Cát Tường
(VNTB) – Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo xác định của Bộ Luật Lao động được xác định có phần giới hạn hơn khi chỉ là tổ chức xã hội/nghề nghiệp đơn thuần, chỉ làm chức năng đại diện bảo vệ quyền hợp pháp, lợi ích chính đáng của người lao động trong phạm vi quan hệ lao động.
Một bài viết số đầu Xuân Giáp Thìn trên trang Việt Nam Thời Báo đặt câu hỏi “Bao giờ thì các tổ chức độc lập đại diện người lao động được thành lập?” (*)
Thử bàn luận vấn đề trên từ nền tảng pháp luật lao động hiện hữu. Theo đó, Bộ luật Lao động (năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021), lần đầu tiên quy định cho phép người lao động được thành lập tổ chức đại diện cho mình tại doanh nghiệp, ngoài Công đoàn Việt Nam, gọi là tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Đây là vấn đề rất mới, chưa có tiền lệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Việc nội luật hóa quy định cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, ngoài Công đoàn Việt Nam, được cho là vấn đề có tính quy luật, phù hợp với xu thế chung, là một trong những “chìa khóa” để Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.
Tuy đó từ đó đến nay giữa Công đoàn và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có những điều khác nhau rất cơ bản. Về nguyên tắc, thì, “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Trong khi đó, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo xác định của Bộ Luật Lao động được xác định có phần giới hạn hơn khi chỉ là tổ chức xã hội/nghề nghiệp đơn thuần, chỉ làm chức năng đại diện bảo vệ quyền hợp pháp, lợi ích chính đáng của người lao động trong phạm vi quan hệ lao động.
Từ việc giới hạn trên đặt trong yêu cầu của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) tuy không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động, nhưng đưa ra yêu cầu về lao động là phải áp dụng theo các tiêu chuẩn về lao động đã được nêu trong Tuyên bố năm 1998 về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của ILO. Đây là 2 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới dành nhiều ưu đãi cho hàng xuất khẩu Việt Nam, nhưng Việt Nam phải thực thi các cam kết về lao động, công đoàn.
Ngoài ra ở đây còn là đòi hỏi mang tính tương thích đối với Công ước của Liên hợp quốc về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam phê chuẩn tháng 9-1982, theo khoản 1 Điều 22: Mọi người đều có quyền tự do lập hội, kể cả quyền thành lập và gia nhập công đoàn, nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình.
Vấn đề tiếp theo còn là Công ước của Liên hợp quốc về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (Việt Nam phê chuẩn tháng 9-1982), theo khoản 1, Điều 8: Các nước thành viên cam kết, bảo đảm quyền của mọi người được thành lập và gia nhập công đoàn do mình lựa chọn.
Và bình diện chung nhất đó là Tuyên bố 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động (thông qua ngày 18-6-1998), theo quy định tại Mục 2: Tất cả các nước thành viên, dù đã phê chuẩn hay chưa phê chuẩn Công ước cơ bản của ILO, đều có nghĩa vụ thúc đẩy và thực hiện các nguyên tắc liên quan đến quyền cơ bản và nội dung của các Công ước, trong đó có quyền tự do liên kết và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể.
Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có tiền lệ về hệ thống tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tồn tại song song với Công đoàn Việt Nam, điều đó đặt ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước. Nếu coi các tổ chức này thuộc “loại hình tổ chức công đoàn khác” thì cần phải xem xét lại một số quy định của pháp luật hiện tại nhằm bảo đảm bình đẳng, không phân biệt, đối xử giữa các loại tổ chức công đoàn.
Trong bối cảnh đó, thiết nghĩ nên sớm hình thành những tổ chức chuyên trách về “pháp luật công đoàn” ở các Hiệp hội ngành nghề, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… cho việc đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, vừa phát huy thuận lợi từ việc gia nhập các FTA, vừa bảo đảm chủ quyền, lợi ích quốc gia trong bối cảnh hiện nay.
Và hơn hết đó còn là “bước thử nghiệm” cần thiết thay vì cứ mãi là một “quyền treo” trong khi nền kinh tế đang mỗi ngày “khao khát” những đơn hàng theo thỏa thuận từ cơ chế FTA.
______________
Tham khảo: