VNTB – Khóa tu mùa hè và những câu hỏi chưa có giải đáp

VNTB – Khóa tu mùa hè và những câu hỏi chưa có giải đáp

Hà Nguyên

 

(VNTB) – Các bậc phụ huynh lại tự nguyện để cho con mình bị dẫn dụ và “bôi bẩn” cùng có thể mang theo nỗi sợ hãi và cú sốc cả đời

 

Về lý thuyết thì chính quyền cấp xã, phường sẽ cấp phép cho các chương trình của khóa tu mùa hè ở chùa chiền tại địa phương.

Theo Thông bạch số 95/TB-HĐTS do Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPDVN) ấn ký vào ngày 30-3-2024 gửi đến các Ban, Viện Trung ương; Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố về việc tổ chức khóa tu mùa hè cho thanh thiếu niên Phật tử trong dịp hè 2024.

Theo thông bạch này thì nội dung của khóa tu được quy định cụ thể như sau: Trải nghiệm tu học Phật pháp (khoảng 45% thời gian khóa tu): Trang bị kiến thức về lịch sử cuộc đời Đức Phật, lịch sử Phật giáo Việt Nam; kiến thức Tam quy, Ngũ giới; các giáo lý: Nhân quả, nghiệp báo, Luân hồi, Tri ân và Báo ân, Tứ vô lượng tâm; Đạo pháp và Dân tộc, Phật giáo và khoa học, Phật giáo và môi trường, Phật giáo và hạnh phúc gia đình…Thực hành thiền, tụng kinh, và các trải nghiệm nghi thức sinh hoạt thiền môn.

Kỹ năng sống (khoảng 40% thời gian khóa tu): kỹ năng chống đuối nước; kỹ năng phòng cháy, chữa cháy; kỹ năng sơ cứu, cấp cứu; văn hóa tham gia bảo đảm an toàn giao thông…

Hoạt động vui chơi bổ trợ (khoảng 15% thời gian khóa tu): các trò chơi, giải trí vui tươi, lành mạnh.

Về quản lý trật tự trị an tại địa phương, thì trước khi diễn ra khóa tu mùa hè, phía tổ chức phải làm thủ tục xin cấp phép tại chính quyền nơi làm công việc quản lý hành chính với ngôi chùa đó. Việc chuẩn bị kế hoạch tổ chức các khóa tu được gửi đến Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện cùng UBND cấp xã, phường sở tại.

Có ý kiến: Đức tin với mỗi người là việc của tuổi trưởng thành, do bản thân mỗi người tự quyết định, không ai được áp đặt, cưỡng bức. Các bậc cha mẹ thường lấy nhu cầu của chính mình để áp đặt rằng trẻ nhỏ cũng cần phải tu hành, hồi hướng hay là chữa lành tâm trí là không phù hợp.

Luật trẻ em 2016, ở Điều 19 về “Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”, ghi rõ: “Trẻ em có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào và phải được bảo đảm an toàn, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em”.

Các khoá tu (nếu có) ít nhất phải phát sinh từ nhu cầu đặc biệt nào đó của các gia đình, nhưng, đó là lý do riêng, không thể biến thành nhu cầu phổ thông.

Về mặt pháp lý, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 27/2022/TT-BLĐTBXH, về “hướng dẫn sự tham gia của trẻ em vào hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục”. Theo đó, “Trường hợp cơ sở tôn giáo mở lớp học về tôn giáo có sự tham gia của trẻ em, tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục thì thực hiện theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo”.

Như vậy thì GHPGVN cấp địa phương là nơi chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động của các nội dung khóa tu mùa hè; và một khi xảy ra những dấu hiệu vi phạm pháp luật qua các bài pháp trong chương trình tu học của khóa tu, thì Ban Trị sự GHPGVN ở địa phương phải kịp thời lên tiếng chấn chỉnh; tránh dấu hiệu của vi phạm điều luật hình sự như 331 về “lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, hay điều 320 Bộ luật hình sự 2015 về “tội hành nghề mê tín, dị đoan” – đơn cử như video clip đã lan truyền trên mạng xã hội về bài giảng của nhà sư Thích Trúc Thái Minh, rằng “14 kiếp trước đứa trẻ kia “tạo ác nghiệp quyến rũ các sư” nên kiếp này bị vong nhập (!?)”.

Người viết bài này nghĩ rằng vai trò Đoàn Thanh niên Cộng sản ở đâu? Ban Tôn giáo chính phủ đang làm gì? GHPGVN chịu trách nhiệm ra sao? Các cấp chính quyền, cơ quan chức năng vì sao vẫn im lặng? Các bậc phụ huynh vì sao có thể để cho con mình bị dẫn dụ và “bôi bẩn” đến như vậy bởi nỗi sợ hãi và cú sốc có thể mãi theo cuộc đời các cháu…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)