VNTB – Giá thép tăng cao có nguyên do từ sự sai lầm của ‘định hướng’?

VNTB – Giá thép tăng cao có nguyên do từ sự sai lầm của ‘định hướng’?

Võ Hàn Lam

(VNTB) – Giá thép thời gian qua bất ngờ tăng 40 – 50% được Bộ Xây dựng lý giải, do mất cân đối về cung cầu, nguồn cung thép xây dựng khan hiếm.

 

Hệ lụy của… Liên Xô tan vỡ?

Trong kịch bản điều hành giá đã tính đến các diễn biến tăng giá vật liệu xây dựng, trong đó có thép. Theo Bộ Tài chính, nếu giả định chỉ số giá tiêu dùng (CPI) các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau thì CPI mỗi tháng còn có dư địa tăng 0,66%, vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%.

“Tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới như giá nhiên liệu, phôi thép, thép phế liệu thế giới có thể diễn biến tăng cao đột biến tác động làm giá trong nước tăng theo; căng thẳng thương mại tại các quốc gia, nhất là Mỹ – Trung Quốc, căng thẳng địa – chính trị tại nhiều vùng lãnh thổ” – Bộ Tài chính lo ngại.

Có ý kiến từ Hiệp hội thép Việt Nam, thì khi Liên Xô tan vỡ phôi thép được các doanh nghiệp ở Cộng hòa liên bang Nga, Ucraina… bán phá giá ra thị trường thế giới với giá rất rẻ, chỉ từ 150 USD – 180 USD/ tấn trong 1 thời gian dài (đến tận năm 2000), và điều này gây ra nhiều khó khăn cho việc sản xuất phôi của các doanh nghiệp Việt Nam.

Giá phôi rẻ, thuế nhập khẩu phôi của Việt Nam lúc đó là 0% vì vậy cứ việc nhập về cán thép rất dễ dàng thoải mái. Trong khi đó để sản xuất phôi thì phải đi từ khai thác quặng sắt, đầu tư xây dựng lò cao đòi hỏi nguồn vốn lớn các doanh nghiệp không có vì vậy không thực hiện được.

Bộ Chính trị thiếu quyết đoán?

Một ý kiến khác cho rằng đây là hệ lụy của việc Bộ Chính trị đã không kiên định khi đã đưa ra các quy định gọi là tầm chiến lược. Cụ thể là ngày 12-4-1995, Bộ Chính trị đã có thông báo số 112/TW nêu ý kiến về chiến lược sản xuất thép đến 2010, với chỉ đạo cụ thể: Tính toán làm rõ bước đi trong điều kiện vốn còn hạn hẹp kết hợp đầu tư chiều sâu nâng cao chất lượng các cơ sở hiện có.

Trước mắt xây dựng vài cơ sở sản xuất thép cán vài chục vạn tấn/năm nhập khẩu phôi để đáp ứng nhu cầu thép hiện tại. Nhưng phải chuẩn bị tốt  cho sản xuất thép liên hiệp đi từ quặng sắt để phục vụ nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Không khai thác quặng sắt thì không phát triển được thượng nguồn và đương nhiên sẽ không có phôi. Bên cạnh đó còn một số ý kiến cho rằng Việt Nam không có đủ tài nguyên quặng sắt để phát triển sản xuất thép. Muốn phát triển thì phải nhập quặng mà nhập quặng, thì khác gì nhập phôi, vì vậy chỉ quan tâm đến phát triển hạ nguồn, tức là đầu tư các nhà máy cán thép và nhập phôi về cán, vừa đầu tư ít lại vừa được ăn ngay.

Thời điểm đó, Bộ Chính trị chủ trương xây dựng liên hiệp sản xuất thép dựa trên việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh). Cái lý của Bộ Chính trị là về lý thuyết thì mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng 544 triệu tấn, lớn nhất Đông Nam Á; quy mô diện tích khai thác lộ thiên được tính toán lên tới 4.821ha, tổng vốn đầu tư dự án khoảng 14.500 tỉ đồng, thời gian khai thác 52 năm.

Việc khai thác ảnh hưởng đến cuộc sống của 5.928 hộ dân, sẽ phải di dời khoảng 4.000 hộ dân.

Dừng sẽ hiệu quả hơn!

Đến đầu tháng 04-2021, ông Hoàng Trung Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh, cho hay sau hơn 1 thập kỷ triển khai, đến nay chỉ mới di dời được 113 hộ dân và giải phóng mặt bằng hơn 830 ha diện tích. Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê “đắp chiếu” nhiều năm nay, đã ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, đời sống của người dân trong vùng dự án.

“Hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có văn bản gửi Bộ Chính trị; Ban Bí thư và các Bộ, ngành. Về cơ bản, các Bộ, ngành của Trung ương đều đồng tình với đề xuất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh.

Điều quan trọng là nhân dân Hà Tĩnh nhận thức được rằng, khai thác mỏ trong điều kiện hiện nay khi khoa học công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, mỏ sắt Thạch Khê nằm quá gần bờ biển, việc dừng khai thác cũng là một giải pháp rất tốt trong điều kiện hiện nay. Dự án sẽ được giữ nguyên hiện trạng, khi nào đó đủ điều kiện về kinh tế, đủ điều kiện về yếu tố khoa học kỹ thuật sẽ triển khai cũng chưa muộn”, ông Dũng nêu rõ.

Ông Dũng cũng cho biết thêm, điều khiến Hà Tĩnh băn khoăn là dự án này đã triển khai 11 năm và rõ ràng Nhà nước cũng như một số cá nhân, doanh nghiệp đã có những đầu tư nhất định vào dự án. Nhưng việc dừng dự án trong thời điểm hiện nay hoặc tiếp tục khai thác, sau khi cân nhắc ý kiến nhiều chiều việc chọn phương án dừng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Có phải vì Trung Quốc đang bắt chẹt Việt Nam?

Lượng phôi thép sản xuất trong nước hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% thị phần, còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc đang hạn chế xuất khẩu phôi để điều chỉnh tăng giá, điều này khiến các nước nhập khẩu trong đó có Việt Nam bị động về nguyên liệu.

“Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6 – 6,5 triệu tấn cho các lò điện”, Hiệp hội Thép Việt Nam nhấn mạnh.

Trước mắt, chỉ số lạm phát khó giữ dưới 4% trong năm nay nếu cứ để giá thép tăng cao.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)