Việt Nam Thời Báo

VNTB – Liệu có thay đổi bài bản ‘làm án’?

Triệu Tử Long

(VNTB) – Nếu như những gì mà phó chánh tòa tối cao Nguyễn Trí Tuệ trao đổi với giới báo chí tại phiên giao ban định kỳ vào sáng ngày 12-5, là ‘khuôn vàng thước ngọc’ của các Bao Thanh thiên đời nay ở Việt Nam, xem ra sắp tới đây bài bản trong ‘làm án’ đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Theo ông Nguyễn Trí Tuệ, bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định căn cứ để kháng nghị là “nếu thấy có vi phạm nghiêm trọng trong quá trình tố tụng mà dẫn tới sai lầm nghiêm trọng thì là căn cứ kháng nghị, không có sai lầm nghiêm trọng thì không phải là căn cứ để kháng nghị”.

Do vậy, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm nhận thấy trong quá trình điều tra, các cơ quan tố tụng có vi phạm nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án xảy ra ở bưu cục Cầu Voi, tháng 1-2008. (*)

“Các cơ quan tố tụng có sai sót, chúng tôi đều nhìn thấy. Ví dụ như không kịp thời thu hồi cái thớt, con dao làm vật chứng là có sai phạm”, Phó chánh án tòa án nhân dân tối cao nói. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Tuệ cho rằng khi xem xét, đối chiếu với những lời khai, chứng cứ khác để củng cố, thì Hội đồng thẩm phán thấy rằng bản chất của vấn đề ở đây là hành vi phạm tội Giết người, cướp của của Hồ Duy Hải là không thay đổi. Vì vậy, có sai lầm nhưng sai lầm này không làm thay đổi bản chất của vụ án.

Lập luận nói trên của phó chánh tòa tối cao là cách hiểu quen thuộc lâu nay trong tố tụng. Theo đó, có cách hiểu chung chung thế này: Theo từ điển tiếng Việt thì từ “sai” được hiểu là “không phù hợp với cái hoặc điều có thật, mà có khác đi”. Trong tố tụng hình sự, việc giải quyết vụ án sai là trường hợp các cơ quan thực hiện tố tụng giải quyết vụ án được giao một cách không khách quan, trái với những quy định của pháp luật.

Oan và sai trong tố tụng hình sự là hai hiện tượng hoàn toàn khác nhau, nhưng có mối quan hệ với nhau: việc làm oan người vô tội luôn luôn là hệ quả của hành vi trái (sai) pháp luật; còn sai được hiểu là tính chất của hoạt động hoặc chất lượng giải quyết vụ án hình sự của cơ quan thực hành tố tụng. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp hành vi sai pháp luật của cơ quan thực hiện tố tụng không dẫn đến việc làm oan người vô tội. Chẳng hạn: Trong quá trình điều tra, điều tra viên đã  hỏi  cung  bị  can  không đúng quy định của luật tố tụng hình sự (hỏi cung ban đêm…), hoặc do thiếu trách nhiệm trong việc đánh giá chứng cứ của vụ án, Thẩm phán đã áp dụng điều luật quy định tội phạm của Bộ luật hình sự không phù hợp với tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo. Những trường hợp sai này không thuộc nội hàm khái niệm oan.

Do vậy, “oan” và “sai” không đồng nhất với nhau.

Trở lại về vụ án xảy ra ở bưu cục Cầu Voi đêm 13-1-2008. “Con dao – cái thớt” mà ông phó chánh tòa tối cao nói đến, là hoàn toàn sai về công tác khám nghiệm hiện trường án mạng. Cái sai này dễ dẫn tới cái oan, vì dấu vân tay nghi phạm lúc đó là Hồ Duy Hải đã không tìm thấy ở hiện trường. Cái sai tiếp theo cũng về nghiệp vụ, hai nghi phạm ban đầu là Nguyễn Mi Sol, Nguyễn Văn Nghị có dấu vân tay ra sao? Những dấu vân tay của hai nghi phạm này có ở hiện trường hay không? Hồ sơ vụ án đã không thấy câu trả lời.

Vị phó chánh tòa tối cao nhận định “bản chất của vấn đề ở đây là hành vi phạm tội Giết người, cướp của của Hồ Duy Hải là không thay đổi”. Vậy thì cái gọi là “bản chất” đó đến từ lập luận suy diễn, hay lập luận trên cơ sở vật chứng hợp pháp?

Trong các vụ án mạng, cán bộ điều tra luôn buộc phải tìm cho được hung khí gây án, và nó là một tang vật hiện hữu nằm trong hồ sơ vụ án, chứ không phải là tang vật mô phỏng có thể tìm mua ngoài chợ, hay tiệm tạp hóa.

Nếu cách lập luận của phó chánh tòa tối cao cho xác lập “bản chất của vấn đề” ở phiên giám đốc thẩm kể trên được xem là ‘khuôn vàng thước ngọc’ của xét xử, thì tất cả các vụ án liên quan đến tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, trong hồ sơ điều tra không cần thiết phải kèm theo đầy đủ những chứng cứ tài liệu, bài báo có nội dung lâu nay vốn gây tranh cãi trong phân định đó là phản biện ôn hòa theo điều 25 và điều 28 của Hiến pháp 2013, hay đó là tài liệu nhằm muốn chống đảng chính trị, lật đổ chính quyền nhân dân?

Các cấp tòa chỉ cần lập luận theo mẫu câu: “bản chất của vấn đề ở đây là hành vi phạm tội … của … là không thay đổi”, là dễ dàng đưa ra phán quyết cuối cùng cho các bản án hình sự.

___________________

Chú thích:

(*) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/ly-do-khong-huy-vu-an-ho-duy-hai-du-vi-pham-vat-chung-cai-thot-con-dao-640474.html

Tin bài liên quan:

VNTB – Thiên hạ luận: Chúng ta chỉ mới viết một nửa sự thật…

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Tử tù Hồ Duy Hải sẽ chết trong ‘xà lim’ vì tuyệt vọng?

Phan Thanh Hung

VNTB- Đại dịch Covid cho thấy “vùng kinh tế trọng điểm” vẫn còn là khởi đầu

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo