VNTB – Làm tổng bí thư có sướng không?

VNTB – Làm tổng bí thư có sướng không?

Hiền Vương

 

(VNTB) – Đang có tin đồn đồng chí chủ tịch nước vẫn nhăm nhe ghế tổng bí thư…

 

Thể chế chính trị cộng sản, đã nhiều lúc người viết bài này tự hỏi “làm tổng bí thư là làm gì mà nhiều quan chức mơ giành đến vậy? Giữa tổng bí thư với chủ tịch nước, ai sẽ quyền uy hơn ai trong mắt công chúng?”.

Về lý thuyết gọi là Hiến định, thì không thấy nhắc đến chức danh tổng bí thư, mà chỉ có Điều 4 Hiến pháp 2013 quy định rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”.

Và trong số câu từ về hiến định này cũng không khẳng định về sự “độc quyền lãnh đạo” của Đảng, mà đó chỉ là “hàm ý hiểu vậy” từ một ý rất khó định tính – định lượng, là “chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”. Song “chịu trách nhiệm” ấy cụ thể là gì thì đến nay công chúng vẫn chưa được nghe thông báo.

Từ hiến định trên, người ta suy ra một khi Đảng là “chủ xị” của cái gọi là “cương lĩnh” mà Hiến pháp đã viện dẫn ở “Lời nói đầu”, thì ắt hẳn làm người đứng đầu tổ chức đảng phái này ắt hẳn phải ‘oách xà lách’ đến ‘sướng rên mé đìu hiu” như câu văn tả hay dùng của nhà văn chuyên viết về thế giới du đãng ở miền Nam là Duyên Anh.

Thế nhưng chứng kiến trên mạng xã hội người ta khen – chê – chỉ trích – móc méo đủ mọi điều về ông tổng bí thư đương nhiệm, tự nhiên người viết bài này đâm ra băn khoăn tợn rằng có thiệt là làm tổng bí thư thuộc “phúc đức ba đời”, hay đây là “đọa đày số kiếp” của phận người?

Cứ thử tượng tượng thể trạng đàn ông xứ Việt mình thì dẫu cường tráng, dẻo dai đến đâu thì bước qua ngưỡng tuổi sáu mươi mà… ngộ lỡ từ trần, thì gia đình đã có thể đường hoàng treo bảng báo tang về “tuổi thọ” thay cho “hưởng dương”. Còn theo Luật người cao tuổi thì công dân Việt Nam hễ ai từ đủ 60 tuổi trở lên đều đang coi là người cao tuổi.

Cũng theo luật này thì người cao tuổi được tạo điều kiện làm việc phù hợp với sức khỏe, nghề nghiệp và các điều kiện khác để phát huy vai trò người cao tuổi; Được miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội, trừ trường hợp tự nguyện đóng góp; Được ưu tiên nhận tiền, hiện vật cứu trợ, chăm sóc sức khỏe và chỗ ở nhằm khắc phục khó khăn ban đầu khi gặp khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc rủi ro bất khả kháng khác…

Thậm chí ở điều 9.1 của luật kể trên còn cấm “lăng mạ, ngược đãi, xúc phạm, hành hạ, phân biệt đối xử đối với người cao tuổi”.

Như vậy với một cụ già vừa bước qua sinh nhật lần thứ 80, tức nếu “rủi có bề gì”, thì gia đình người đó đã có thể ghi báo tang là “đại thọ”; còn nói theo ngôn ngữ pháp lý quy định ở Thông tư 06/2012/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thì có thể gắn bảng cáo phó là “thượng thọ”.

Có điểm khác biệt là nếu cụ già “đại thọ” này từ trần, khi đang hoặc ngay cả rời chức tước tổng bí thư, thì người đó phải tiến hành lễ thức tang theo cung cách của Quốc tang, bất chấp chuyện người đời khen – chê ra sao về thời gian hoạn lộ của cụ.

Chỉ với những điều kể trên đã cho thấy làm tổng bí thư lúc đã là “người cao tuổi” xem ra phải hy sinh nhiều lợi ích cá nhân. Đã vậy tổng bí thư lại phải hiểu luôn biết tiết chế các ham muốn dục vọng đời thường để làm tấm gương cho thiên hạ bàn ra – tán vào.

Còn so sánh giữa chủ tịch nước và tổng bí thư, thì rõ ràng với hiến định kể trên, quyền uy của tổng bí thư là sắp đặt cả ghế chủ tịch nước thì quá rõ về thứ bậc nơi thượng tầng cung đình chính trị.

Tuy vậy với diễn biến ghi nhận trên mạng xã hội, người ta đang cảm nhận có một cuộc chuẩn bị vây cánh để hăm he soán ngôi cho cùng thống trị cả ghế quyền lực ở hệ thống chính phủ, và Đảng của một đồng chí sắp bước qua tuổi 67, tức còn kém đến 3 năm nữa mới đủ điều kiện theo luật định về “lễ mừng thọ”.

Liệu đây là họa hay hồng phúc của dân tộc?

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)