Trúc Ngọc
(VNTB) – Tuyên giáo Đảng thi thoảng vẫn nhắc chuyện chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Đó vẫn chỉ là một lối của tuyên truyền.
Thật ra cũng không có gì mới khi nhắc đến ba môn tổ hợp quen thuộc của khối xã hội Văn – Sử – Địa không được coi trọng bằng các môn tự nhiên. Bởi có thể ngoài môn Văn, Sử – Địa nhiều người cho rằng chỉ là môn học bài, cứ cho câu hỏi, học theo (hoặc học tủ) là có thể làm được bài, còn điểm cao hay thấp, phụ thuộc vào mức độ nhớ bài đến đâu. Chính vì điều đó, một thực trạng đáng buồn là không nhiều học sinh ưu tiên lựa chọn khối xã hội, nhất là môn Sử.
Dĩ nhiên, có rất nhiều lý do cho việc không chọn Lịch Sử làm môn thi. Nào là những số liệu rắc rối về năm; giặc phương Bắc ở mỗi thời điểm là giặc nào (Đông Hán, Nam Hán, Tống, Mông – Nguyên, Thanh, Xiêm…); rồi thì những số liệu thiệt hai phe ta phe địch, phe ta thu được bao nhiêu vũ khí, bài học kinh nghiệm rút ra là gì? Với những người tạm gọi là không có “năng khiếu học bài” thì “ôm” một đống đó mà “tụng” thì quả thật là khó khăn cũng như chán nản vô cùng.
Rồi thì những bài giảng về lịch sử làm cho không ít em học sinh cảm giác khô khan, chán ngán. Lẽ hiển nhiên, nói đi cũng nói lại, không phải tiết Sử nào cũng vậy. Có những giờ, học sinh ngồi học Sử bằng tất cả sự say mê bởi giáo viên giảng quá hay.
Chính vì những nguyên nhân đó mà không ít học sinh 36 kế, né là thượng sách. Với những bài kiểm tra trong lớp thì lựa thằng nào chọn khối xã hội thi đại học (trong ban nâng cao tự nhiên vẫn có người thi đại học tổ hợp Văn – Sử – Địa) đọc bài cho mà chép; xa quá thì… xài phao vậy.
Có thể nói nếu văn học đem đến cho ta cái bức tranh hiện thực (hoặc lãng mạn) thời bấy giờ, thì lịch sử lại là một bức tranh oai hùng của ông cha ta. Tôi cũng không biết là do thầy cô không “thổi lửa” được cho học sinh, hay do lỗi của nền giáo dục mà phần nhiều học sinh lơ là đến lịch sử?
Tôi nhớ lúc trước trên báo có đăng một cuộc khảo sát nhỏ liên quan đến ông “Quang Trung – Nguyễn Huệ”. Có em cho rằng di tích gò Đống Đa gắn liền với danh tướng Trần Quốc Tuấn; học sinh khác thậm chí cho rằng, Quang Trung – Nguyễn Huệ là hai người khác nhau, có mối quan hệ như: hai anh em, bố con, bạn bè cùng chiến đấu….
“Đâu phải chỉ vậy không đâu. Lúc trước mình có hỏi thử một em học sinh đang học lớp 11. Mình hỏi Ngô Quyền chống giặc gì, em đó kêu chống quân Thanh. Mình không biết nói gì luôn”, một sinh viên ngành xã hội ngao ngán.
“Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể sử dụng để thay đổi thế giới” (Nelson Mandela). Việt Nam có thể trở thành một “thung lũng Silicon”. Thế nhưng, ngày đó mà thành hiện thực, con cháu lại không biết đến những trang sử Việt Nam oai hùng như thế nào thì chắc là ông bà tiên tổ sẽ… buồn lắm thay!
Cũng có ý kiến cho rằng, môn Lịch Sử ngày nay là của “kẻ chiến thắng”. Chú trọng học làm gì bởi có những cái viết quá lên (như một thời dạy về nhân vật Lê Văn Tám vậy). Tôi có thể đồng ý quan điểm này một phần (nếu xét ở giai đoạn sau năm 1945). Còn những bậc cha ông như “trải Đinh, Lê, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập…”, thì lịch sử có trung thực hay không, chỉ có những sử gia mới có thể cho đáp án phần nào chính xác được.
“Con người có tổ có tông/ Như cây có cội như sông có nguồn”. Tổ, tông ở đây không chỉ là ông, bà, cha, mẹ mà còn là những bậc tiền nhân đi trước. Có xưa mới có nay, nếu không có những Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Mai Thúc Loan, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Văn Duyệt… thì liệu sẽ có ngày hôm nay? Cho nên, cần lắm việc suy nghĩ lại của mấy “quan anh giáo dục” về việc thay đổi phương thức truyền đạt kiến thức lịch sử đến cho mấy em học sinh, không chỉ trong trường học mà còn trên nhiều phương tiện truyền thông khác.