Mai Lan
(VNTB) – Sứ mạng của Linacre là… nội trú – tức cung cấp nơi ăn chốn ở, điều kiện học tập và sinh hoạt cho những người đang học tại các chuyên khoa của đại học Oxford.
Từ khóa Linacre College đi cùng với tên của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc hãng hàng không Vietjet, đang tăng độ nóng trên mạng xã hội.
Tối ngày 1-11, trường Linacre College, một trường thành viên của đại học Oxford (Anh quốc), đã có thông báo chính thức trên webiste sự việc đang được dư luận chú ý: Trường này sẽ đổi tên thành Thao College theo tên của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc hãng hàng không Vietjet. Việc này diễn ra sau khoản quyên góp đến 155 triệu bảng Anh (hơn 4.800 tỷ đồng) của bà cho trường này.
Tập đoàn SOVICO, tập đoàn gia đình của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, hiện là cổ đông lớn nhất của hãng hàng không Vietjet Air. Bà Thảo hiện cũng là Tổng Giám đốc của hãng hàng không này.
Bài viết trên báo Thanh Niên cho rằng Linacre College là một trường thành viên của đại học Oxford, là trường đa ngành với khoảng 50 nghiên cứu sinh và 550 sinh viên sau đại học đa số đến từ nước ngoài (133 quốc gia). Đặc biệt, trường này có quan điểm về môi trường hết sức mạnh mẽ, là “đại học xanh” trong số các trường thành viên của đại học Oxford thông qua một số sáng kiến về môi trường trong những năm qua, nhất là giảm lượng khí thải carbon ra môi trường.
Vì vậy, trong thông báo của mình, Linacre College có đề cập rằng Tập đoàn SOVICO cũng đã cam kết tất cả các công ty con của họ đạt đến mức không carbon (net carbon zero) vào cuối năm 2050.
Tin tức nói trên rất cần được ‘hiệu đính’.
Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục và Đào tạo giáo viên – Đại học Quốc tế Hồng Bàng, tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh cho biết Linacre College là một trường nội trú thuộc đại học Oxford. Đại học này có đến 45 “residential colleges”, có thể dịch là “trường nội trú” hoặc “khu nội trú” trên khuôn viên rộng rãi và rất đẹp của đại học này.
Và đã là một trường nội trú thì sứ mạng của Linacre là… nội trú. Tức là cung cấp nơi ăn chốn ở, điều kiện học tập và sinh hoạt cho những người đang học tại các chuyên khoa của đại học Oxford.
Nói cách khác, các trường nội trú không đào tạo gì cả, mà chỉ cung cấp một môi trường văn hóa với các giá trị chung mà các “dân cư” đặc biệt của nơi này cùng chia sẻ. Nếu những người sống ở đây có học hỏi được điều gì thì đó là do ảnh hưởng của việc được chung sống và quen biết những con người lịch lãm, có tri thức, có văn hóa, có chung những giá trị sống gì đó mà thôi. Kiểu như ai đó đã sống ở Paris chừng vài chục năm thì sẽ tập nhiễm được những giá trị văn hóa của người Paris, vậy đó.
Đây là mô hình giáo dục toàn diện, đặt nền tảng trên các giá trị nhân bản, xuất phát từ các dòng tu của đạo Công giáo từ thời trung cổ, mà nhiều trường đại học khác trên thế giới cũng học theo. Oxford và Cambridge tất nhiên là hai ví dụ tiêu biểu của mô hình này. Ở Mỹ ta cũng thấy mô hình ở Harvard và Yale.
“Hồi tôi ở Úc, học ở đại học La Trobe thì trường cũng theo mô hình này, dù chỉ là phiên bản đã giảm nhẹ nhiều. Chủ yếu, nó chỉ còn là một nơi để ở, còn các sinh hoạt văn hóa, cộng đồng đã giảm đi nhiều lắm. Địa chỉ quen thuộc của tôi suốt những năm ấy là Chisholm College, La Trobe University, trong đó Chisholm College đơn giản chỉ là tên của ký túc xá mà thôi.
Tóm lại, nếu muốn cho người Việt có thể hiểu thì cứ dịch nó là ký túc xá là đúng nhất, mặc dù tất nhiên là nó cũng rất khác. Đông là Đông mà Tây là Tây, có gặp được nhau đâu. Nhà văn Mark Twain đã nói thế, còn gì!!!” – bà Vũ Thị Phương Anh diễn giải.