Hiền Vương
(VNTB) – Kinh tế Việt Nam 2019 nhìn qua sắc mặt của người nông dân, vẫn là câu chuyện cũ kỹ: Điệp khúc “được mùa – mất giá”, lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc của nông sản Việt cứ lặp đi lặp lại suốt nhiều năm qua.
Chỉ số lạm phát khoảng 2,79%, thấp hơn nhiều so với tăng trưởng, giúp cho tăng trưởng càng thêm có ý nghĩa. Với chỉ số này, lạm phát năm 2019 thấp nhất trong 3 năm gần đây, năm 2018 là 3,54% và năm 2017 là 3,53%, nằm dưới cả mức dự báo của chính phủ từ đầu năm là CPI tăng từ 3,3- 3,9%.
Đó là những con số thống kê đăng tải trên hầu hết các trang báo ở Việt Nam trong dịp tổng kết năm 2019. Thế nhưng nếu nhìn tình hình kinh tế qua sắc mặt của người dân lao động, không khó để nhận ra là những phát biểu vĩ mô của các quan chức, viên chức chính phủ thường có độ vênh so với mâm cơm của giới bình dân.
Nói lạm phát dưới 3%, nhưng thực tế là dĩa cơm bình dân của công nhân từ 20 ngàn vào đầu năm 2019, thì đến đầu tháng 12 đã lên tới 25-30 ngàn, vì miếng thịt thì teo tóp hơn so hồi hơn chục tháng trước đó. Các hàng quán cuối năm đều điều chỉnh giá tăng từ 15% – 25% so với đầu năm. Không thể không tăng cao trong ngành hàng ăn uống, vì thịt heo ở quý cuối năm 2019 đã tăng gấp đôi so với mức đầu năm, các hoá đơn tiền điện tăng 30 – 50% từ ngày 20/3/2019, có tới 1.900 dịch vụ y tế đồng loạt tăng giá từ 20/8/2019.
Chi li hơn, theo con số tính toán của người nội trợ tại Hà Nội thì thời điểm giữa năm 2019, giá rau xanh, củ, quả tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn thủ đô tăng giá mạnh, có loại tăng gấp đôi. Rau muống được bán phổ biến là 10.000 đồng/mớ so với mức 6.000 đồng/mớ trước đây; mướp và đỗ đũa cùng có giá 25.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng; giá bắp cải tăng từ 12.000 đồng lên 20.000 đồng/kg; khoai tây 13.000 đồng, tăng 5.000 đồng; cà tím 18.000 đồng/kg, tăng 8.000 đồng; cà rốt 15.000 đồng/kg; giá cà chua tăng gần gấp đôi lên 20.000 đồng/kg. Đặc biệt, giá rau sống tăng từ 15.000 đồng lên 35.000 đồng/kg…
Không rõ những con số tăng giá cả này ngay tại Hà Nội có được những quan chức, viên chức trong chính phủ nhớ đến khi họ nghe đọc báo cáo thống kê năm 2019 về chỉ số lạm phát.
Kinh tế Việt Nam 2019 nhìn qua sắc mặt của người nông dân, vẫn là câu chuyện cũ kỹ: Điệp khúc “được mùa – mất giá”, lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc của nông sản Việt cứ lặp đi lặp lại suốt nhiều năm qua.
Thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc cơ bản do Việt Nam hầu như không chịu thay đổi trong nhiều năm qua, sản xuất luôn phụ thuộc vào nhập khẩu làm đầu vào; đầu vào là sản phẩm của Việt Nam cơ bản là điện, nước, bao bì và các chi phí dịch vụ mà thôi. Đến thời điểm hiện tại, ý niệm “thoát Trung” về mặt kinh tế dường như là không mấy hiện thực.
Kinh tế Việt Nam 2019 nếu nhìn qua sắc mặt của giới tài chính, thì nhìn chung vẫn gam màu ảm đạm của ‘mây đen phủ’ hơn là ‘mặt trời vẫn đang tỏa sáng’ như ví von của người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam hôm 30/12/2019. Con số thống kê từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, quy mô giao dịch trên thị trường cổ phiếu năm 2019 chỉ đạt trung bình 4.639 tỷ đồng/phiên, giảm 29%.
Một con số đáng quan tâm khác là việc tổng số vốn huy động qua phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán năm 2019 cũng giảm khá mạnh, giảm 41% so với năm 2018. Nói một cách khác, niềm tin với nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với chuyện bỏ vốn vào làm ăn ở Việt Nam vẫn còn là chuyện của ‘trời mây vần vũ’…