Việt Nam Thời Báo

VNTB – Luật Quảng cáo để làm gì?

Hiền Lương

 

(VNTB) – Vì sao ở Việt Nam có đầy đủ các luật để điều chỉnh về hành vi quảng cáo, song tất cả lại bỏ ngỏ?

 

Báo chí Việt Nam đang có tuyến bài viết ghi nhận việc một số nghệ sĩ đã quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật và đặt dấu hỏi kiểu, “Nghệ sĩ quảng cáo nhãn hàng có chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm?”

Tuyến bài đăng trên báo Thanh Niên, có đoạn viết:

“Nghệ sĩ quảng cáo bát nháo trên mạng xã hội được xem là một vấn nạn. Người tiếp tay cho quảng cáo không đúng sự thật, quá với nội dung được cấp phép phải bị xử lý.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, cho rằng thực trạng các nhãn hàng sử dụng người có uy tín, tầm ảnh hưởng để quảng cáo cho một số loại thuốc, thực phẩm chức năng… đang ở mức đáng báo động tại Việt Nam”.

“Tình trạng nghệ sĩ nói quá lố, “thổi phồng” công dụng của sản phẩm so với nội dung cho phép quảng cáo là đang vi phạm các quy định trong lĩnh vực quảng cáo. Đồng thời, pháp luật Việt Nam cũng cấm quảng cáo làm người dân hiểu lầm sản phẩm này có tác dụng hơn thuốc. Có trường hợp nghệ sĩ và nhãn hàng tự thỏa thuận kịch bản quảng cáo đăng tải trên mạng xã hội Zalo, Facebook…”, bà Phạm Khánh Phong Lan – bà còn là đại biểu Quốc hội đương nhiệm, nói.

Như vậy, nếu nhìn từ Luật Quảng cáo thì xử lý cái gọi là ‘vấn nạn’ ở trên rất đơn giản vì đó là thẩm quyền của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ghi tại Điều 5.3, Luật Quảng cáo.

Công bằng mà nói, theo luật, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm quản lý chung về nội dung quảng cáo, và việc xét duyệt đối với từng nội dung quảng cáo cụ thể về một số sản phẩm hàng hoá thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành – ví dụ: thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm … do Bộ Y tế quản lý; chất lượng sản phẩm hàng hoá do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý; lực lượng quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về vấn đề hàng giả, hàng nhái,…

Bên cạnh việc bị xử phạt hành chính, hành vi quảng cáo sai sự thật còn có thể bị xử lý hình sự đối với cá nhân tái phạm. Theo quy định tại Điều 197, Bộ luật Hình sự 2015, thì, “Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

“Bộ luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm” – trích Điều 1, Bộ luật Hình sự 2015.

Đơn giản hơn, khi nghệ sĩ nói quá lố, “thổi phồng” công dụng của sản phẩm theo kịch bản mà bên sản xuất/ buôn bán thuê nghệ sĩ để quảng cáo, thì đã vi phạm điều cấm “Quảng cáo sai sự thật về một trong các nội dung số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng hóa, chủng loại, bao bì, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của hàng hoá, dịch vụ” ghi tại khoản 7, Điều 109 của Luật Thương mại, hiệu lực từ 01/01/2006.

“Tôi nghĩ rằng thay vì trách cứ nghệ sĩ, cần thiết hơn khi báo chí đi tìm câu trả lời đến tận cùng trách nhiệm, rằng vì sao ở Việt Nam có đầy đủ các luật để điều chỉnh về hành vi này, song tất cả lại bỏ ngỏ?” – một luật sư ý kiến.


Tin bài liên quan:

VNTB – Cần khởi tố hình sự đối với nhà sư Thích Trúc Thái Minh

Phan Thanh Hung

VNTB – Chúc Tết đày tớ

Phan Thanh Hung

VNTB – Nhà ở giá rẻ: nhưng thế nào là rẻ?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.