Việt Nam Thời Báo

VNTB – Lầu hạc

Truyện ngắn Trần Thế Kỷ (VNTB) Ai trong chúng ta lại chẳng từng đọc những vần thơ tuyệt bút của Tản Đà. Ông xứng đáng là nhà thơ lớn nhất Việt Nam thế kỷ 20. Không chỉ thế, ông còn là người dịch thơ Đường xuất sắc, Trong những bài Đường thi ông đã dịch, nổi bật là ‘Hoàng Hạc Lâu”. Bản dịch của ông được xem là hay nhất từ trước đến nay.

Hà Nội, một sớm thu về năm 1937. Đó đây lác đác lá vàng rơi. Trời mây bàng bạc, khí thu se lạnh khiến lòng người dễ bâng khuâng nhớ về kỷ niệm.

Hôm ấy Tản Đà thấy nhớ bạn là cụ đồ Huân ở ngõ Phất Lộc, bèn nhờ người cháu họ mới sắm được chiếc xe đạp cũ đèo tới thăm.

Nằm sau phố Bờ Sông, đầu trông ra cột đồng hồ bờ sông Nhị, đuôi đâm ra phố Hàng Mắm, Phất Lộc là một con ngõ hẹp, dài độ hai trăm thước và lát đá gồ ghề. Ngõ không đẹp lại hơi bẩn, được cái là cổ. Hẳn vì đường được đắp sau nên nhà nào cũng thấp hơn mặt đường cả thước. Phải xuống mấy bậc gạch mới vào trong phòng ngoài (1)

Kít … Chiếc xe chở nhà thơ vừa đến đầu ngõ thì phanh lại.

– Cháu cứ về nhà trước đi – Tản Đà xuống xe – Chiều nay bác đón xe tay về.

Xong, nhà thơ lững thững đi bộ vào ngõ. Độ hơn chục bước thì dừng lại trước một ngôi nhà cũ kỹ. Mấy cảnh cửa gỗ ọp ẹp như muốn long ra. Sân nhỏ phía trước có mấy chậu kiểng đang ra hoa. Thấy có khách, từ trong liền bước ra một cậu con trai nước da trắng trẻo.

– Chào bác! Tiếc quá, thầy mẹ cháu vừa đi vắng, đến chiều mới về.

– Thế à!

Tản Đà có ý tiếc vì không được gặp bạn. Đang tính hẹn lại dịp khác thì nhà thơ chợt nghe những âm thanh réo rắt.Tiếng tì bà phía nhà đằng kia. Ai đó đang dạo một khúc nhạc thật hay. Giai điệu thật mượt mà. Ông chăm chú lắng nghe rồi bước về phía bên ấy.

Nhìn trong thì thấy người chơi là một thiếu nữ đang say sưa lướt các ngón tay mềm mại trên phím đàn. Thấy có người lạ phía trước, thiếu nữ rời đàn, nhẹ nhàng bước ra. Cô khẽ gật đầu chào vị khách có bề ngoài đạo mạo và đầy nho nhã. Đôi mắt thiếu nữ hơi mở to như muốn hỏi khách cần chi.

– Thú thực, ngón đàn của cô em hay quá nên tôi xin phép được đứng nghe.

Tản Đà mỉm cười, Tuổi độ đôi mươi, người con gái có vóc dáng mảnh khảnh, tóc cắt ngắn, nét mặt hơi xanh xao. Ăn mặc giản dị, không đẹp lắm, nhưng từ người cô toát ra một vẻ dịu dàng, thanh cao.

– Bác quá khen – Cô gái e thẹn –Cháu đàn cũng thường thôi. Mời bác vào nhà dùng chén chè.

Trọng vị khách tuổi tác và có vẻ học thức, thiếu nữ mời Tản Đà. Nhà thơ không từ chối, theo cô vào trong.

Phòng ngoài khá đơn sơ. Một tràng kỷ, một chiếc ghế nhỏ và một chiếc bàn con. Ngoài ra trên tường cố một giá sách để vài chục quyển, đa phần đã cũ. Trên chiếc bàn, cạnh chiếc tì bà cũ kỹ là tờ “Ngày nay” còn mới.

– Hôm nay cha cháu đi vắng nên nhà không sẵn chè. Bác đợi cháu vào đun nhé.

Mời khách ngồi, người con gái định bước vào trong.

– Thật không dám phiền. Cô em cứ ngồi đây chơi đàn một chốc là quý lắm rồi.

Tản Đà đặt mình xuống tràng kỷ, mắt nhìn lên giá sách trên tường.

– Các sách kia chắc do cha cháu đọc?

– Dạ phải – Thiếu nữ ngồi xuống chiếc ghế con, đối diện – Cháu thỉnh thoảng cũng đọc. Thực ra các sách này đều do ông cháu mua khi xưa còn ở Trung Hoa. Lúc mẹ cháu lên hai thì bên đấy có loạn nên ông bà mới dắt mẹ cháu lưu lạc sang đây.

– Ra cháu gốc bên ấy. Thế ai dạy cháu đàn?

– Thưa, mẹ cháu Đàn này là của bà cháu. Bà dạy mẹ đàn mẹ rồi mẹ dạy lại cháu. Mẹ mới mất năm ngoái, còn ông bà mất đã lâu.

– Thế cháu có bao giờ về thăm quê mẹ chưa?

– Dạ chưa. Thuở còn sống, ông cháu lúc nào cũng mong có ngày về cố hương, để lại được ngồi thuyền trên dòng Trường Giang. Ông thường ngâm mấy câu thơ:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

– À, đấy là bài “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu – Tản Đà mỉm cười – Thế cháu thuộc hết bài thơ này không?

– Thưa, thuộc. Chính ông đã dạy cháu bài này. Ông vồn người Hồ Bắc. Ông nói mái nhà xưa không xa Lầu Hạc là mấy, nơi ông thường đến chơi. Ông còn dạy cháu nhiều bài thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ … Ông rất yêu Đường thi. Trong số sách ông mang theo kia, có nhiều quyển về Đường thi.

Người con gái dừng một chốc rồi lại tiếp, giọng nói đầy vẻ hoài niệm, bâng khuâng:

– Cháu cũng yêu thơ và mong có dịp về thăm quê. Lòng cháu luôn ray rứt vì hai câu thơ mà cháu được ở đâu đó:

Tô Châu lớp lớp phù kiều

trăng đêm Dương Tử, mây chiều Giang Nam (2)

– Giỏi – Tản Đà gật gù khen. Cháu từng này tuổi mà hiểu biết thơ ca như thế là giỏi đấy. Thế khúc nhạc khi nãy cháu chơi là bài gì bác nghe hay lắm, làm bác nhớ lại tuổi ấu thơ?

– Thưa, bà cháu bảo đây là khúc “Xuân tình”. Bà nói khi xưa các kỹ nữ Lầu Hạc từng chơi bài này cho Lý Bạch nghe.

Ra thế. Tản Đà trầm ngâm. Rồi ông mỉm cười, thoảng nghĩ: Mười mấy thế kỷ sau Lý Bạch, một nhà thơ đất Việt lại được nghe khúc nhạc mà người chơi biết đâu chẳng là con cháu của một trong những nàng kỹ nữ đã chơi tặng bài này cho thi hào Trung Hoa.

Tản Đà rất vui. Không gặp được bạn nhưng lại gặp một thiếu nữ đầy thú vị. Phải, cuộc gặp hôm nay đầy thú vị.

– Để thâm tạ khúc nhạc cháu chơi, xin đọc cháu nghe bài “Hoàng Hạc Lâu” bác vừa dịch xong tuần trước nhé!

Nhà thơ khẽ đứng dậy.Thế rồi, ánh mắt sâu thẳm, giọng đầy truyền cảm, ông chậm rãi đọc từng câu:

Hán Dương sông tạnh cây bày,

Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non.

Quê hương khuất bóng hoàng hôn,

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai (3).

– Bác dịch hay quá – Thiếu nữ chăm chú lắng nghe rồi tấm tắc khen – Cháu có lần thấy ai đó dịch bài này nhưng không hay bằng bác. Nhưng cháu nghĩ có lẽ hay hơn nếu “…xanh đầy cỏ non” được sửa lại là “..Xanh dày cỏ non”.

– Ừ nhỉ – Mắt Tản Đà sáng lên – Như thế mới phải! Vậy mà bác không nghĩ ra.

Nhà thơ vỗ vỗ trán, miệng lẩm bẩm mãi câu “..Xanh dày cỏ non” với vẻ đầy ưng ý như vừa tìm được vật gì quí hóa…

– Bác Tản Đà đấy ư?

Đang thơ thẩn vuốt vuốt chòm râu bạc, cụ đồ Huân mừng rỡ khi thấy bạn lò dò từ đầu ngõ. Sáng nay trời đẹp nên Tản Đà lại đến ngõ Phất Lộc thăm bạn. Cụ đồ bước nhanh về phía nhà thơ, tay bắt mặt mừng. Dù tuổi đã cao nhưng trông cụ hãy còn khỏe.

– Hôm nọ bác đến chơi mà tôi không có nhà để mời rượu bác, thật có lỗi.

– Thì hôm nay bác có nhà rồi còn gì.

Nhà thơ cười lớn, giọng sang sảng.

– Rượu ngon không có bạn hiền thì mất cả cái ngon

– Cụ đồ siết chặt tay Tản Đà – À, bác làm gì mà mang những hai tờ “Ngày Nay”?

Thực vậy, trong tay nhà thơ là hai tờ “Ngày Nay” vừa ra còn thơm mùi mực. Phải, hai tờ.

– Không giấu gì bác – Nhà thơ mỉm cười, mắt nheo

Trong tờ “Ngày nay” số này có đăng bài thơ “Hoàng Hạc Lâu” tôi dịch của Thôi Hiệu. Tôi định bụng tặng bác một tờ, tờ kia là để tặng cô bé gần nhà bác có ngón đàn tì bà rất hay.

– Ý bác muốn nói đến con bé gốc Tàu hay chơi đàn nhà đằng kia phải không?

Cụ đồ chỉ tay nhìn về phía ngôi nhà hôm nào nhà thơ ghé chơi. Thế rồi, vỗ vai Tản Đà, cụ đồ nói trước vẻ ngẩn ngơ của bạn:

– Con bé có còn đấy nữa đâu. Tuần trước hai cha con đã đưa nhau đi rồi. Đấy chỉ là nơi họ thuê tạm một thời gian thôi. Chẳng ai biết họ đi đâu, về đâu.

Thi sĩ Tản Đà tạ thế ngày 7 tháng 6 năm 1939.

Nghiệp thơ không nuôi nổi tấm thân, ông ra đi trong cảnh bần cùng trong căn nhà thuê nhỏ số 71 Cầu Mới, Ngã Tư Sở. Có người kể những ngày cuối đời ông thường hay buồn, có khi khóc một mình. Buồn vì thân phận, đau vì nhân thế. Trong nỗi buồn ấy biết đâu chẳng có lẫn nỗi buồn không được gặp lại người con gái chơi đàn hôm nào.

Hạc vàng đi mất từ xưa

Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay.



(1) Theo Nguyễn Hiến Lê
(2) Thơ Hồ Dzếnh
(3) Nguyên văn bài “Hoàng Hạc Lâu”:

Hoàng Hạc Lâu  

Thôi Hiệu (704 – 754)

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ

Thử địa không dư hoàng hạc lâu

Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản

Bạch vân thiên tải không du du

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ

Phương thảo thê thê Anh Vũ châu

Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu

Gác Hoàng Hạc

(Tản Đà dịch)

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu

Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ!

Hạc vàng đi mất từ xưa,

Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay

Hán Dương sông tạnh cây bày

Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non

Quê hương khuất bóng hoàng hôn,

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?

Tin bài liên quan:

VNTB – Trân châu cảng

Phan Thanh Hung

VNTB – Hitler đào thoát

Phan Thanh Hung

VNTB – Ngày nào con về

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo