Lynn Huỳnh
(VNTB) – Với cụ Tiên Điền Nguyễn Du, thì “chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”.
‘Làm sáng hơn, làm đẹp hơn phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ bằng trái tim’ – tựa bài báo Tuổi Trẻ điện tử, số phát hành lúc gần 19g ngày 11-12-2020.
Bài báo trên tờ Tuổi Trẻ, viết: ‘Làm sáng hơn, làm đẹp hơn phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ bằng trái tim’. Đó là ý kiến của Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, tại Hội thảo khoa học phấn đấu xứng danh ‘Bộ đội Cụ Hồ’ thời kỳ mới diễn ra chiều 11-12 tại Trường Sĩ quan chính trị, Hà Nội (1).
“Xác định phẩm chất ‘Bộ đội Cụ Hồ’ phải thấm sâu vào từng cán bộ, chiến sĩ… Làm sáng hơn, làm đẹp hơn phẩm chất ‘Bộ đội Cụ Hồ’ bằng trái tim” – Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, nói.
Cũng mang trái tim sinh học ra để huấn thị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh khi phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020, trưa 11-12-2020, rằng, “Việt Nam là một trong những hình mẫu trên thế giới về thành tựu xóa đói, giảm nghèo. Tới đây, giảm nghèo không chỉ làm bằng trí tuệ, mà phải làm bằng trái tim. Mỗi xã, phường, thôn phải có một chương trình hỗ trợ người nghèo….” (2).
Có thắc mắc: nếu nói như hai chính khách ở trên, thì phải chăng với Việt Nam lâu nay vẫn nghiêng theo hành xử bằng ‘trái tim’ chứ không phải từ “Nhà nước pháp quyền”?
Nếu ứng xử bằng ‘trái tim’ thì sẽ chấp nhận việc ‘xét công lao hạn mã’ để ưu ái khi ai đó vi phạm pháp luật, tức lề thói ỷ thế công thần.
Trong khi đó thì ở các khóa gọi là “Bồi dưỡng chính trị”, các đảng viên được nghe giảng đến quen thuộc các ý tứ như sau: “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một mô hình nhà nước mà Việt Nam đang hướng tới, trong đó kết hợp giữa một số yếu tố cơ bản của “xã hội pháp quyền” với đặc thù của hệ thống chính trị nước ta, đó là hệ thống chính trị nhất nguyên, do một đảng chính trị là Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Tính nhất nguyên còn thể hiện ở chỗ, mặc dù có tiếp thu những yếu tố hợp lý của các học thuyết chính trị, pháp lý khác, song nền tảng tư tưởng về tổ chức, vận hành của bộ máy nhà nước và quản lý xã hội là chủ nghĩa Mác Lênin”.
“Làm sáng hơn, làm đẹp hơn phẩm chất ‘Bộ đội Cụ Hồ’ bằng trái tim” – “Giảm nghèo không chỉ làm bằng trí tuệ, mà phải làm bằng trái tim”: phải chăng đang muốn nói đến Đảng cần có sự dung hòa của “đức trị” và “pháp trị”?
Có người để ý nhiều bài diễn văn của ông Nguyễn Phú Trọng, cho thấy dường như đôi lúc ông đang muốn nghiêng về “đức trị” kiểu như “ném chuột sợ vỡ bình quý”.
Đức trị là học thuyết cho rằng chính trị là sự tiếp tục của đạo đức và chủ trương đưa đạo đức trở thành đường lối chính trị. Đức trị là học thuyết của người quân tử, hàm ý người quân tử phải hội đủ Đức và Đạo, trong đó, Đạo là tu thân – tề gia – trị quốc – bình thiên hạ; Đức là nhân – lễ – nghĩa – trí – tín.
Xem ra quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức của dung hòa với tỷ lệ ra sao về “pháp trị” – “đức trị”?.
Và trong mọi trường hợp, dù ở tỷ lệ nào đi nữa, thì yêu cầu đặt ra là Đảng phải luôn đảm bảo được tính chính đáng trong cầm quyền của mình, thể hiện uy tín, sự tin tưởng, sự cuốn hút của Đảng đối với nhân dân; tính hiệu quả trong lãnh đạo phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đáp ứng yêu cầu, lợi ích của nhân dân.
Bên lề của ví von chuyện ‘trái tim’: Trong thần thoại của Nhật, vị thần Thiên chiếu có ba thần vật là: Thanh kiếm, Viên ngọc và Tấm gương, và đến nay, vẫn là ba quốc bảo tượng trưng cho quyền lực bậc thấp, bậc trung và bậc cao của Hoàng gia. Ở đây ‘Tấm gương’ được giải mã là tri thức – quyền lực bậc cao, chứ không được diễn giải từ lý thuyết đức trị có nguồn gốc cai trị trong chế độ phong kiến.
________________
Chú thích: