VNTB – Kỷ niệm của tôi ở tư cách là Moritzburger và những vấn đề liên quan

VNTB – Kỷ niệm của tôi ở tư cách là Moritzburger và những vấn đề liên quan

 

Ngụy Hữu Tâm

 

Tôi bắt đầu viết bài này vào những ngày đầu tháng mười hai. Năm nay đông đến sớm và sẽ khắc nghiệt nên sau những đột biến với cái lạnh đột ngột rồi mưa to và mưa nhỏ, trời Hà Nội về đúng ‚mùa thu vàng thoang thoảng mùi hoa sữa’ đầy thơ mộng, thời tiết của cuối thu đầu đông, chưa đến tháng nữa đã Nôen rồi mà, ‚Black Friday’ hôm qua dân Hà Nội sau bao lần phong tỏa nay đi mua sắm như điên. 

Lên Viện Goethe Hà Nội thấy rất nhiều báo mới về nên thoải mái đọc. Tờ Geo số tháng 11 dành cả trang bìa và 42 trang nói về Afganistan và giở lại trang sử là từ 1979 đã mắc sai lầm với việc Brejnev đưa quân vào tham gia cuộc chiến tranh tôn giáo ở đấy, nhưng thực ra Hoa Kỳ đã sai lầm từ lâu với việc lật đổ Vua Reza. Khi nói về cái thua của phương Tây, Geo quên mất rằng nguy hiểm nhất vẫn là cuộc chiến hệ tư tưởng và nay đó là nguy hiểm nhất, và khi nói tới 1979 quen rằng họ Đặng, thằng lùn đồ tể, đã mở cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam khi đã được phương Tây bật đèn xanh và họ mở cửa, rồi để cho Trung Quốc nay lấn lướt thế nào. Việt Nam ta đáng tiêc ở vai trò nước  nhỏ bị kẹt giữa các nước lớn thế nào. 

Tờ Fokus mà tôi ít đọc vì tôi hạp với văn phong phóng viên tờ Spiegel hơn, thế nhưng số này cũng có một số bài hay với bài ‚Der Kälte Krieg-Chiến tranh (cái) lạnh’ chơi chữ rất hay khi muốn nói về nước Nga của hoàng đế Putin với chính sách chống phương Tây tệ hại với đường dẫn dầu Nordstream từ Vyborg đến Lubmin và chiến tranh ở Đông Ucraina, cả 8 trang nói đấy là những vũ khí để Putin cứ thoải mái khoanh tay xem phương Tây bối rối. 

Rồi cũng còn có 6 trang ‚Wiener G’schichten-câu chuyện thành Vienna’ dành cho vị thủ tướng trẻ Áo Sebastian Kurz qua cuốn sách mới ra của Barbara Tosth, nữ sử gia viết tiểu sử ông. Thăng tiến như diều gặp gió nhưng sập đổ cũng hết sức nhanh bởi vì đấy là tất cả một tập đoàn mafia Áo nay đang và sẽ bị phanh phui (Eine Hand wäscht die andere und beide werden schmuzig-tay này rửa tay kia và cả hai sẽ cùng bẩn) . Chuyện chính trị mà, rắc rối lắm.          

Xin viết tiếp bài trước về những kỷ niệm năm cuối cùng ở đại học là cuối 67 đến giữa 68. Đầu năm thứ 4 này chúng tôi học các chuyên đề quang phổ: quang phổ nguyên tử (thày Đ.V.H.),  phân tử (thày V.N.C.), huỳnh quang (thày P.V.T.) và quang cổ điển (thày N.Q.Q.). Cũng phải nhắc lại là vào năm cuối nên tôi chủ quan. Thày Đ.V.H rất hay, dạy theo cuốn sách tiếng Nga mà ở nhà tôi có sẵn, vì cha tôi đã phát triển ngành này ở Việt Nam nên bây giờ tôi còn nhớ là Eliasevitch thì phải, dầy cộp nhưng vì tiếng Nga tôi đã tốt nên theo dõi được, rất thoải mái nên thày 2 cho hay 3 người khá nhất được đọc trước để chuẩn bị một chương rồi lên giảng lại cho các bạn.

Bây giờ tôi vẫn còn nhớ đó là chương mở rộng vạch phổ do va chạm các nguyên tử nên có sự cộng hay trừ tần số dao động (thể hiện trên vạch quang phổ chuyển về miền xanh hay đỏ). Do tôi nắm kỹ định luật Doppler nên chương này đối với tôi là việc vặt, nói ra đây thì các bạn đọc nắm kỹ kiến thức vật lý sẽ thấy bình thường thôi. Đại để là vậy nên khi về phép ở Hà Nội, bác NTGT là giáo sư trường Y quen gia đình tôi (bác đã chữa mãi cho mẹ tôi khi ở Nam Ninh bị lao phổi) có giáo sư Zombory từ đại học Budapest sang thăm và dạy một số giờ, mà người Hung nói giỏi tiếng Đức nên gọi tôi sang dịch giúp,  Còn gì sướng bằng, trường Y đông nữ sinh chứ đâu chán như ĐHTH chúng tôi, nhất là khoa toán, lý, thế nên tôi chẳng chần chừ mà nhận lời ngay. May là ông này chuyên gia hóa sinh nên có nữ giáo sư Â., TS ở Pháp về trợ giúp mà Zombory, như phần lớn trí thức châu Âu khác ngoài tiếng Đức rất giỏi, cũng nói tam tạm tiếng Pháp nên các bài giảng trôi trảy.

Zombory gây rất nhiều ấn tượng cho tôi khi ngoài giờ, vì chúng tôi có nhiều thời gian tán chuyện, Thái Nguyên với Bắc Kạn chẳng khác nhau mấy, rừng núi heo hút mà. Sau 6 năm, tôi lại có dịp xả láng trong tiếng Đức, nhưng tôi quý Zombory nhất khi ông nêu nhận xét: Việt Nam chúng mày kỳ cục quá, khi người Hungary đi nước ngoài có điều kiện ở lại thì càng hay, chính phủ Hungary hết sức ủng hộ, vì ở tư cách là kiều dân họ sẽ giúp quảng bá hình ảnh Hungary trên trường quốc tế, và họ có nhiều điều kiện giúp nước nhà hơn. Điều đó hiện đang được Việt kiều, con em, bạn bè chúng ta chứng minh nhưng ông đã nói ra từ…53 năm nay. Thế mới biết ‚Bác và Đảng ta’ sáng suốt đến thế nào.

Hình như chuyến đi đó kéo dài 2 tuần thì phải nên tôi về khoa muộn, bỏ nhiều giờ mà nhất là các tiết của thày P.V.T. nên thày có quở trách. Cũng may thày P.V.T. sau này lại hướng dẫn luận án cho tôi nhưng thày đã rộng lòng bỏ qua cho. Cũng phải nói là hai trường Y  và ĐHTHHN khi đó sơ tán ở gần nhau, hình như trường Y là Bắc Kạn thì phải nhưng tôi nhở chắc chỉ cách nhau dưới 50 km, nhiều chủ nhật tôi vẫn lấy xe đạp đi chơi, cũng như hồi tập quân sự trên Sơn Tây tôi cũng mượn xe bác VTC. Xin bạn đọc thứ lỗi cho tôi là thằng ‚ham chơi’ mà, nhưng so với bây giờ thì như thế có thấm gì cơ chứ!

Thế nhưng lại phải nói từ gần hai năm nay với đại dịch Vũ Hán thì ngay việc học hành cũng bị ảnh hưởng chứ nói chi đến chuyện chơi. Cậu con tôi học trên mạng là chính, nhưng vì là ‚con bố Tâm’ ‚ham chơi’ nên vẫn đi chơi và dạy cầu lông thường xuyên, cũng đã là cần câu cơm của nó rồi, thanh niên thời nay mà. Vừa nói chuyện zalo với anh bạn PĐH trong Saigon thì anh báo tin vừa dính covid phải đi viện mà ở tuổi U80 này mấy người còn ‚ham chơi’ như tôi đâu, thế mới thấy cái cúm Tàu ác thật, mẹ cha lũ Tàu khựa! Maoism sờ sờ trước mặt chứ đâu chỉ trong tư duy, mà cái ảnh hưởng này còn tác động lâu dài đây. Bạn vàng mà!

Lại nói về kỷ niệm trên Đại Từ với cậu em NHC (xin xem ảnh minh họa), hiện đã cư trú ở Munich (ở Tây Đức từ 1989 sau khi bức tưởng Berlin đổ), may tôi vẫn giữ cây đàn ‚Weltmeister’ mà hồi đó tôi đặt nhà máy làm riêng, nhiệt đới hóa cho tôi nên giá ngang hai chiếc ‚Diamant’, cho nên đến tận ngày hôm nay tiếng của nó vẫn giữ nguyên như cũ, nên vẫn chăm chỉ dạy em và mấy cậu bạn nó âm nhạc. Nhất là vì các buổi liên hoan khoa tôi đều có tham gia, thậm chí đã từng làm nhạc trưởng cho dàn đồng ca khoa khi anh VNT bạn tôi ở khóa trước đã ra trường, người từng làm viện phó Viện Nguyên tử Đà Lạt mà gia đình tôi có nhiều dịp đến chơi Đà Lạt đều ghé thăm và ngụ lại là một villa đẹp ngay ven hồ trung tâm thành phố,  nên tôi nghiễm nhiên giữ được chức vị này.

Lúc đó tôi chăm sáng tác, cũng có sáng tác bài hát cho một anh khóa sau có giọng rất tốt hát đơn ca, và nhiều bài cho thếu nhi để bọn trẻ hát mà cho đến tận hiện nay, Dũng con bác Hợi, nhân viên phòng thí nghiệm quang phổ của trường, và đã từng làm đến Q giám đốc Trung tâm Thông tin  Tư liệu VHLKH&CNVN, vẫn còn nhớ mà tôi phải sững sờ trong một bữa tiệc sinh nhật người thân mà cậu ta và tôi đồng thời có mặt.

Cũng phải nói nữa là sao tôi sớm đầu tư được vào âm nhạc thế. Số là lúc ở Toán 9 trường Maxim tôi nhỏ nhất lớp cả về mặt tuổi lẫn thể hình nên chỉ được cái có khiếu toán và tiếng Đức chứ các môn khác bình thường nên cô giáo chủ nhiệm chỉ cho học đàn manđoline là nhạc cụ phần lớn lớp học. Nhưng khi học nghề do tích lũy được tiền thì hầu hết mọi người đầu tư vào xe đạp thì cha tôi nhắn sang tôi có cái xe Pháp rất tốt do ông ngoại cho nên có thể dành tiền mua đàn gió, nên khi học nghề tôi học đàn gió để khi đủ tiền là sắm ngay.

Được một thời gian ông thày thấy cũng học được mà ở ký túc xá có piano nên cho tôi chuyển sang đàn này. Tôi còn nhớ như in bạn HC tuy học violon nhưng dĩ nhiên cũng phải học cả piano ở tư cách là môn phụ nên chơi rất tốt, các bà phục vụ nhà ăn rất khoái khi anh chơi chứ tôi ngồi lên đàn tập là các bà nhăn mặt lại. Thế nhưng tôi bất cần nên cũng đã bắt đầu chơi được các bản sonatine chứ đến khi chuẩn bị sắp sửa được học chơi các bản sonate thì đã phải về nước, dẫu sao các khái niệm cơ bản của âm nhạc thế cũng là tạm đủ. Và thày Phan Bình của chúng tôi khi ấy bảo thanh niên phải biết bơi, biết nhảy và biết lái xe hơi thì sau này cũng được, tôi không có điều kiện học nhảy nhưng chơi piano tạm đủ dùng.

Nhớ khi sang postdoc ở Paris đến chơi week-end ở nhà bà bạn mẹ tôi có đàn tôi thử chơi mấy bài thì bà thậm chí không chê mà còn khen, thế nên có lẽ cái tai người Đức và người Việt ta có khác nhau đấy, ít nhất là ở việc dùng các nhạc cụ cổ điển của châu Âu.

Cũng lại phải nhắc lại nữa là tôi cũng chẳng dám so sánh về mặt âm nhạc với hai anh bạn VNT hay NL (mọi so sánh đều khập khiễng, với HC thì khỏi nói rồi, giám đốc nhạc viện SG, còn NL dẫu sao cũng từng được giải thưởng sáng tác của Hội nhạc sĩ Việt Nam). Nhưng về NL lại phải nói như sau, y đa tài hơn tôi nhiều nên cũng ham chơi hơn tôi nhiều. Y đầu tiên ở Tâm Hư là trên tôi một lớp (tuy hơn 2 tuổi, sinh 1942 như VĐB thì phải nên 3 đứa cùng lớp nhưng VĐB được đi LX ngay sau Genève), nhưng sau khi bị đúp lớp thì về học cùng tôi và VĐB. Thế mà tôi đi học công nhân ở Đức rồi về mặt đi làm hai năm nữa mà lúc đó y mới thi và học cùng tôi khóa 9 và mới có thiên tiểu thuyết toàn tê mà ký trước có nhắc với bạn đọc. Lại cũng phải nói thêm câu nữa, vì cha tôi và cụ NX là bạn học nên cụ có kể tôi, sao NL về trường ĐHTHHN. Thấy NL lêu lổng quá, cụ bảo, thôi cho nó đi bộ đội. Cha tôi phải gàn: „Anh bảo bộ đội là nơi chứa những đứa như thế sao, thôi để tôi nhận cho“. Thế nên sinh viên ĐHKT thời đó NXP mới có giáo sư toán NL, và để sau này (hơn nửa thế kỷ cơ đấy, chắc nếu như có hỏi bà tiên tri Vanca thì bà cũng đoán ra được) chúng ta mới có vị CT nước oai phong thế chứ! 

Lại nói làm luận án tốt nghiệp với thày PVT, thày giao tôi nghiên cứu chất lân quang ZnS để phục vụ đường mòn HCM mà, phải đi đêm. Về HN đọc sách, có vốn ngoại ngữ nên thoải mái, ăn ở lại cùng gia đình bảo vệ cơ sở II phố Hai Bà Trưng. Hay gặp anh TQ đang làm hiệu trưởng ĐHKTQS, vốn quen biết từ thời anh học, nổi tiếng giỏi ở TU Dresden, anh em nói chuyện vui vẻ, anh có nhà là villa quan Tây cũ trong khu SB Bạch Mai, cũng có lần đến thăm anh ở đó. Cũng còn hay gặp bác TĐT vốn bạn cũ của cha nhưng nay bị hắt hủi, lầm lũi đi không một lời, mặc bộ đồ bông Tàu rách nát, đi chiếc xe đạp trẻ con Liên Xô, muốn khóc mà chẳng khóc được. Vì Hà Nội đang sơ tán nên mấy người đến đọc TVKH vắng vẻ thấy nhau luôn. Sau lên làm thí nghiệm trên Đại Từ, điện đóm máy nổ nên phập phùng, nên phần tổng quan là chính, thày PDH phản biện kêu các phần mục không ăn khớp nhau, nhưng vẫn kết quả vẫn điểm ưu, đang chiến tranh chống Mỹ mà!

Lại kể câu chuyện vui, gọi là ‚tiếu lâm chính trị’ cũng được vì thực hư có Trời biết.  Bây giờ tuổi này hay huyên thuyên, nhất là có zalo và viber chẳng mất tiền nên nói hàng tiếng con cà con kê. Mình hay nhắc lại, trường ĐHTHHN có thày VQ chuyên động vật nên mọi người trêu là VQ ‚chim chuột’, có lần được TBT LD gọi lên hỏi chuyện trường, mất cả buổi chiều hôm ấy. Khi về mọi người hỏi, TBT cật vấn gì và chỉ bảo gì thì thày phán, TBT nói hết, mình chẳng chen vào được một câu. Còn cái lẫn tuổi già thì cười ra nước mắt, TBT ĐM vốn nổi tiếng điên điên khùng khùng, nhân ngày ‚nhà giáo Việt Nam’ được mời đến thăm hai trường Trưng Vương và Nguyễn Trãi; mỗi trường được thư ký chuẩn bị cho một bài nói, để ở túi phải và túi trái. Nhưng khi đến thăm thì TBT lẫn hai túi với nhau làm thày trò hai trường chẳng biết nên khóc hay nên cười.

Hồi đó tôi còn chăm đi vẽ phong cảnh đến mức đã từng bị dân quân du kích bắt vì nghi làm ‚gián điệp’ vẽ các địa điểm cho máy bay Mỹ đến ném bom, thày ĐVH phải tới giải trình tôi mới được tha, nói ra thì nực cười nhưng thế để hiểu cái ‚công an trị’ nó tấm máu dân ta đến đâu nên chuyện đi bắt ‚dân oan’ hay các ‚nhà bất đồng chính kiến’ là chuyện ‚thường ngày ở huyện’. Có bức tranh tôi vẽ cảnh đồng ruộng, làng xóm với lũy tre xanh rất đặc trưng cho làng quê Việt Nam lại có nhà máy xi măng Ký Phú xa xa rất đẹp, tới mức tôi treo đầu giường mà có anh bạn nào ‚cuỗm’ mất, đến bây giờ vẫn còn tiếc!

Sau lễ tốt nghiệp chúng tôi chở phân công công tác, đang ở rộng số các trường đại học nên số đi dạy sẽ rất đông, khóa trước còn cho tốt nghiệp sau 3 năm cơ mà. Con trai ai cũng làm đơn xin vào quân đội nhưng số đó chắc chắn ít, nếu có cũng đi dạy đại học quân y hay kỹ thuật quân sự, nhưng để bài sau nói kỹ hơn, và không thể cho tất cả  54  người, nhưng sẽ nhiều nhất có thể.  

Bài cũng đã dài, xin hẹn lần sau kể tiếp.

Hình minh họa:

 Trang đầu cuốn sách vật lý in năm 1958 khi năm sau tôi về Hà Nội bắt đầu học lại phổ thông trung học (ban đêm ở trường BTVH của UBKHNN ) với thày Đặng Mộng Lân  

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)