VNTB – Khi nào mới có điện lực tư nhân?

VNTB – Khi nào mới có điện lực tư nhân?

Tử Long

 

(VNTB) – Tư nhân ở Việt Nam đã tham gia vào thị trường phát điện cũng lâu rồi, thế nhưng vẫn chưa có cái tạm gọi là “điện lực tư nhân”.

 

Điều trên dường như cũng là thắc mắc của tác giả bài viết “Vì sao không thay điện bao cấp bằng điện cạnh tranh?” trên trang Việt Nam Thời Báo, số phát hành ngày 10-2-2023.

Ý kiến đề xuất của tác giả bài viết trên là phù hợp với Luật Điện lực hiện hành ở Việt Nam. Theo đó, Việt Nam hiện chỉ giữ “độc quyền nhà nước trong truyền tải điện”, và ngay cả chuyện độc quyền đó mới đây cũng chính thức được Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên lên tiếng là cần “xã hội hoá để tư nhân đầu tư vào truyền tải điện nhằm giải tỏa công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo, không để lãng phí nguồn lực xã hội khi đã đầu tư các nhà máy điện” – nôm na là sắp tới cần phải tu chỉnh Luật Điện lực.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trong 5 năm qua, khi có chính sách phát triển năng lượng tái tạo, tăng trưởng điện tái tạo này rất lớn. Tuy nhiên, những nơi được đánh giá có tiềm năng lớn về điện tái tạo thì phụ tải – tức việc tiêu thụ điện lại rất thấp, chỉ 4 đến 6%, còn lại 94% điện ở khu vực này phải truyền tải điện ở cấp điện cao áp và siêu cao áp.

“Khai thác năng lượng tái tạo rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay khi mà tiềm năng về thuỷ điện lớn đã hết, dư địa phát triển thuỷ điện nhỏ ảnh hưởng đến môi trường. Vì thế, đầu tư năng lượng tái tạo với hệ thống truyền tải và tích điện/ lưu trữ điện năng sạch của các nhà máy điện tái tạo rất cần thiết.

Theo đó, mục tiêu sửa đổi này là để tư nhân đầu tư trạm và đường dây từ 220 kV trở xuống, tuân thủ quy định về vận hành, điều độ, giá truyền tải điện phải do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia quy định. Về quyền đấu nối, các nhà đầu tư phải đạt các tiêu chuẩn của ngành điện.

Như vậy, Nhà nước vẫn giữ độc quyền điều độ điện, Trung tâm Điều độ điện Quốc gia tới đây tách khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đặt dưới sự điều hành trực tiếp của Bộ Công thương để bảo đảm tính khách quan. Qua đó, cân đối vùng miền và an ninh năng lượng quốc gia. Nhà nước kiểm soát thông qua điều hành hệ thống điện, quản lý về tiêu chuẩn đầu tư” – ông Nguyễn Hồng Diên ý kiến.

Tuy nhiên thắc mắc sau đây thì gần như các lãnh đạo từ ông bộ trưởng đến chủ tịch Quốc hội, và có thể là cả luôn ông tổng bí thư vẫn chưa thể nhận được ‘câu mách nước’ từ dàn trợ lý chuyên môn: pháp luật ở Việt Nam quy định ngành điện là ngành bình ổn giá, nhưng lợi nhuận định mức chỉ được 3%, trong khi với ngành khác thì lợi nhuận do thị trường quyết định.

Cần làm rõ, bởi như vậy thì có thu hút được nhà đầu tư không? Khi nhà đầu tư xây dựng nhà máy phát điện rồi, có đấu nối vào với hệ thống truyền tải điện hay không?

Ghi nhận ý kiến bên lề trong giới đầu tư vào lãnh vực này, theo giới tài phiệt ở Sài Gòn thì họ không thiếu tiền mà cần quy định rõ ràng, cơ chế minh bạch, không nhân danh lý do chính trị nào đó để úp vốn của họ trong quá trình đầu tư.

“Một bên là tư nhân muốn làm cả đường trục truyền tải điện quốc gia, một bên lại lo sẽ không quản lý được.

Tôi cho rằng cần nghiên cứu kỹ bài học các nước, có cơ chế dung hòa làm sao phát huy tư nhân đầu tư và cho phép cơ quan quản lý vẫn có quyền giám sát, vận hành đường dây, tránh để tư nhân bán lại cho đối tác nước ngoài làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng” – cựu biên tập viên tài chính của một tờ báo chuyên ngành về pháp luật, đã lưu ý như vậy khi bàn luận quanh ý kiến “Vì sao không thay điện bao cấp bằng điện cạnh tranh?” trên trang Việt Nam Thời Báo, số phát hành ngày 10-2-2023.

Theo lời của cựu biên tập viên kể trên, nhìn bài học từ Philippines cho thấy Trung Quốc nắm 40% lưới truyền tải, hệ thống điều khiển nằm ở Bắc Kinh. Và kịch bản đó rất có thể xảy ra ở Việt Nam, khi sắp tới đây khả năng sửa Luật Điện lực với những quyền tư nhân được mở rộng như đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)