Việt Nam Thời Báo

VNTB – Kinh Tế Dễ Hiểu: Nhà nước và Ngân Hàng Trung Ương ( chương 4)

Đoàn Hưng Quốc

Kinh tế dễ hiểu

Chương 2 phân biệt giữa bàn tay hữu hình của nhà nước và bàn tay Midas của Ngân Hàng Trung Ương (NHTƯ). Tưởng cũng nên tìm hiểu thêm sự khác biệt giữa hai cơ quan chính quyền này ở Mỹ.

Nếu so sánh với nuôi con thì có 2 việc là cho ăn và dạy dỗ. Ăn uống phải đầy đủ và điều độ (không mặn, ngọt, béo v.v…) để cơ thể khỏe mạnh. Giáo dục không gò bó thì trẻ hoặc hư hay cương cường tự lập, trái lại rầy la đánh đập hay nuông chiều thì trẻ sinh ra nhút nhát, kém tự tin hoặc ỷ lại.

NHTƯ ví với bàn tay Midas nuôi dưỡng thức ăn (tiền) cho nền kinh tế, trong khi bàn tay hữu hình (hay thô bạo) của nhà nước (gồm Hành Pháp và Quốc Hội ở Mỹ) có quyền hạn thả lỏng hay siết chặt thị trường.  

Phái thị trường tự do (từ Reagan 1981 đến Trump 2020) quan niệm rằng:

  • Bàn tay Midas của NHTƯ điều chỉnh lượng tiền và lãi suất trong nền kinh tế như nuôi cơ thể ăn uống điều độ;
  • Bàn tay thô bạo của nhà nước phải để thị trường phát triển tự do (trẻ tự lập) mà đừng can thiệp bẻ cong thị trường;
  • Trong khủng hoảng thì vai trò chính là của NHTƯ điều chỉnh lượng tiền cho đúng mức thì kinh tế sẽ phục hồi, cũng giống như cơ thể ăn uống điều độ sẽ mạnh khỏe trở lại;
  • Khủng hoảng kinh tế dẫn đến xáo trộn xã hội. Do nhà nước chịu áp lực bởi tâm lý bất mãn nhất thời trong quần chúng nên các quyết định chính trị nhất thời của nhà nước nhằm thoả mãn một thành phần cử tri sẽ tác hại lâu dài đến sinh hoạt của thị trường tự do.
  • Cho nên NHTƯ phải độc lập khỏi nhà nước để có những quyết định chuyên môn với mục đích duy nhất là hỗ trợ cho nền kinh tế mà không bị tác động bởi chính trị.

Phái nhà nước chủ động (Biden) cho rằng thị trường đã được thả lỏng trong 40 năm đâm ra hư hỏng, nên nay phối hợp:

  • bàn tay hữu hình của nhà nước uốn nắn (hay bẻ cong – distort) thị trường để trừng trị thói hư tật xấu; 
  • bàn tay Midas của NHTƯ tiếp tục điều chỉnh lượng tiền và lãi suất như cũ;
  • thị trường tự do trong 40 năm chẳng những không giải quyết mà còn làm trầm trọng thêm bất bình đẳng và hố sâu giàu nghèo trong xã hội;
  • Hoa Kỳ mất dần ưu thế so với Trung Quốc do các công ty tư nhân tham lợi, cho nên phải đặt lại vai trò của nhà nước Mỹ đối đầu với nhà nước Trung Quốc về mậu dịch (trade) hay chính sách công nghiệp quốc gia (national industrial policy);
  • Hệ thống hạ tầng của Mỹ được xây từ thập niên 1930 nay đã hư hỏng nên cần đầu tư ồ ạt để sửa chữa và canh tân theo đà tiến của thế kỷ thứ 21
  • Nước Mỹ và thế giới đang đối đầu với những nan đề của thế kỷ như đại dịch Vũ Hán và biến đổi khí hậu mà chỉ có nhà nước mới có thể huy động nhân vật lực toàn quốc để phối hợp với thế giới đối phó.
  • Đã đến lúc nhà nước táo bạo (bold) chủ động nền kinh tế với sự hổ trợ của NHTƯ.
  • (Nhà nước một khi hứa hẹn đủ điều nên coi chừng sau đó bị móc túi – chú phỉnh tôi rồi chính phủ ơi!)

Nếu thị trường là cô đào thì từ thời Reagan đến Trump NHTƯ là kép 1 còn nhà nước là kép 2. Đến Biden đổi vai trò nhà nước thành kép 1 trong khi NHTƯ là kép 2.

Nhà nước ở đây bao gồm Hành Pháp và Lập Pháp tức là chính quyền dân cử nên các quyết định chính trị thường là bị áp lực của cử tri. 

NHTƯ gồm những chuyên viên kinh tế do Tổng Thống đề cử và Quốc Hội chấp thuận (tức là không do dân chúng chọn lựa) để có các quyết định đơn thuần về kinh tế.

Quyền lực nhà nước rất lớn. Bàn tay của nhà nước gọi là hữu hình (hay thô bạo) vì các chính sách về giám thị (regulations), thuế má (tax policy) và ngân sách (fiscal policy) đều có thể hổ trợ hay bóp nghẽn thị trường tự do.   

Vai trò của NHTƯ giới hạn trong kiểm soát các ngân hàng tư nhân, lãi suất ngắn hạn và lượng tiền lưu hành. Được ví với bàn tay Midas (vua Midas sờ vật gì cũng thành vàng) do NHTƯ bấm chuột ra tiền để bơm vào hay hút ra khỏi thị trường. Tiền quan trọng trong tư bản cũng như thức ăn nuôi cơ thể:

  • ăn uống điều độ giúp cơ thể khỏe mạnh; 
  • thiếu ăn (tiền lưu hành ít) thành suy nhược (kinh tế suy trầm); 
  • ăn nhiều (tiền lưu hành nhiều) sanh béo phì (lạm phát);
  • áp huyết phải vừa đúng (gọi là lãi suất tự nhiên hay natural interest rate) còn nếu máu cao hay thất phải uống thuốc;
  • ngẽn tim hay đứt mạch máu (ngân hàng kẹt vốn) phải cứu cấp.

NHTƯ tuy quyền lực không bao trùm như nhà nước nhưng chỉ riêng hai việc bơm hay rút tiền cũng đủ để nền kinh tế tăng trưởng mạnh hay yếu. Bàn tay của NHTƯ chỉ đẻ ra tiền nhưng bẻ quẹo thị trường tương tự như vua Midas sờ ra vàng mà thành ra đói khi thức ăn cũng thành vàng.

Tiền bơm vào kinh tế khiến phân lời thấp (cheap money), doanh nghiệp dễ vay mượn (easy money) và mướn người nên thúc đẩy tăng trưởng.

Nhưng lượng tiền lưu hành nhiều quá thành ra mất giá (lạm phát.) 

Dễ vay mượn thì kinh tế tăng trưởng nóng (bong bóng.)

Muốn hạ nhiệt phải rút bớt lượng tiền lưu hành khiến lãi suất tăng. 

Kinh tế nguội với tình trạng kéo dài của doanh nghiệp không đầu tư, tư nhân không tiêu xài.

Thị trường chứng khoán nhắm vào chính sách tiền tệ của NHTƯ mà lên hay xuống: kinh tế lên thì sàn chứng khoán tăng; kinh tế xuống thì sàn chứng khoán hạ.

Thị trường địa ốc cũng nhắm theo chính sách tiền tệ của NHTƯ mà tăng hay giảm: tiền lời thấp giá nhà lên vì nhiều người mua; tiền lời cao giá nhà xuống do bớt người mua.

Nước chảy vào lỗ trũng còn tiền chạy đến chỗ nào sinh lời. Tiền ở Mỹ do NHTƯ bơm ra không thúc đẩy sản xuất (do hãng xưởng di dời sang Đông Á để khai thác nhân lực rẻ) mà chạy sang ngành dịch vụ (service sector như du lịch, thời trang, nhà hàng…) phần còn lại bơm giá địa ốc và cổ phiếu (tiền rẻ dễ mua nhà; tiền dư mua chứng khoán.)  Do lương bổng trong sản xuất cao hơn dịch vụ nên kết quả là thu nhập của giới lao động thợ thuyền không tăng. Trong khi đó tài sản của những người mua nhà và chứng khoán lại nhảy vọt. Kết quả là hố sâu giàu nghèo tăng không dựa vào giá trị lao động (labor value) hay giá trị tiện ích tăng giảm (marginal utility value) mà do của cải (tiền đẻ ra tiền cho nên nhà giàu càng giàu thêm.)

Rõ ràng là bàn tay Midas của NHTƯ cho dù không thô bạo nhưng vẫn bẻ cong (distort) thị trường “tự do”: giá cả không do thị trường quyết định mà tùy thuộc vào chính sách của NHTƯ. Nhiều người thắc mắc 12 ông bà bỏ phiếu trong ban lãnh đạo của NHTƯ không do dân bầu mà sao uy quyền dữ vậy? 

***

NHTƯ ra đời ở Mỹ vào cuối thế kỷ 19 nhằm giám sát các ngân hàng tư nhân. Giả dụ: 

  • Ngân hàng A cho vay cẩu thả nên thua lỗ;
  • Tin đồn khiến dân chúng hốt hoảng kéo nhau rút tiền không những từ ngân hàng A (yếu) mà cả các ngân hàng B và C (mạnh);
  • Ngân hàng A (yếu) bị phá sản mà các ngân hàng B, C (mạnh) cũng hụt vốn. Thí dụ cho dễ hiểu hàng ngày có khoảng 10% dân chúng rút tiền nên các ngân hàng chỉ dự trữ 20% tiền mặt. Gặp lúc hoảng loạn 30% dân chúng xếp hàng rút tiền nên các ngân hàng sẽ thiếu tiền mặt. 
  • Ngân hàng B, C cạn tiền mặt nên thủ vốn không cho doanh nghiệp D, E, F, G vay mượn. 
  • Doanh nghiệp D, E (yếu) bị phá sản; doanh nghiệp F, G (mạnh) cũng cắt bớt nhân viên sinh ra nạn thất nghiệp. 
  • Ngân hàng B, C (mạnh) còn tăng vốn bằng cách bán bớt tài sản ngân hàng. Giá trị tài sản xấu lúc này đã lủng đáy nên ngân hàng B, C (mạnh) bắt buộc phải bán các tài sản tốt. 
  • Giá cả tài sản tốt trên thị trường không liên quan gì đến ngân hàng A (yếu) nhưng chịu ảnh hưởng dây chuyền phải phá giá.

Khủng hoảng tài chánh (financial crisis) tai hại do lây lan nhanh như dịch cúm Tàu (ngược lại các loại khủng hoảng như bong bóng trứng cút, đuôi cắc kè, bong bóng điện toán (hi-tech bubble) chỉ giới hạn trong một khu vực nên giống như bệnh ung thư tuy nan y mà lại không lây.)    

Trở lại với thí dụ ở phần trên thì NHTƯ phải siết chặc giám sát (regulations) để các ngân hàng tư không cho vay cẩu thả; đồng thời bắt buộc các ngân hàng tư phải tăng quỹ dự trữ lên 40% để đề phòng trường hợp 30% dân chúng cuốn cuồn rút tiền. Các ngân hàng tư như vậy chỉ còn lại 60% lượng tiền cho vay ra thị trường – tức là tiền bị hút ra khỏi thị trường khi các ngân hàng tư tăng dự trữ . 

Ngược lại khi kinh tế cần tăng trưởng NHTƯ bơm thêm tiền vào thị trường bằng cách cho phép ngân hàng tư giảm dự trữ. 

***

Cách thứ hai để NHTƯ bơm tiền là in thêm tiền mới (nhà máy in bạc thuộc Bộ Tài Chánh). NHTƯ dùng tiền mới để mua vào các tài sản của ngân hàng tư. Tài sản của ngân hàng tư gồm các trái phiếu cho nhà nước và tư nhân vay mượn. Ngân hàng tư bán một số các trái phiếu này cho NHTƯ để NHTƯ cung cấp tiền mặt. Ngân hàng tư có thể dùng số tiền này để tăng quỹ dự trữ hay tăng vốn cho vay tiền lưu hành trong thị trường (money expansion.)

Ngược lại NHTƯ hút tiền ra khỏi thị trường bằng cách bán ra (hoàn trả) số trái phiếu nói trên cho các ngân hàng tư mua trở lại. Các ngân hàng tư phải rút tiền về để mua lại số tài sản thế chấp – tức là lượng tiền lưu hành giảm.

Bàn tay Midas của NHTƯ quả là bấm chuột ra tiền!

***

Midas là vua nhưng ở Mỹ nhà nước mới là hoàng đế. Pháp thuật đẻ ra tiền của NHTƯ mà rơi vào tay nhà nước vô cùng nguy hiểm bởi vì trước mỗi lần bầu cử là Tổng Thống và Quốc Hội sẽ ép NHTƯ in thêm tiền cho kinh tế tăng trưởng để dụ dỗ dân chúng bỏ phiếu cho phe mình còn hậu hoạn như lạm phát thì sẽ tính sau. 

Cho nên trên nguyên tắc NHTƯ độc lập đối với nhà nước. Các quyết định của NHTƯ đơn thuần về kinh tế như chống lạm phát, chống suy thoái, tạo công ăn việc làm mà không thể bị áp lực chính trị của đảng Cộng Hòa hay là Dân Chủ.

***

Trong lần Đại Khủng Hoảng Tài Chánh năm 2007-08 các ngân hàng lớn ở Mỹ cho vay cẩu thả nên khi thị trường địa ốc sụp đổ đâm ra hụt vốn. Vì là các ngân hàng lớn kẹt tiền nên nền kinh tế Mỹ như bị nghẽn tim. NHTƯ phải bơm tiền ào ạt như bơm thuốc phiện giúp người sắp chết qua khỏi cơn đau. Bệnh nhân được cứu sống nhưng đâm ra…ghiền thuốc phiện, tức là khi NHTƯ tăng lãi suất hay rút tiền (phòng lạm phạt) thì thị trường dẫy nãy sùi bọt mép (báo chí Mỹ gọi là temper tantrum tức là con nít không được cho ăn kẹo nên làm dỗi) khiến NHTƯ hoảng hốt nuông chiều phải tiếp tục với chính sách tiền tệ dễ dãi (easy money policy.) Cho nên NHTƯ nuông chiều mà thị trường sinh ra ỷ lại. Nền kinh tế Mỹ (và của thế giới) nằm trên núi bạc…giấy do NHTƯ in ra không ai biết sẽ kéo dài đến bao giờ.

***

Cũng từ Đại Khủng Hoảng 2007-08 NHTƯ mua ồ ạt tài sản gồm các trái phiếu công và tư của các ngân hàng tư nhằm gây vốn cho ngân hàng tư. NHTƯ khi mua lại nợ công tức là NHTƯ cho nhà nước mượn tiền và như vậy đã soi mòn tính độc lập giữa NHTƯ và nhà nước, bởi vì nhà nước biết in nợ được bảo đảm có người mượn! NHTƯ khi mua lại nợ tư tức là NHTƯ can thiệp vào thị trường giúp cho nhiều công ty yếu đứng vững trong giai đoạn khủng hoảng.

Cho nên NHTƯ trong thực tế không độc lập mà còn góp sức cho nhà nước bẻ cong thị trường! Nhưng đó là câu chuyện về sau (bắt chước 1001 đêm!)

TÓM TẮT

  • Hai nhiệm vụ  (mandates) của NHTƯ là dùng chính sách tiền tệ (monetary policy) để ổn định giá cả (chống lạm phát) và tạo công ăn việc làm
  • Nhà nước ban hành các quy định giám sát (regulations), thuế má (tax policy) và ngân sách (fiscal policy)
  • NHTƯ cần phải độc lập để không bị nhà nước thúc in tiền cho các mục tiêu chính trị  

Tin bài liên quan:

VNTB – Tìm hiểu kinh tế Trung Quốc – Chương 1: Mô hình kinh tế qua các mốc thời gian

Do Van Tien

VNTB- Kinh Tế Dễ Hiểu: Mô Hình Kinh Tế Trung Quốc (Nợ và Khủng Hoảng – Chương 19)

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam có mấy ai xài thẻ Mir của Nga để mà dừng?

Phan Thanh Hung

1 comment

Nguyễn V. Chữ 23.04.2024 9:36 at 09:36

Thưa ông Hưng,
Nếu tôi không lầm thì FED chỉ được phép mua trái phiếu nhà nước trong thị trường thứ cấp nên không thể kết luận là FED cho chính phủ vậy? Ông nghĩ  sao?
Trân kính.

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo