Anh Kiệt
(VNTB) – Chị Dậu hiện đại là những người phụ nữ nghèo thuộc các sắc tộc thiểu số
Có lẽ vợ chồng chị Thạch Thị Kim Nhung không chủ động bán con nhưng cháu bé là nạn nhân của một vụ buôn người, thông qua tên Dương. Buôn bán trẻ em, đáng tiếc, là một hiện tượng phổ biến tại Việt Nam. Theo Báo Tuổi Trẻ, “5,6% trẻ em Việt Nam có dấu hiệu là nạn nhân của buôn người”. Điều đó có nghĩa là 1 trong 10 đứa bé ở một làng quê nghèo như ở Trà Vinh, Điện Biên, hay Tây Nguyên có thể trở thành nạn nhân của buôn người. Vậy ai sẽ là những chị Dậu kế tiếp?
Chị Dậu và chị Nhung, dù sống dưới hai chế độ khác nhau và cách nhau gần 100 năm nhưng hai chị có hai điểm chung: ít học và nghèo. Chị Nhung nghèo nên cách nay “một, hai năm” nhà cầm quyền địa phương có xuống xem xét và hứa sẽ hỗ trợ. Về trình độ học vấn, chị làm mướn, anh làm phụ hồ. Tuy vậy, giữa hai chị có thể có một khác biệt quan trọng: dân tộc. Chị Dậu là người Kinh, chị Nhung là người Khơ-me.
Nhiều trong số những chị Kim Nhung kế tiếp sẽ là người dân tộc thiểu số và điều này sẽ có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai quốc gia.
Thật vậy, ai đã từng đến vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, hay những nơi có nhiều người Khơ-me sinh sống ở Miền Tây như Trà Vinh, quê của chị Kim Nhung thì có thể thấy rõ cái nghèo của những người dân thuộc các sắc tộc thiểu số. Theo Oxfam, một tổ chức từ thiện quốc tế, chênh lệch thu nhập đầu người giữa những cá nhân thuộc sắc tộc Kinh và Hoa và những cá nhân thuộc các sắc tộc thiểu số vào năm 2014 là 2,3 lần (2). Điều đó có nghĩa là nếu thu nhập trung bình của một người Kinh là 8 triệu/tháng, thì thu nhập trung bình của một người thuộc sắc tộc thiểu số là khoảng 3,5 triệu. Đấy là nói trung bình. Nếu tính cả chênh lệch thu nhập giữa người thuộc giới thượng lưu, trung lưu người Kinh/Hoa và những người nghèo thuộc các sắc tộc thiểu số thì không biết bao nhiêu mà kể.
Không chỉ chênh lệch giàu nghèo cao mà mức độ chênh lệch ngày càng tăng, cũng theo Oxfam, chênh lệch thu nhập đầu người giữa hai nhóm sắc tộc kể trên tăng 14%, từ 2,1 lần lên 2,4 lần, trong vòng 10 năm, từ năm 2004 đến 2014.
Bức tranh về trình độ giáo dục cũng tối tăm không kém. Tôi từng làm ở một hãng có thuê nhiều công nhân người Khơ-me quê miền Tây. Nhiều người trong số họ không biết chữ. Thậm chí có người còn nói tiếng Việt với giọng lơ lớ. Theo luận án tiến sĩ của Quang Thanh Trieu tại Đại học Pennsylvania (3), tỷ lệ trẻ em đi học trong độ tuổi 15 đến 18 giữa sắc tộc Kinh/Hoa và nhóm thiểu số lần lượt là 48% và 76% vào năm 2014.
Tỷ lệ tốt nghiệp trung học của các em thuộc các sắc tộc thiểu số còn tệ hơn, 38% so với 72,5% vào năm 2014, cũng theo luận án tiến sĩ kể trên.
Hơn nữa, điều làm cho nhiều người quan tâm là những khoảng cách này ngày càng tăng. Vào năm 1992, tỷ lệ đi học của các em 15 đến 18 tuổi của hai nhóm Kinh và thiểu số lần lượt là 14,7 và 24,3%. Đến năm 2014, các tỷ lệ này lần lượt là 48 và 76%. Như vậy, khoảng cách đã tăng từ 9% lên 28%.
Qua những thông tin kể trên về thu nhập và trình độ học vấn, có thể thấy rằng khoảng cách giàu nghèo và trình độ của người dân tộc thiểu số và người Kinh ngày càng tăng và điều này đưa đến nhiều câu hỏi.
Thứ nhất, nếu những đày tớ của nhân dân ở biệt phủ, đi xe hơi, mặc đồ vét, thắt ca-vat xem những người dân thuộc các sắc tộc thiểu số này là những ông bà chủ, là đối tượng phục vụ của mình thì những kẻ làm công có xứng đáng được tuyên dương không?
Thứ hai, phải chăng điều này là nguyên nhân chính dẫn đến những căng thẳng sắc tộc, như vụ việc ở Tây nguyên cách đây vài tháng không? Nếu đúng như vậy thì những kẻ cầm quyền phải chịu trách nhiệm gì trong việc giữ an ninh chính trị?
_______________
Tham khảo:
1. 5,6% trẻ em Việt Nam có dấu hiệu là nạn nhân buôn người – Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)
2. Even it Up: How to tackle inequality in Vietnam (oxfam.org)
3. https://etda.libraries.psu.edu/files/final_submissions/16570
1 comment
Vùng lên, hỡi giới vô sản ở Việt Nam