Việt Nam Thời Báo

VNTB – Luật sư xúi dân ‘hành động’?

Hà Nguyên

(VNTB) – ‘Hành động’ ở đây không phải là kêu gọi xuống đường biểu tình để mong làm ‘phản động’, mà ‘hành động’ để mong được giữ gìn Đảng, để Đảng xứng đáng nhận được sự kính trọng của ít nhất là cũng từ các đảng viên.

Luật sư Nguyễn Danh Huế thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội sau khi biện giải đã có lời kêu gọi người dân hãy thực hiện quyền làm chủ của mình – một thứ quyền mà thuở sinh tiền, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã rất mạnh miệng tuyên bố: “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, trang 75, nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012).

Luật sư Nguyễn Danh Huế, kêu gọi:

“Riêng các tỉnh miền Trung đã có đến mấy trăm thuỷ điện lớn, nhỏ. Thuỷ điện chắc chắn là nguyên nhân lớn gây nên lũ lụt và hạn hán, bởi nó làm mất rừng và phá vỡ cấu trúc tự nhiên.

Tại sao các doanh nghiệp thích làm thuỷ điện? Chỉ cần suy luận rất đơn giản thế này, điện cũng là một sản phẩm hàng hoá, với doanh nghiệp sản xuất thì việc hàng có bán được hay không là yếu tố thành bại. Để bán được hàng thì doanh nghiệp phải tốn kém rất nhiều chi phí cho marketing, xây dựng hệ thống phân phối… mà chưa chắc đã bán được hàng.

Nhưng sản xuất điện thì khác, sản xuất đến đâu bán sạch đến đấy mà không mất nhiều chi phí bán hàng, chưa kể có được cái nhà máy sản xuất điện đúng như có con gà đẻ trứng vàng, ung dung ngồi hưởng thành quả lâu dài. Các doanh nghiệp đua nhau làm nhà máy điện cũng vì như thế. Khi nhiều doanh nghiệp muốn làm thì đương nhiên chính quyền rất thích, lúc ấy chính quyền có quyền ra “cơ chế”.

Sản xuất ra điện không phải lo bán hàng đã thích, việc khi được phê duyệt dự án rồi thì chặt rừng bán gỗ cũng thích không kém, có khi bán gỗ và khai thác khoáng sản đã thu gần hết vốn.

Luật quy định khi chặt rừng làm thuỷ điện thì phải trồng rừng bù đắp cho phần chặt đi, nhưng thực tế chẳng mấy doanh nghiệp trồng, bởi đơn giản, lấy đất đâu mà trồng? Đó còn chưa kể đến việc nâng khống giá trị đầu tư để vay ngân hàng, nhiều anh “tay không bắt giặc” cũng vì thế, có khi chưa bỏ ra xu nào đã có cái thuỷ điện trong tay.

Để ngăn chặn việc phát triển thuỷ điện ồ ạt thì cần nhiều giải pháp, nhưng có lẽ cách bền vững nhất là phát triển năng lượng sạch như điện gió và điện mặt trời – thứ mà rất phù hợp với miền Trung nước ta, nhưng chi phí đầu tư rất cao. Cần nói không với các doanh nghiệp FDI trong một số lĩnh vực tiêu tốn nhiều điện mà gây ô nhiễm môi trường như sản xuất thép…, đưa mấy doanh nghiệp như Formosa vào thì cái lợi trước mắt nhưng cái hại thì lâu dài và lớn gấp nhiều lần cái hại.

Đừng bao giờ mong chính quyền nghĩ cho dân hay chính quyền tự sửa sai. Chỉ khi người dân trưởng thành, biết buộc chính quyền phải hành động đúng để bảo vệ môi trường sống của mình thì khi đó mới hết những kiếp nạn hiện nay!”

Không khó để nhận thấy việc xin cấp phép xây dựng những nhà máy thủy điện nhỏ thực chất chỉ là mượn cớ làm thủy điện để hợp thức hóa việc phá rừng.

Vườn quốc gia phần nhiều là những rừng nguyên sinh, tài nguyên rừng (gỗ, lâm sản, động thực vật hoang dã mang nguồn gen quý hiếm…) vẫn tương đối dồi dào, phong phú. Trong lúc việc khai thác rừng bên ngoài thời gian gần đây bị cấm đoán gắt gao, hơn nữa rừng cũng đã gần như cạn kiệt thì các chủ đầu tư chuyển hướng, nhắm tới các vườn quốc gia.

Nếu như được cấp phép suôn sẻ, họ chỉ cần khai thác lâm sản dưới dạng tận thu đã có lãi, lợi ích từ làm thủy điện chỉ là chuyện nhỏ, có thể “bán cái”, thậm chí bỏ dở cũng không sao.

Lúc còn đương chức, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM từng chia sẻ về sự bất lực của Đảng và Nhà nước: “Không phải Chính phủ không thấy, Quốc hội không thấy nhưng mình chưa mạnh mẽ để bảo vệ rừng của mình cho tốt. Vì lợi ích trước mắt để cho người ta cơ hội phá rừng. Phá rừng để thu lợi bất chính là lợi ích nhóm, đặc biệt là trong làm thủy điện. Mọi thiệt hại ở vùng hạ du thủy điện nhỏ và vừa do việc khai thác rừng bừa bãi, khó kiểm soát đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân”.

Với những gì đang diễn ra ở miền Trung, cho thấy đúng là “đừng bao giờ mong chính quyền nghĩ cho dân hay chính quyền tự sửa sai. Chỉ khi người dân trưởng thành, biết buộc chính quyền phải hành động đúng để bảo vệ môi trường sống của mình thì khi đó mới hết những kiếp nạn hiện nay!”

Tin bài liên quan:

VNTB – Vì sao có không ít ủy viên trung ương nhúng chàm?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Tiến sĩ chân vịt Bùi Văn Cường có dám tranh luận lại?

Phan Thanh Hung

VNTB – Bỏ đề xuất luật hóa việc CSGT được trích 70% tiền xử phạt vi phạm giao thông

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo