VNTB – Không cấm không đồng nghĩa với muốn làm gì thì làm

VNTB – Không cấm không đồng nghĩa với muốn làm gì thì làm

Lê Tự Do

 

(VNTB) – Công dân có quyền tự do đi lại

 

Với một đô thị loại đặc biệt, đất chật người đông như Sài Gòn, một thực tế đã thấy rằng, không chỉ đối với xe ô tô, mà ngay cả những chiếc xe gắn máy cũng chẳng lạ gì cái cảnh “không đậu xe trước cổng nhà/ cửa nhà”.

Xoay quanh vấn đề này, có ý kiến phản bác việc cấm đậu xe trước cổng nhà/ cửa nhà, với lập luận: “Công dân Việt Nam được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm, đó là điều được ghi rất rõ trong Hiến pháp. Thế nhưng rất nhiều người vẫn diễn giải theo kiểu “phép vua phải thua lệ làng” – không cấm đỗ nhưng vẫn không được đỗ…”

Là một công dân sinh ra và lớn lên ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Hai, nay đã ngoài 80 chia sẻ: “Nói là vậy thôi, chứ nhiều lúc không hẳn là do lỗi của chủ nhà đâu. Đơn cử như trước nhà tôi đây, hàng xóm là dân nhập cư, quê Bình Thuận, bán bánh mì trước bờ tường nhà tôi. Thì thôi, hàng xóm mà, cũng chẳng hại gì, tôi để cho họ bán, chỉ nhỏ nhẹ với họ rằng, đừng xả rác và cũng đừng để xe đậu tràn lan. Rồi họ cũng vui vẻ, hứa hẹn đủ điều. Cuối cùng thì sao, vẫn tràn lan, xe thích đậu đâu là đậu, thích dừng đâu là dừng. Rồi lại ra nhỏ nhẹ nhắc, xin được nhấn mạnh là nhỏ nhẹ nhắc chứ hoàn toàn không lớn tiếng, kết quả thế nào? Trước mặt mình thì vui vẻ, quay lưng lại là đi nói xấu mình với người mua bánh mì. Vậy thì lỗi có phải do chủ nhà không?”

Một câu hỏi đưa ra có lẽ để làm luận cứ chắc hơn cho vấn đề được tự ý đậu xe trước nhà người khác: “Nếu con đường không có biển cấm dừng đỗ và không nằm trong khu vực bị cấm (cơ quan, trường học, bệnh viện), vậy điều nào, khoản nào trong luật nói là tài xế không được phép đậu xe?”

Thoạt nghe, luận cứ này là không sai. Bởi, người dân được quyền làm những gì pháp luật không cấm. Tuy nhiên, hãy thử tưởng tượng, nếu một ngày nào đó, trên các con đường, ngoài những đoạn cấm đậu đỗ, toàn xe là xe, từ xe máy đến xe hơi, từ xe tải đến xe buýt thì cuộc sống của người dân như thế nào?

Thôi thì cũng không nói chuyện “giả tưởng”, quay lại với vấn đề luật pháp. Điều 23 Hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

Khoản 2 Điều 29 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 (UDHR) quy định: “Mỗi người trong khi thực hiện các quyền và tự do cho cá nhân chỉ phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và sự tôn trọng đối với các quyền và tự do của những người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và sự phồn vinh chung trong một xã hội dân chủ”.

Việc đậu đỗ trước cổng nhà/ cửa nhà của người khác, dù là xe gắn máy, vô hình trung, đã phần nào hạn chế quyền đi lại của cư dân, khi mà hộ gia đình ấy không bị hạn chế đi lại bởi quy định của pháp luật. Có trường hợp, còn ngang nhiên chắn hẳn lối đi, tài xế đi ăn sáng, người dân muốn ra đi học, đi làm cũng hoàn toàn… bó tay.

“Như trường hợp của tôi nè, dắt xe ra đi học, bị một chiếc xe gắn máy chắn trước cửa. Nhỏ nhẹ kêu họ nhích qua, họ chửi luôn tôi kêu mua bánh mì tí làm gì căng. Tôi mới nói căng cái gì, anh đậu như vậy làm sao tôi có thể đi ra ngoài được? Cái họ mới chịu nhích lên”, sinh viên An chia sẻ.

Tóm lại, công dân có quyền tự do đi lại, không thể vì đậu xe hoặc vì một hai trường hợp nào đó, túc trực trước cửa nhà người ta để hạn chế quyền tự do đi lại của người dân khi chưa có phán quyết của Tòa án…

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)