đề là người dùng mạng đang nhìn nhận sai lệch về tự do ngôn luận, bởi tự do ngôn luận không đồng nghĩa với tự do xúc phạm người khác.

Không chỉ chủ thể hướng đến trực tiếp trong livestream bị xúc phạm mà những người vô tình xem được cũng bị ảnh hưởng. Những livestream này đang nhân danh tự do để quấy rối người khác. Điều chỉnh hành vi trên các livestream là vấn đề cần phải làm. Đầu tiên, phải cần có nội dung tốt, phù hợp với chuẩn mực, người livestream phải dự lường nguy cơ xấu.

Ngay cả phim ảnh còn gắn mác lứa tuổi được phép xem thì mạng xã hội không thể dung nạp những livestream vứt bừa nội dung ảnh hưởng đến cộng đồng mạng. Thậm chí phải dự lường cả bình luận tương tác quá khích, công kích cá nhân, chửi bới người khác thậm tệ. Vì vậy, nếu không điều chỉnh, điều bất thường dần dần sẽ trở thành bình thường.

Hiện tại mạng xã hội dù là thế giới ảo nhưng giống như nơi công cộng, nhiều người tham gia và chúng ta cần một bộ quy tắc để loại bỏ vấn đề tiêu cực trên các livestream nói riêng và mạng xã hội nói chung. Người tham gia mạng xã hội dựa vào quy tắc có thể đề xuất xử lý những livestream vượt quá giá trị đạo đức, pháp luật.

Thêm nữa là sự tham gia của các công ty công nghệ để sàng lọc nội dung livestream không phù hợp cần phải gỡ ngay, thậm chí thu hồi vĩnh viễn tài khoản mạng xã hội với nội dung không lành mạnh. Việc xây dựng bộ quy tắc đấy sẽ mất thời gian nhưng khi xây dựng để bảo vệ quyền lợi cho người dùng và lợi ích số đông chắc chắn sẽ được đón nhận” – ông Trần Thành Nam đề xuất.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)