Việt Nam Thời Báo

VNTB – Kiều hối tăng nói lên điều gì?

Hàn Lam

(VNTB) – “ Nhờ kiều hối, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh đặc biệt đối với khu vực nông thôn.”

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết hậu Covid-19, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam đều gặp nhiều khó khăn, các ngành nghề sụt giảm doanh thu nghiêm trọng. Nhằm thúc đẩy hồi phục kinh tế, một số nước bắt đầu tháo gỡ việc thắt chặt xuất nhập cảnh, giúp lượng người Việt xuất khẩu lao động tăng lên, là một trong các lý do khiến kiều hối năm nay tăng so với năm ngoái.

Phó chủ tịch TP.HCM Võ Văn Hoan nói năm 2023, thành phố thu hút gần 9 tỷ USD kiều hối, tăng 35% so với năm ngoái và gần gấp ba vốn FDI.

Theo định nghĩa trong ngành tài chính ngân hàng thì kiều hối là ngoại tệ được người đang cư trú ở nước ngoài gửi về cho người thân hoặc bạn bè trong nước. Chỉ có một vài loại tài sản được chấp nhận là kiều hối, bao gồm ngoại tệ, giấy tờ có giá theo đơn vị tiền nước ngoài, vàng đạt tiêu chuẩn quốc tế,…

Khoản kiều hối được gửi về cho thân nhân, thông qua các dịch vụ chuyển đổi sang tiền Việt sẽ gián tiếp giúp Nhà nước tăng nguồn dự trữ ngoại hối, từ đó làm ổn định và nâng cao nguồn cung ngoại tệ. Điều này giúp cán cân thương mại và cán cân thanh toán được cân bằng, giảm phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài và hạn chế sức ép của tỷ giá ngoại tệ (đặc biệt là đồng đô la Mỹ).

Ngoài ra nhờ vào kiều hối mà nhiều người dân cải thiện được thu nhập, nâng cao mức sống và giảm bớt tình trạng đói nghèo,… Hơn nữa, kiều hối còn là nguồn vốn cho các hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh, chứng khoán,.. trong dân chúng.

Pháp luật Việt Nam khuyến khích việc gửi kiều hối nên phía người nhận kiều hối sẽ được hưởng những quyền lợi sau: Không có giới hạn số lượng kiều hối gửi về mỗi năm; Không phải đóng thuế thu nhập đối với khoản kiều hối được nhận; Được phép bán hoặc gửi tiết kiệm bằng đồng ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng; Có thể chuyển khoản kiều hối vào tài khoản tiền gửi cá nhân theo quy định của pháp luật; Nếu có nhu cầu có thể đổi đồng ngoại tệ sang đồng Việt Nam.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kiều hối của tư nhân gửi về nước gồm 3 khoản mục: (i) Chuyển tiền tư nhân; (ii) Thu nhập của người lao động; (iii) Chuyển giao vốn. Tại một số nước đang phát triển, số tiền thu được từ kiều hối có thể cao thứ hai trong các nguồn thu nhập, cao hơn cả viện trợ quốc tế.

Có ý kiến lạc quan cho rằng trước đây kiều hối gửi về để giúp đỡ thân nhân, thì nay kiều hồi đã chuyển sang góp vốn kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho đất nước trong giai đoạn khó khăn và vực dậy sản xuất trong nước.

Luồng quan điểm khác thì đưa ra nhận xét là đại bộ phận kiều hối có thể chỉ rơi vào lĩnh vực sinh hoạt, như ăn học, thuốc men… và đặc biệt là trả nợ tiêu dùng ngân hàng. Tình hình bán lẻ cũng như sản xuất gần đây cho thấy lượng kiều hối này chưa thực sự phát huy được hiệu quả.

Theo ý kiến từ các nhà quan sát độc lập thì tác động của kiều hối đối với các hộ gia đình ở Việt Nam có bền vững hay không lại tuỳ thuộc vào cách các hộ sử dụng tiền kiều hối nhận được.

Trong một khảo cứu của hai tác giả Trần Huy Tùng – Phạm Mạnh Hùng, công bố hồi tháng 10-2023, thì: “Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh nhờ kiều hối, đặc biệt đối với khu vực nông thôn. Điều này thể hiện kiều hối đã giúp các hộ gia đình nhận được gia tăng một cách tổng thể về mức sống và điều kiện tiếp cận với các dịch vụ trong cuộc sống.

Thứ hai, có sự khác biệt giữa hộ nhận kiều hối và hộ không nhận kiều hối ở hành vi chi tiêu cho y tế. Cụ thể, hộ nhận kiều hối chi tiêu cho y tế nhiều hơn hộ kiểm soát bình quân 1.691.294 đồng.

Đặc biệt, riêng về chi tiêu cho khoản y tế dự phòng như mua bảo hiểm y tế, các dụng cụ phục vụ kiểm tra sức khỏe tại nhà, hộ có kiều hối cũng cao hơn so với hộ kiểm soát 144.242 đồng. Điều này cho thấy, nhờ sự hỗ trợ của kiều hối, hộ gia đình có điều kiện chi tiêu cho dịch vụ y tế tốt hơn. Bên cạnh đó, chi tiêu cho y tế dự phòng cũng thể hiện sự thay đổi về nhận thức của hộ nhận kiều hối trong việc đề phòng cho sức khỏe” (*).

Một mặt trái khác về kiều hối ít được chính quyền Việt Nam nhắc đến, đó là vấn nạn buôn người mà vụ 39 lao động Việt Nam đã chết trong container tại Anh hồi tháng 10-2019 là một đơn cử.

________________

Tham khảo

https://thitruongtaichinhtiente.vn/danh-gia-anh-huong-cua-kieu-hoi-den-chi-tieu-ho-gia-dinh-tai-viet-nam-va-mot-so-goi-y-doi-voi-giao-duc-tai-chinh-51717.html


Tin bài liên quan:

VNTB – Quyết Định Số 1334/QĐ-TTg và người Việt hải ngoại – Phần 3

Do Van Tien

VNTB – Cấp dưới không phục tùng cấp trên: liệu có dễ bị bãi chức?

Phan Thanh Hung

VNTB – Công trạng gì cái gã ấy…

Phan Thanh Hung

1 comment

Người quảng 23.12.2023 10:18 at 10:18

Nếu bà con gửi bitcoin về Việt Nam thì trong vòng 10 năm Việt Nam sẽ giầu nhất Đông Nam A

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo