VNTB – Kích động đình công vì ức chế?

VNTB – Kích động đình công vì ức chế?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Đình công theo trình tự quy định là điều mà đến nay vẫn là chuyện ‘bất khả thi’. Do đó đã đưa đến chuyện ‘kích động’ đình công…

 

Tin tức cho biết, ngày 25/2/2022 Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh và Công an thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triệu tập ông Nguyễn Anh Tuấn, sinh năm 1986, trú tại xã Thanh Lạc, huyện Nho Quan, là công nhân công ty giày Adora Việt Nam để “làm rõ hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin kích động bạo lực”.

Theo nhà chức trách, ngày 19/02/2022, ông Nguyễn Anh Tuấn đã sử dụng tài khoản facebook “Nguyên Đan” tham gia nhóm kín “Hội Công nhân Công Ty Giày Adora Việt Nam” đăng tải, chia sẻ 02 bài viết với nội dung (dẫn nguyên văn, bao gồm ngữ pháp): “Phương án của e là thứ 2 đi làm mỗi ng chuẩn bị mắm tôm và trứng. A có gì mang đi cái đó, xong đến giờ cn về ae tập trung thành 2 nhóm. tự chia ra một nửa ở công anto và một nửa ở công ado. khi hành động phải đứng hết tập trung cho bên ca họ cho không phát hiện. .hành động nhanh. số đông mình đứng cả thì đây đơn giản để làm được”.

Bài viết tiếp theo có nội dung: “Thứ 2 chúng ta vẫn đến và không ai vào nhé. Còn những ai vào thì chúng ta sẽ lên phương án tiếp theo là tất cả ở đến 6h chờ ng cty về mình sẽ có kế hoạch. số lượng ng đông mình sẽ chia ra làm hai nhóm. 1 nửa ở bên cổng anto và một nửa ở bên cổng adora. giờ không còn gì để mất nên mng đoàn kết đến cùng nhé”.

Nhà chức trách kết luận hành vi của ông Nguyễn Anh Tuấn đã vi phạm quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ về “Cung cấp, chia sẻ thông tin kích động bạo lực”. Cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt hành chính 7.500.000 đồng đối với ông Nguyễn Anh Tuấn về hành vi vi phạm trên.

Như vậy có thể thấy rằng giả dụ nếu ông Nguyễn Anh Tuấn chỉ kêu gọi đình công, không kèm theo chuyện “mắm tôm và trứng” thì liệu có bị cho là “kích động đình công” không có yếu tố “bạo lực”?

Câu trả lời ở đây là khả năng chuyện “mắm tôm và trứng” thuộc “tình tiết phụ họa”, bởi tiền lệ ở Việt Nam cho thấy cứ hễ vì bức xúc quyền lợi bị đe dọa để kêu gọi đình công mà không do tổ chức công đoàn ở chính doanh nghiệp này khởi xướng, đều có thể được quy kết là “vi phạm pháp luật”.

Phía nhà chức trách ở một số địa phương giải thích vấn đề trên với lập luận như sau:

“Trường hợp doanh nghiệp vi phạm hợp đồng lao động, công nhân có thể phản ánh, kiến nghị, khởi kiện. Hoặc đơn giản nếu thấy không thích, có nơi làm việc khác tốt hơn, thì công nhân có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Còn bất ngờ kêu gọi ngừng việc tập thể tự phát là lợi dụng điểm yếu của doanh nghiệp, dùng sức ép tập thể buộc doanh nghiệp phải thực hiện các yêu sách của công nhân. Doanh nghiệp bị đẩy vào thế khó và chịu thiệt hại vô cùng lớn”.

Nhà chức trách đã dùng từ “ngừng việc tập thể/ tranh chấp lao động” thay cho “đình công”.

Lập luận như trên từ phía nhà chức trách ở một số địa phương là khiên cưỡng.

Ghi nhận tại TP.HCM, tính đến cuối năm 2021, tổ chức Liên đoàn lao động của thành phố này quản lý 19.888 công đoàn cơ sở với hơn 1,3 triệu đoàn viên. Đồng thời, theo thống kê của Liên đoàn lao động TP.HCM, trong năm 2021, TP.HCM xảy ra 7 vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể trong những tháng đầu năm với 3.696 người lao động tham gia.

Nguyên do chủ yếu vì người sử dụng lao động chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về lao động như thanh toán tiền lương còn nợ không đúng thời gian quy định, không thực hiện đúng thỏa ước lao động tập thể về lương, thưởng.

Còn theo tổng hợp của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, trong 6 tuần đầu năm 2022, trên cả nước đã xảy ra 28 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể.

Nguyên nhân là do người lao động yêu cầu tăng lương cơ bản, tăng chế độ độc hại; bổ sung chế độ phụ cấp thâm niên, chế độ hỗ trợ cho người lao động mắc Covid-19; phản ánh việc trả lương tháng thứ 13 theo thời gian làm việc chưa công bằng. Bên cạnh đó, còn do thái độ của một số quản lý người nước ngoài không đúng mực với người lao động…

Như vậy, với những gì đang diễn ra cho thấy mặc dù dùng từ ngữ hàm ý giảm nhẹ như kiểu “ngừng việc tập thể/ tranh chấp lao động” cho thấy vẫn không làm thay đổi nội dung của sự việc lúc xảy ra. Qua đó đặt ra là tại sao phía quản lý nhà nước không có những điều chỉnh phù hợp với các quy định liên quan đình công, về bảo vệ quyền của công nhân lẫn quyền của chủ doanh nghiệp một cách sòng phẳng, thay cho chuyện đe dọa hình sự hóa kiểu dùng lực lượng “An ninh chính trị nội bộ” trong vấn đề công đoàn?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)