Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vì sao không thay điện bao cấp bằng điện cạnh tranh?

TS Phạm Đình Bá

 

(VNTB) – Ngày nào ngành điện vẫn còn độc quyền và bao cấp, ngày ấy còn chuyện dài về tăng tiền điện làm dân phải lo lắng.

 

Tôi đọc bài của Tử Long trên trang VNTB về dân đã nghèo còn gặp eo bởi giá điện sắp tăng. [1] Năm 2023 mới mấy tuần đã phải lo về tăng tiền điện. Năm 2022, có nhiều lo lắng về tăng tiền điện từ khoảng tháng 7 đến tháng 12, với nhiều bàn luận vào khoảng tháng 10. Việc tăng tiền điện có vẻ như là một chuyện dài ở bên nhà. Tại sao như vậy?

Ngành năng lượng ở bển chủ yếu do nhà nước quản lý thông qua bộ Công Thương và được các tập đoàn quốc doanh lớn vận hành. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị sản xuất điện chính. Ngoài ra, EVN giữ vị trí độc quyền trong việc truyền tải, phân phối và vận hành hệ thống điện, cũng như chiếm tỉ trọng lớn trong thị trường sản xuất, bên cạnh các tập đoàn nhà nước khác như PetroVietnam (các nhà máy điện khí) hay Vinacomin (các nhà máy điện than). [2]

Theo Tử Long, nhà nước bao cấp chuyện điện, với bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với bộ Tài chính tính toán, điều chỉnh khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, rồi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. [1] 

Cơ cấu năng lượng bên nhà chủ yếu là than đá, dễ đào lên đốt nhưng gây ô nhiễm môi trường sống của mọi người. Khoảng 50% nhu cầu năng lượng được lấy từ than đá, tiếp theo là thủy điện (30%), khí đốt tự nhiên (14%) và năng lượng tái tạo phi thủy điện (5%). [3]

Ở tỉnh Ontario Gia Nã Đại nơi tôi ở (15 triệu dân), mỗi nhà thường dùng nhiều điện vào mùa đông để sưởi ấm và mùa hè để làm mát, trung bình $1.560 tiền điện mỗi năm, với tiền đầu vào mỗi nhà khoảng $65.280 mỗi năm và như thế mỗi nhà trả chừng 2,4% thu nhập cho tiền điện. Năm 2022, tiền điện tăng 4.5%, tính ra là mỗi hộ nhà phải trả thêm $70 mỗi năm. Tất cả mọi nhà hầu như không thích phải trả thêm tiền điện nhưng không bao nhiêu hộ bận tâm lâu dài trong chuyện tiền điện lên xuống. 

Ở tỉnh này, Cơ quan Điều hành Hệ thống Điện Độc lập (IESO) làm việc tại trung tâm hệ thống điện để đảm bảo có đủ điện để duy trì hoạt động để bảo đảm công suất (sản xuất đủ điện để đáp ứng nhu cầu), năng lượng (sản xuất điện liên tục theo thời gian), truyền tải (phân phối và cung cấp điện), và năng động (đáp ứng nhu cầu thay đổi từng giây). [4]

Hàng trăm nguồn điện được kết nối trực tiếp với hệ thống điện của tỉnh. Trong ngày, cơ quan điều hành độc lập IESO gửi tín hiệu về nhu cầu điện trên toàn hệ thống: để đáp lại, các nhà cung cấp điện điều chỉnh sản lượng của họ lên và xuống khi cần thiết, đảm bảo rằng các nhà cung cấp điện không sản xuất quá mức hoặc dưới mức vào bất kỳ thời điểm nào và hệ thống đang hoạt động hiệu quả và tiết kiệm chi phí tốt. [4]

Điện, giống như các hàng hóa khác, được sản xuất bởi các nhà cung cấp, bán và vận chuyển đến khách hàng. Cơ quan độc lập IESO giám sát và phát triển thị trường điện, thúc đẩy cạnh tranh để duy trì khả năng chi trả. Cơ quan này thúc đẩy một thị trường mở, năng động và bền vững, khuyến khích các cơ hội mới cho các nguồn tài nguyên mới nổi. [4]

Ontario có mạng lưới điện sạch với nhiều nguồn tài nguyên đa dạng, bao gồm hạt nhân (34%), khí đốt (28%), thủy điện (23%), và năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời (14%). Mỗi tài nguyên tạo ra điện khác nhau và có các đặc điểm vận hành độc đáo. Bởi vì không có nguồn lực đơn lẻ nào có thể đáp ứng tất cả các nhu cầu của hệ thống vào mọi lúc, nên việc duy trì hỗn hợp nguồn cung cấp đa dạng là một cách hiệu quả để đảm bảo độ tin cậy liên tục của hệ thống điện của Ontario. [4]

Trở lại bên nhà, tốc độ tăng trưởng kinh tế lớn đang gây áp lực lên các nguồn năng lượng khi tình trạng mất điện thường xuyên gây gánh nặng cho các doanh nghiệp trên toàn quốc. [3] Điều này nhấn mạnh nhu cầu về nguồn năng lượng bền vững hơn khi các nhà máy nhiệt điện than vẫn chiếm ưu thế trong lưới điện cả nước. Hơn nữa, ở bển phải nhập khẩu thêm than vì than nội địa không đủ dùng, khiến việc sản xuất năng lượng dễ bị thay đổi về giá cả quốc tế và nguồn cung cho than và khí đốt. 

Ngày nào ngành điện vẫn còn độc quyền và bao cấp, ngày ấy còn chuyện dài về tăng tiền điện làm dân phải lo lắng, bên cạnh hàng trăm thứ lo khác trong đời sống hằng ngày. 

____________

Nguồn:

1. Tử Long. VNTB – Giá bán lẻ điện lại tăng: nghèo gặp cái eo. 08/02/2023; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-gia-ban-le-dien-lai-tang-ngheo-gap-cai-eo/.

2. Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ. Ngành điện ở Việt Nam. Cập nhật ngày 09/02/2023; Available from: http://gizenergy.org.vn/vn/knowledge-resources/power-sector-vietnam.

3. Asian Briefing. Vietnam’s Energy Crunch: Coal’s Dominance and the Need for Renewables. 27/10/2022; Available from: https://www.aseanbriefing.com/news/vietnams-energy-crunch/.

4. IESO. Ontario’s Electricity Grid. Accessed 09/02/2023; Available from: https://www.ieso.ca/en/.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Trọng ơi, cần nói ít và chi tiền nhiều cho ngành y tế

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Làm sao định hình, chẩn đoán, tiên lượng và đối phó với các tập đoàn mạng nhện tham nhũng?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Tham tán Ngoại giao Nga từ chức phản đối Putin

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.