Việt Nam Thời Báo

VNTB – Không lẽ văn học dân gian Việt Nam nghèo nàn đến thế sao?

Quang Nhựt

(VNTB) – Tại sao không sử dụng những tác phẩm văn học dân gian Việt Nam để dạy cho con em Việt? Phải chăng nhóm biên soạn Cánh Diều đang sính ngoại?

 

Trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 do ông giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cùng các cộng sự biên soạn dành cho chương trình giáo dục Tiểu học, được Bộ giáo dục và đào tạo phê duyệt, có tương đối nhiều các bài tập đọc “phỏng theo” – “theo” các tác phẩm của nước ngoài.

Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt cho rằng về ý nghĩa, một nhà văn lớn như Lev Tolstoy không bao giờ viết một truyện tầm phào hoặc phản giáo dục. Điều này là không sai. Với một tác phẩm thuộc văn học dân gian (truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười…) đều mang cho mình một hàm ý; một bài học về đời sống được ông, bà đời trước đúc kết, khéo léo lồng vào câu chuyện rồi truyền từ đời này sang đời khác.

Tuy nhiên, dẫn lời một tờ báo điện tử, theo ông Thuyết, những câu chuyện trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1, “Phản hồi thông tin bài tập đọc “Hai con ngựa” bị cho rằng là câu chuyện bịa, GS Thuyết cho biết bài tập đọc này được viết lại (phỏng theo) truyện “Ngựa đực và ngựa cái” của Lev Tolstoy được in trong cuốn “Kiến và bồ câu”. Trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1, cốt truyện được giữ nguyên, nhưng truyện dài nên phải chia làm 2 phần, có đánh số 1, 2, phần 2 được học ngay sau phần 1”. Mặc dù cốt truyện giữ nguyên như lời ông Thuyết nhưng đã gọi là viết lại câu chuyện, thì liệu chăng, nội dung, ý nghĩa và tính giáo dục sẽ còn nguyên như lúc đầu? Nhất là đặc trưng của dòng văn học dân gian có yếu tố dị bản.

Có ý kiến cho rằng, việc viết lại như vậy của ông Thuyết là nhằm mục đích cho phù hợp với văn hóa, phong tục Việt Nam. Nếu đúng như vậy, tại sao ông Thuyết không chứng minh những tác phẩm được “viết lại” ấy như thế nào là phù hợp với văn hóa Việt Nam? Và tại sao ông Thuyết không sử dụng những tác phẩm văn học dân gian của chính người Việt để dạy cho con em Việt? Phải chăng nhóm biên soạn Cánh Diều đang sính ngoại?

“Mình nhớ cái ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, trong các tiết học về dòng văn học dân gian, thầy cô có giảng, kho tàng văn học dân gian Việt Nam (truyện cổ tích, ngụ ngôn, thơ ca, sử thi, truyền thuyết…) đa dạng và phong phú. Có những câu chuyện cổ tích nhiều dị bản.

Điển hình như câu chuyện Tấm Cám, có chuyện cái kết Tấm không tha cho mẹ con Cám nhưng cũng có chuyện cái kết lại tha. Cho nên, khi cầm quyển sách Tiếng Việt 1 trong tay, mình tò mò giở ra đọc, bên cạnh những vấn đề về từ ngữ, cú pháp, mình thắc mắc một điều là sao có nhiều bài tập đọc phỏng theo tác giả này, theo tác giả nọ thế? Không biết rằng do ông Thuyết (vì ông là Tổng chủ biên kiêm chủ biên) quá mê truyện cổ nước ngoài hay do ông không rành về truyện cổ Việt Nam mà ông lại làm như thế?”, anh Minh, một cựu sinh viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP.HCM chia sẻ.

“Theo như mình đọc báo, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết khẳng định các bài đọc là để học sinh ôn chữ, ôn vần. Với học trò lớp 1, điều đó là không sai, chủ yếu cũng chỉ cần như thế. Tuy nhiên, không nên vin vào cái lý do đó mà muốn soạn bài tập đọc sao thì soạn. Tôi nhớ mình đã từng tham gia một buổi nói chuyện của giáo sư Trần Văn Khê về vấn đề thai giáo, lúc còn trong bụng mẹ, ví dụ như các bé mà được mẹ cho nghe những bản nhạc về quê hương, khi lớn lên sẽ thêm yêu quê hương hơn. Vấn đề giáo dục cho học trò lớp 1 cũng vậy, quan trọng không kém. Mấy em lớp 1 suy nghĩ non nớt, khi đọc những bài do ông soạn, ý nghĩa không rõ ràng, đầy đủ, liệu chăng mấy em có tiếp thu sai?”, nhà báo Nam Phương nhận định.

Chợt nhớ lại lời dạy của cô giáo khi xưa, biết sai thì sửa. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là liệu chăng ông Thuyết có nhìn ra được những cái lỗi hay đã bị cái chức danh giáo sư che mờ mắt?

Hy vọng với một người học cao như giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, sẽ không là con người như thế…

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Giáo dục Việt Nam đang trôi dạt ở đâu? 

Phan Thanh Hung

VNTB – Tản mạn ý dân mùa Covid

Phan Thanh Hung

VNTB – Ông Phùng Xuân Nhạ phải là người chịu trách nhiệm!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.