Cát Tường
(VNTB) – Thường trực Tỉnh uỷ Nghệ AN vừa yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan phải báo cáo toàn bộ nội dung vụ án, vừa phải “bảo đảm tính độc lập của tòa án”
Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã họp, yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan báo cáo toàn bộ nội dung vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn đối với bà Lê Thị Dung, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên.
Tại cuộc họp này, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan báo cáo toàn bộ nội dung vụ án này, đồng thời đề nghị bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập, tuân thủ theo pháp luật.
Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An cũng yêu cầu vụ án phải được xét xử phúc thẩm đúng quy định pháp luật, đúng người, đúng tội, chặt chẽ, đảm bảo công bằng, khách quan, thấu tình đạt lý, tạo được sự đồng thuận trong xã hội.
Nếu nội dung ở trên là đúng thì có mâu thuẫn: cơ quan Tỉnh ủy căn cứ vào đâu để vừa yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan phải báo cáo toàn bộ nội dung vụ án, vừa cho rằng phải “bảo đảm tính độc lập của tòa án”?
Trước đó, trong các ngày 7, 10, 11, 17 và 24-4-2023, Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 65/2022/TLST-HS ngày 30-11-2022, đối với các bị cáo Lê Thị Dung và Nguyễn Thị Hương bị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hưng Nguyên truy tố về tội: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Tại bản án hình sự sơ thẩm, Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên đã quyết định: Căn cứ Điểm b, Khoản 2, Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015; Điểm v, Khoản 1, Khoản 2, Điều 51 và Điều 38 Bộ luật Hình sự 2015, xử phạt bị cáo Lê Thị Dung 5 năm tù. Truy thu số tiền 44.762.877 đồng từ bị cáo Lê Thị Dung để trả lại cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên.
Sau phiên toà sơ thẩm, bị cáo Lê Thị Dung và gia đình đã có đơn kháng cáo.
Bản án nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận với nhiều luồng thông tin trái chiều, nhưng về nguyên tắc thì các vấn đề ở vụ án sẽ được xem xét xử trí bằng trình tự thủ tục tố tụng ở phiên phúc thẩm, không thể có việc nhận thêm yêu cầu chỉ đạo từ các cơ quan không nằm trong điều chỉnh của Bộ luật tố tụng hình sự.
Như vậy, hiểu khó thể khác hơn đó là chính quyền huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An đã có cách hiểu sai lệch về “tính độc lập của tòa án”, khi cho rằng cơ quan Tỉnh ủy tiếp tục được phép “chỉ đạo án” bằng cách này hay cách khác như đã từng có trong ngành tư pháp vài năm trước đây của Việt Nam.
Nếu như Hiến pháp năm 1992 quy định: “Khi xét xử Thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, thì Hiến pháp năm 2013 quy định cụ thể, sâu sắc hơn: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, hội thẩm”.
Như vậy, Thẩm phán, Hội thẩm độc lập xét xử là độc lập trong mọi hoạt động của mình theo quy định của pháp luật tố tụng kể từ khi thụ lý vụ án cho đến khi kết thúc phiên tòa xét xử, chứ không chỉ giới hạn bởi “khi xét xử”. Cụm từ “nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, hội thẩm” trong công tác xét xử cũng là bảo đảm cho nguyên tắc này phải được thực thi trong thực tiễn xét xử.
Trên thực tế, ngoài mối quan hệ với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân còn mối quan hệ với các luật sư, các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội.
Trong rất nhiều trường hợp, Thẩm phán, hội thẩm nhân dân bị ảnh hưởng, tác động từ phía luật sư, các tổ chức, cá nhân, các cơ quan nhà nước, làm sai lệch quá trình tố tụng, ảnh hưởng không ít tới hoạt động tố tụng nhằm hướng tới việc xét xử có lợi cho mình.
Với những gì đang diễn ra ở vụ án bà Lê Thị Dung, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, cho thấy về căn cơ đang đặt ra một thách thức cho tân chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, khi ông còn đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương.