VNTB – Việt Nam sẽ tiếp tục đeo đuổi kinh tế thị trường định hướng XHCN?

VNTB – Việt Nam sẽ tiếp tục đeo đuổi kinh tế thị trường định hướng XHCN?

Tử Long

 

(VNTB) – Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là “cái đặc thù” của Việt Nam, phù hợp với điều kiện và đặc điểm cụ thể của Việt Nam. – Nguyễn Phú Trọng

 

Nếu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kết thúc sự nghiệp chính trị vào Tết Giáp Thìn này thì liệu có cáo chung luôn về yêu cầu ‘định hướng XHCN’ ở nền kinh tế thị trường?

Kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa là tên gọi mà Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra cho mô hình kinh tế hiện tại của Việt Nam. Mô hình kinh tế được mô tả là một nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó nhà nước giữ vai trò chủ đạo và có trách nhiệm định hướng nền kinh tế, với mục tiêu dài hạn là xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trở ngược thời gian của hơn chục năm trước, trong hai ngày 8 và 9-10-2003, tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), đã diễn ra Hội thảo lý luận giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc với chủ đề “Chủ nghĩa xã hội và KTTT – kinh nghiệm của Trung Quốc, kinh nghiệm của Việt Nam”.

Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, làm Trưởng đoàn và Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc do Lưu Vân Sơn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương, Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương, làm Trưởng đoàn.

Tại hội thảo trên, Trưởng đoàn Việt Nam nêu lý do Việt Nam lựa chọn mô hình KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa, như sau – trích phát biểu của Trưởng đoàn Việt Nam:

Lựa chọn mô hình KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là sự gán ghép chủ quan giữa KTTT và chủ nghĩa xã hội, mà là sự nắm bắt và vận dụng xu thế vận động khách quan của KTTT trong thời đại ngày nay.

Đảng Cộng sản Việt Nam trên cơ sở nhận thức tính quy luật phát triển của thời đại và sự khái quát, rút kinh nghiệm phát triển KTTT thế giới, đặc biệt là từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và ở Trung Quốc, để đưa ra chủ trương phát triển nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm sử dụng KTTT để thực hiện mục tiêu từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây là một kiểu KTTT mới trong lịch sử phát triển của KTTT. Cũng có thể nói KTTT là “cái phổ biến”, còn KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa là “cái đặc thù” của Việt Nam, phù hợp với điều kiện và đặc điểm cụ thể của Việt Nam.

Nói KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa có nghĩa đây không phải là KTTT tự do theo kiểu tư bản chủ nghĩa, cũng không phải là kinh tế bao cấp, quản lý theo kiểu tập trung quan liêu; và cũng chưa hoàn toàn là KTTT xã hội chủ nghĩa, bởi vì như trên đã nói, Việt Nam đang ở trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, vừa có vừa chưa có đầy đủ các yếu tố của chủ nghĩa xã hội”. (…)

Từ bài diễn thuyết trên, suốt chục năm sau đó quan sát và so lại với chữ – nghĩa mà ông Nguyễn Phú Trọng đã sử dụng cho thấy “cái đặc thù” của Việt Nam ở đây là gì tiếp tục chưa có đáp số khi áp đặt định hướng chính trị của độc đảng toàn trị vào KTTT.

Thực tiễn cho thấy với thể chế đơn nguyên chính trị đã khiến người dân Việt Nam vừa ủng hộ kinh tế tư nhân cạnh tranh nhưng lại cũng muốn bàn tay can thiệp của nhà nước đối với những mặt hàng quan trọng (bình ổn giá, trợ cấp…) để đảm bảo quyền lợi cho họ, tức là vừa muốn có cạnh tranh tư nhân lại vừa muốn được nhà nước bảo trợ. Nguyên nhân là do những bất ổn trong nền KTTT khiến người dân cảm thấy không an toàn.

Mặt khác tại Việt Nam, những vấn đề về thiếu minh bạch thông tin, tình trạng không tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, lách luật, móc nối để ép giá người tiêu dùng… diễn ra phổ biến khiến ưu điểm của KTTT ít được phát huy; trong khi những khiếm khuyết của KTTT lại thường xuyên phát sinh. Điều này khiến người dân cảm thấy sợ bị mất quyền lợi và quay sang trông chờ ở sự trợ giúp của nhà nước…

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 4 months

    Đồng ý với tác giả . Dẹp cái kinh tía thị trường đi