VNTB – Không thể chấp nhận cách nói tắt đầy ‘ngớ ngẫn’ như vậy

VNTB – Không thể chấp nhận cách nói tắt đầy ‘ngớ ngẫn’ như vậy

Huyền Linh

 

(VNTB) – Là một cựu quan chức và là người được mời đứng đầu một hội đoàn nghề nghiệp, thật khó tin khi chọn cách nói tắt trật chìa đến vậy.

 

PGS Trần Đáng, chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, cho hay phát biểu đề nghị nước mắm trở thành di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam của ông tại hội thảo chỉ là cách nói vắn tắt, còn đầy đủ ông đề xuất nghề làm nước mắm thủ công.

Theo ông Đáng, tại buổi hội thảo, ông nói vắn tắt đề nghị nước mắm trở thành di sản văn hóa phi vật thể, còn đầy đủ ông đề xuất nghề làm nước mắm thủ công trở thành di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên trên thực tế thì không có bất kỳ đại biểu nào nghe về ý tứ của “đề xuất nghề làm nước mắm thủ công trở thành di sản văn hóa phi vật thể” như lời trần tình sau đó của ông Trần Đáng.

Rất dễ hiểu vì vị trí chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam của ông Trần Đáng là do ‘tiến cử’ có chủ đích từ Masan, doanh nghiệp được cho là tác giả của kịch bản đánh đồng ‘nước mắm công nghiệp’ với nước mắm được ủ chượp từ muối và cá của nghề nước mắm mà ông bà mình đời này truyền qua đời khác với những kinh nghiệm được bổ sung hoàn chỉnh như hiện tại.

Như phân tích ở một bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo, giả dụ như ông Trần Đáng trần tình đúng đi nữa về chuyện nói vắn tắt, song dù không nói vắn tắt thì sẽ rất khó tin việc ý của ông giãi bày sau đó là muốn đề cập “nghề làm sản xuất nước mắm thủ công”, bởi rất đơn giản hội đoàn của ông tập họp những doanh nghiệp chuyên sản xuất ‘nước chấm công nghiệp’ theo công thức mua nước mắm cốt từ những nhà thùng ướp chượp truyền thống, sau đó mang về nhà máy chế biến với những công thức pha chế thêm các hóa chất thực phẩm.

Sản phẩm ‘nước chấm công nghiệp’ do được pha chế theo khẩu vị thị trường, số lượng đáp ứng nhanh chóng với thời gian ngay trong một ca sản xuất chứ không kéo dài tối thiểu 12 tháng như nước mắm ủ chượp truyền thống ở các làng nghề như Phú Quốc, Phan Thiết, Nam Ô, Cát Hải…

Một khi công nhận “nghề làm nước mắm nói chung” là di sản văn hóa phi vật thể, coi như phía Hiệp hội nước mắm Việt Nam vốn tiềm lực tài chính mạnh hơn rất nhiều, sẽ rộng đường cho quảng bá nhân danh đây là một sản phẩm cụ thể đến từ di sản văn hóa phi vật thể.

Còn nếu tin rằng ông Trần Đáng “dự tính nói” nhưng quên mất chuyện nhấn rõ “nghề làm sản xuất nước mắm thủ công” thì điều này xem ra ông đã vi phạm chuyện “ăn cây nào rào cây ấy”. Không thể xảy ra chuyện tiền bạc của Hiệp hội nước mắm Việt Nam đổ ra tổ chức tọa đàm, và hưởng lợi lại là Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam (!?).

Ông Trần Đáng được biết đến lúc còn giữ chức vụ Cục Trưởng Cục Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm Bộ Y Tế, đó là những doanh nghiệp thực phẩm chức năng muốn xin giấy phép lưu hành sản phẩm nào đó, cứ việc đến gặp ông để ‘thỏa thuận’, sau đó mọi chuyện sẽ… như ý.

Giới phóng viên y tế ở Sài Gòn đã kể rằng ông Trần Đáng đã ‘gặt bão’ từ việc tìm mọi cách để cổ súy thực phẩm chức năng, như xuất hiện tại nhiều hội thảo của doanh nghiệp chuyên về thực phẩm chức năng, viết sách/ biên soạn sách kêu gọi sử dụng thực phẩm chức năng…

Câu chuyện tóm lược vầy: ông Trần Đáng, sau khi hồi hưu đã được mời làm Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam. Trung tuần tháng 9-2013, ông có khiếu nại gửi một số tòa soạn, cho biết cháu nội ông là T.K.T, sinh năm 2011 có biểu hiện sốt, sút cân, bí đại tiện, lòng bàn tay ra mồ hôi, nổi ban đỏ ở lưng, ngực, đùi… sau khi sử dụng thực phẩm chức năng.

Ông Đáng cho biết đây là thực phẩm chức năng được quảng cáo bổ sung acid amin, hỗ trợ ăn uống, bổ sung dưỡng chất, tiêu chảy… liều dùng hai ống/ngày.

Sau khi được các bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương xác định cháu T. có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm chức năng, gia đình đã cho ngưng dùng sản phẩm từ 22-8. Đến nay sau 20 ngày ngưng dùng sản phẩm và hỗ trợ tiêu hóa, giải độc, chống dị ứng, cháu T. đã trở lại cân nặng như trước khi uống thực phẩm chức năng, hết dị ứng, hết đầy bụng.

Theo ông Đáng, sản phẩm mà cháu ông sử dụng có biểu hiện quảng cáo quá mức về tác dụng. Ông đã khiếu nại Bộ Y tế đề nghị xử phạt quảng cáo quá mức này…

 

Tham khảo

https://vietnamthoibao.org/vntb-vi-sao-de-nghi-nghe-lam-nuoc-mam-la-van-hoa-phi-vat-the/

https://vietnamthoibao.org/vntb-truyen-thong-thoi-nuoc-mam-ai-dung-sau-masan/

https://vietnamthoibao.org/vntb-khung-hoang-nuoc-mam-masan-la-mot-ke-pha-binh/


 

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)