Nguyễn Huyền
(VNTB) – Chính quyền Việt Nam dường như không mấy chấp nhận việc đấu tranh dân sự ôn hoà cho quyền dân chủ.
Cuối tháng 3 này lại có một phiên tòa hình sự xét xử nhóm người với tội danh lật đổ chính quyền được cho là liên quan đến một tổ chức tại hải ngoại.
Cái lạ ở đây là tổ chức tại hải ngoại này tuy được nhà chức trách Việt Nam xác định là “tổ chức khủng bố”, nhưng những người Việt nào đó sinh sống tại Việt Nam nếu tham gia tổ chức đó thì lại được cáo buộc về tội “lật đổ chính quyền”.
Ở đây có lằn ranh nhập nhằng giữa dân sự – hình sự trong vấn đề đấu tranh cho quyền dân chủ.
Sinh thời, ông Hồ Chí Minh cũng nói rõ với toàn dân là “Dân có quyền đuổi chính phủ”. Vậy nếu bây giờ ông Hồ chọn đấu tranh ôn hòa để “đuổi chính phủ” thì nhiều khả năng ông cũng sẽ bị bắt theo Điều 109 hoặc Điều 117 ở chương về an ninh quốc gia của Bộ luật hình sự.
Xin được dừng lại một chút về vấn đề đấu tranh ôn hòa trong luận bàn của lằn ranh dân sự – hình sự.
Kể từ năm 2007, thế giới có Ngày quốc tế bất bạo động (hay Ngày quốc tế không bạo lực). Đây là một ngày do Liên Hợp Quốc đặt ra để cổ vũ cho hòa bình, tránh dùng bạo lực. Ngày này được tổ chức vào ngày 02 tháng 10 – ngày sinh nhật của Mohandas Gandhi. Ngày này ở Ấn Độ được gọi là “Gandhi Jayanti” tức ngày nghỉ lễ sinh nhật Gandhi.
Gandhi, người đã giúp dẫn dắt Ấn Độ giành độc lập, là nguồn cảm hứng cho các phong trào bất bạo động vì dân quyền và thay đổi xã hội trên toàn thế giới. Trong suốt cuộc đời của mình, Gandhi vẫn cam kết với niềm tin bất bạo động, ngay cả trong những điều kiện áp bức và đối mặt với những thử thách dường như không thể vượt qua. Ông tin rằng người Ấn Độ không được sử dụng bạo lực hoặc hận thù trong cuộc chiến giành tự do khỏi chủ nghĩa thực dân.
Một nguyên lý chính của lý thuyết bất bạo động là quyền lực của những người cai trị phụ thuộc vào sự đồng ý của dân chúng, và bất bạo động do đó tìm cách làm suy yếu quyền lực đó thông qua việc rút lại sự đồng ý và hợp tác của dân chúng.
Tuy nhiên tính cho đến lúc này thì những nhà chính trị đang nắm quyền ở Việt Nam mặc dù luôn miệng khẳng định cơ đồ quốc gia chưa bao giờ được như hôm nay, nhưng lại không mấy tin tưởng vào sự ôn hòa của đấu tranh dân sự về quyền dân chủ.
Một tài liệu được giảng dạy tại trường Đại học An ninh nhân dân đã biện giải như sau về chuyện ngờ vực đó (trích):
“Thực tiễn các cuộc “cách mạng màu” ở một số nước không gian hậu Xô viết như: Gruzia (2003), Ucraina (2004), Kưrgưstan (2005)…; “Cách mạng hoa nhài” (“Mùa xuân Ả Rập”) ở một số nước Bắc Phi, Trung Đông cuối năm 2010, đầu năm 2011; “Cách mạng ô dù” ở Hồng Kông năm 2014; các cuộc biểu tình phản đối Dự luật Dẫn độ ở Hồng Kông, Trung Quốc năm 2019… cho thấy vai trò đặc biệt to lớn của “bất bạo động”.
Được sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch bên ngoài, các lực lượng đối lập, phần tử chống đối chính phủ tại các quốc gia này triệt để lợi dụng sự khủng hoảng, tình trạng mất ổn định chính trị, xã hội trong nước, thông qua hô hào sử dụng “bất bạo động” đã kích động, lôi kéo được hàng vạn người dân xuống đường biểu tình, bạo loạn, lật đổ chính phủ cầm quyền tại các nước này.
(…) Gần đây, đặc biệt là sau khi hàng loạt các cuộc “cách mạng sắc màu” nổ ra tại một số nước không gian hậu Xô viết, với kịch bản được các thế lực thù địch áp dụng nhằm hậu thuẫn cho các lực lượng đối lập lật đổ chính quyền đương nhiệm tại các quốc gia này thì phương thức “bất bạo động” đã và đang được các thế lực thù địch, phản động triệt để sử dụng để chống phá Việt Nam với mục đích cuối cùng là lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta” (dừng trích).
Từ cách hiểu ở trên, có ý kiến đặt ra thế này: Đối với thực tiễn Việt Nam, những câu hỏi đặt ra là hiện nay người dân đã tức giận hay chưa? Và thể chế cộng sản đã thực sự suy yếu hay chưa?
Yếu tố người dân tức giận đã có, nhưng công bằng mà nói, đó chỉ là những phản ứng từ một bộ phận nào đó những người có luôn ý thức đầy đủ về các quyền tự do dân chủ, bộ phận dân oan, bộ phận những cán bộ nhà nước bị thất sủng mà thôi.
Về yếu tố chính thể suy yếu đã có, nhưng đó chỉ là sự suy yếu về “chính trị chủ nghĩa” vì lý tưởng cộng sản đã không còn. Nhưng từ nhiều năm nay hệ thống chính trị cầm quyền ở Việt Nam đã kịp thời biến tướng dù rằng trên danh nghĩa họ vẫn là những người cộng sản.
Xem chừng vẫn còn đó ít nhiều bi quan ở Việt Nam trong chuyện đấu tranh về quyền dân sự, đòi hỏi về tự do – dân chủ theo cách hiểu phổ quát của Luật nhân quyền quốc tế (International Human Rights Law).