Việt Nam Thời Báo

VNTB – Lỗi tại con virus corona: Đại hội XIII của Đảng khó thể thành công tốt đẹp

Phú Nhuận

 

(VNTB) – Với những dồn dập tin tức về dịch Covid-19 tái bùng phát cộng đồng ở miền Bắc, đang ảnh hưởng trực tiếp tới Đại hội XIII đang diễn ra tại Hà Nội.

 

Hai ca nhiễm này chấm dứt chuỗi 55 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm nCoV cộng đồng. Tổng số ca nhiễm đến nay là 1.553, số khỏi 1.430, số tử vong là 35.

Ảnh hưởng đầu tiên là sự ‘phân tâm’ của các chính khách lãnh đạo, khi họ vừa phải ngồi dự họp, vừa phải thực hiện trách nhiệm trong quản lý địa phương về xử lý dịch Covid-19 tái bùng phát cộng đồng.

Ở buổi họp khẩn về tình hình Covid ngay tại nơi đang diễn ra Đại hội Đảng XIII, ghi nhận của báo chí cho thấy có sự hiện diện của tất cả các chức danh từ Thủ tướng đến Phó thủ tướng. Những chính khách này đã rời phiên làm việc tại hội trường, khi mọi người đang bàn về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, để “họp khẩn về Covid-19”.

Với dàn nội các Chính phủ đương nhiệm rời cuộc họp bàn về nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, đương nhiên đưa đến hệ lụy của chất lượng nhân sự đang được ‘luận bàn’ sẽ khó thể đủ được số phiếu cho chọn lựa.

Lúc 10g50, trả lời nhanh báo chí sau khi kết thúc cuộc họp ngày 28-1, ông Lương Ngọc Khuê – cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh – cho biết đang sửa chỉ thị của Thủ tướng theo hướng quyết liệt hơn.

“Hiện nay quan điểm rất mạnh là có thể phong tỏa Quảng Ninh, Hải Dương nhưng đang trình để xin ý kiến Thủ tướng. Các địa phương khác đều có khả năng lây lan diện rộng. Cảnh báo đến cả nước. Các ca bệnh liên quan đến chủng mới của virus nên nguy cơ lây lan rất nhanh. Trước kia chu kỳ ủ bệnh khoảng 4 ngày thì bây giờ nhanh hơn, có khi chỉ 2-3 ngày. Chỗ nhà máy đó trong thời gian ngắn đã lây lan nhanh. Phải sử dụng các biện pháp, tất cả nâng lên 1 bước để phòng chống dịch, từ thực hiện nghiêm chiến lược, sách lược, phân vùng, cách ly, dập dịch, điều trị và xét nghiệm” – ông Khuê cho biết.

Qua phân tích các ca ở Hải Dương và Quảng Ninh thì có mối liên quan về yếu tố dịch tễ. “Đây là ổ dịch lớn nhất phát hiện trong cộng đồng từ khi phát hiện dịch ở Việt Nam đến nay. Chưa chính xác, nhưng Hải Dương có 72 ca và Quảng Ninh 10 ca. Những xét nghiệm chắc chắn chúng tôi mới công bố. Có truy vết, tất cả biện pháp được thực hiện quyết liệt và tích cực”, ông Khuê nói.

Cho đến tối 28-1, Bộ Y tế thông báo ghi nhận tổng số 105 ca bệnh trong ngày, trong đó có 98 ca tại Quảng Ninh (14 bệnh nhân), Hải Dương (83 bệnh nhân) và Hải Phòng (1 bệnh nhân), cùng 7 ca bệnh mới nhập cảnh từ nước ngoài.

Thành phố Hạ Long từ đêm 27-1 đã khuyến cáo người dân không nên đi ra ngoài nếu không cần thiết, những người đã tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được xe y tế tới đón đưa đi cách ly. Quán ăn, nhà hàng, quán cà phê tại thành phố Hạ Long đã đóng cửa, chuyển sang bán mang về. Đồng thời tại các chợ, lực lượng chức năng đã lập các chốt đo nhiệt độ, và đội phản ứng nhanh yêu cầu mọi người đeo khẩu trang.

Không chỉ là tin tức về tái bùng dịch Covid-19 khiến các đại biểu đang dự Đại hội Đảng XIII phân tâm, mà các diễn biến trên sàn chứng khoán cũng khiến hoang mang không kém, khi chỉ trong thời gian rất ngắn, nhà đầu tư chứng kiến tài sản bốc hơi 23 tỷ USD. Nhiều người ngỡ ngàng vì diễn biến chưa từng có.

Lần đầu trong lịch sử gần 30 bluechip cùng giảm sàn, nhà đầu tư ồ ạt bán tháo trước diễn biến phức tạp của Covid-19 khiến Vn-Index rơi 73 điểm.

Nhịp rơi mạnh đã diễn ra vào cuối phiên sáng 28-1, khiến VN-Index chạm ngưỡng giảm kỷ lục. VN-Index mất hơn 70 điểm (6,46%) còn 1.026,27 điểm. VN30-Index giảm 6,7% còn 1.011 điểm. Đến cuối phiên sáng 28-1, có tới 475 mã chứng khoán trên HoSE giảm, với gần một nửa giảm sàn. Trong nhóm VN30, 20/30 mã bluechip giảm hết biên độ. Thanh khoản HoSE đạt hơn 14.500 tỷ đồng.

Tin tức dồn dập về tình hình xấu đi của dịch Covid ở Hải Dương, Quảng Ninh đã khiến thị trường đi ngang trong gần hết phiên chiều 28-1, khi trạng thái nghẽn giao dịch xảy ra và lực cầu bắt đáy không xuất hiện. Chốt phiên, VN-Index giảm hơn 73 điểm (6,67%) xuống 1.023,94 điểm. VN30-Index nhích nhẹ cuối phiên nhờ lệnh mua tại EIB và NVL, giảm 6,73% xuống 1.010 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm hơn 8%, còn UPCOM-Index giảm hơn 7%.

Đến cuối phiên ngày 28-1, sắc đỏ chiếm ưu thế hoàn toàn với 478 mã giảm trên HoSE, trong đó 276 mã giảm sàn. Trong nhóm bluechip, 29 mã giảm với 28 mã giảm sàn.

“Mọi thứ đều đang khá tốt, các doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh tăng mạnh, triển vọng nền kinh tế tốt nhưng chứng khoán giảm quá nhanh. Việc điều chỉnh giảm sau một thời gian tăng mạnh cũng là bình thường, nhưng tốc độ và mức giảm là điều đáng quan tâm”, ông Nguyễn Văn Tùng, một nhà đầu tại Hà Nội nhận xét. Theo ông Tùng, thị trường chung giảm khoảng 10% nhưng nhiều mã giảm 25-30%. Một số nhà đầu tư giảm tới hơn 40%.

Hoang mang ở đây của nhà đầu tư vì trước đó, Đại diện quỹ Pyn Elite Fund cho rằng, chỉ số VN-Index của chứng khoán Việt Nam sẽ tăng trưởng vượt xa dự báo của các tổ chức trong nước trong năm 2021. Dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng rất khả quan, trong khi tăng trưởng kinh tế được dự báo lên tới 6-7%, thậm chí 8%.

Công ty chứng khoán EVS cũng cho rằng, VN-Index sẽ lên mức 1.300 điểm, thậm chí trong kịch bản lạc quan có thể là 1.400 điểm nhờ sự hồi phục kinh tế nhanh và việc nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khoá, vĩ mô ổn định, lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng cao…

Trong một diễn biến khác, chính quyền Hà Nội thông báo có thể dừng tổ chức lễ hội dịp Tết nếu dịch Covid-19 bùng phát. Điều này xem ra sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến các chương trình đang được lên lịch cho chào mừng sự thành công rực rỡ của Đại hội Đảng lần thứ XIII, diễn ra cùng sự kiện sinh nhật lần thứ 91 của Đảng cộng sản, dự kiến tổ chức từ 21 tháng Chạp.


Tin bài liên quan:

VNTB – Quyền được biết

Phan Thanh Hung

VNTB – Nghe theo lệnh ai?

Phan Thanh Hung

VNTB – 80% gia đình ở TP.HCM đang chờ được ‘đi chợ hộ’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo