Nguyễn Đình Ấm
(VNTB) – Nếu sai phạm trong quá trình tố tụng “không ảnh hưởng bản chất vụ án” thì làm ra luật tố tụng hình sự để làm gì?
Tôi đã theo dõi, viết về nhiều vụ trọng án, phần lớn các vụ điều tra, xét xử đúng người, đúng tội với các chứng cứ không ai thắc mắc nhưng cũng không ít vụ bị oan sai do nghi phạm bị nhục hình, mớm cung như kiểu vụ Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long…
Đặc điểm của các vụ bức cung, mớm cung:
Theo kể và tố cáo của các dân oan này thì lúc đầu điều tra viên (ĐTV) thường áp dụng biện pháp nghiệp vụ thông thường không xong thì dùng thủ đoạn để bắt nghi can phải nhận tội. Việc này không khó với ĐTV vì quyền của họ là vô hạn, nghi can bị giam biệt lập không ai có thể biết họ làm gì với nghi can.
Đầu tiên nghi can bị bỏ đói, có trường hợp trộn cát sỏi vào thức ăn, suốt ngày đêm ĐTV thay nhau hỏi cung, có thể chuyển buồng giam liên tục, cho đầu gấu hành hạ, nếu có nhiều nghi can trong một vụ thì ĐTV viết ra những bản cung nhận tội rồi đưa cho các nghi can nói là người nọ, người kia trong bọn đã khai nhận và tố “mày” đây này…làm cho nghi mệt mỏi, căng thẳng đến tột độ, mất niềm tin vào khả năng cự cãi. Cuối cùng nếu nghi can vẫn không “nhận tội” ĐTV giả vờ nổi điên chửi mắng, dùng nghiệp vụ võ thuật đánh đấm bằng những đòn “chìm” rất đau đớn nhưng hạn chế lưu lại dấu vết. Nghi can Phan Ngọc Hải (46 tuổi) ở thôn Mai Chung Huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) trong vụ một trộm cá chết kể: bị ĐTV Trường nói thẳng “không có thằng nào vào đây mà bảo không có tội, không có thì đánh cho phải có, đánh cho chừa….
Sau đó ĐTV Tuấn, Trường lấy còng sắt còng tay tôi quặt ra sau ghế dùng gậy gỗ, dùi cao su vụt vào mắt cá chân, các khớp trên cơ thể, dùng chân giày đá móc vào thóp bụng, mạng sườn…”. Anh Trường nói thẳng, “ tao đánh cho mày khi trái gió, trở trời biết thế nào là lễ độ…”. Càng van xin thì đòn càng mạnh đến khi tỉnh dậy thấy mình ở xó phòng, toàn thân đau nhức, tê dại…Cứ thế, tôi cảm thấy nếu cứ không “nhận tội” thì sẽ đi đến cái chết quá khổ cực, thậm chí muốn chết ngay cho khỏi khổ…
Hôm ĐTV đưa Hải về thôn Mai Chung để “lấy tang vật” ĐTV phải dìu, hết hạn ở tạm giam họ phải hoãn đưa về trại vì sợ trại từ chối…”
Đến khi đã nhận tội rồi thì ĐTV yêu cầu, dỗ dành phải chứng minh tội, đánh anh Nghĩa (người bị chết) như thế nào rồi ghi vào bản cung và khẳng định tự mình khai chứ không bị ép buộc. Trong vụ này theo yêu cầu của ĐTV Phan Ngọc Hải còn phải bịa ra tang vật như cái lưới thu được để ở nhà hàng xóm và dẫn ĐTV về nhà thu lưới. Thế nhưng về nhà ông Sáu thì mấy cái cái lưới cũ của nhà ông cả năm không dùng đến đầy mạng nhện, bụi bậm, ĐTV ỉm đi, không thu nữa. Một lần ĐTV yêu cầu Phan Ngọc Hải vẽ sơ đồ mấy cái ao ở làng. Hải vô tư vẽ nhưng khi ra tòa thì họ bảo Hải đã nhận tội tự vẽ…Cháu Điềm chưa đến tuổi thành niên, ĐTV về bắt nói với mẹ cháu : “Cho tôi mượn thằng bé chút trả” rồi đưa lên xe máy về huyện giam xử tù…
Trong vụ Nguyễn Thanh Chấn thì ĐTV yêu cầu ông Chấn tập duyệt động tác đâm bà Hoan như thế nào, mượn nhà dân để ông Chấn diễn lại vụ giết chứng minh mình phạm tội thật…(theo Vietnam net)…
Vụ đánh chết trộm ở Cẩm Giàng nói trên 4 người đều phải trải qua những cuộc tra tấn và đều phải nhận tội, khi ra tòa phản cung ở hai cấp tòa nhưng đều bị bác vì “đã khai thành khẩn không bị ép buộc”. Vụ Hàn Đức Long phải nhận hiếp, giết cả hai mẹ con và nhiều vụ khác cả một nhóm người bị khuất phục trước sự tra tấn của ĐTV thì với những vụ bắt chỉ một nghi can phải nhận tội bừa là rất đơn giản.
Bà Dư Thị Thành vợ cụ Lê Đình Kình ở Đồng Tâm gần 80 tuổi chưa bao giờ vi phạm gì, trong vụ công an tập kích ngày 9/1/2020 tố cáo sau khi giết cụ Kình bà bị bắt đưa ra đồn những công an tuổi cháu bà yêu cầu ký nhận cụ Kình bị chết ngoài chỗ xây tường cách 4 km khi bà không ký thì chúng chửi bới,đánh đập rồi “cho mày về mà chôn chồng”!…
Thời gian qua đã xẩy ra nhiều vụ nghi phạm bị tạm giam của công an khỏe mạnh nhưng sau chết trong trại, liệu đó có phải là những người “cứng đầu” thà chết chứ không chịu nhận tội bừa?
Đặc điểm nữa là dù đã thành án nhưng khi nghi can được phép tiếp xúc với ai luôn có công an giám sát. Hầu hết những nghi can nói với tôi khi nào chưa ra tòa còn nằm trong tay công an mà phản cung thì “sợ lắm”…
Luật tố tụng hình sự để làm gì?
Với vụ Hồ Duy Hải (HDH) tôi thấy không có bằng chứng trực tiếp mà toàn suy diễn từ lời khai của HDH, của người nọ, người kia rồi tìm vật chứng cho phù hợp.Ví dụ về việc mua dao, thớt làm vật chứng tòa tuyên bố “mua dao thớt đúng như mô tả của HDH”. Việc HDH phải mô tả cái thớt mua ở chợ giống cái thớt, con dao mua về là quá dễ khi đã phải “nhận tội” rồi.
Việc Hải khai bán đồ cho tiệm ở TP HCM cũng quá dễ, thiếu gì tiệm vàng ở TP HCM. Việc không mời nhân chứng Đinh Vũ Thường tòa khẳng định đã gặp ĐVT anh ta khẳng định HDH có mặt tối xẩy ra án mạng trong khi luật sư đưa văn bản của ĐVT nói không được tòa mời, không xác định HDH có mặt trong thời điểm xẩy ra vụ án nhưng không được công nhận với lý do người ĐVT nhìn thấy có màu áo giống áo HDH… Thử hỏi 17 ông quan tòa, trong xã hội có những người không cùng mẹ cha nhưng giống nhau như anh em sinh đôi, cái áo này giống cái áo khác có phải là độc không?Chẳng lẽ một hiệu may, một nhà máy chỉ sản xuất cho mỗi cái áo một mẫu mã? Lập luận của các vị có khác đứa trẻ lên năm?
Hơn nữa, một đằng có văn bản, chữ ký viết tay của Đinh Vũ Thường với lời khẳng định xuông của tòa, cái nào đáng tin cậy hơn? Trong vụ này, sau vụ 2 nhân viên bưu điện Cầu Voi bị giết báo công an ngày 16/1/2008 đăng bài nói rõ nghi can Nguyễn Văn Nghị bị nghiện, bạn của Ánh Hồng, thường ghen tuông với anh S, “dân thấy Nghị mặc quần jean, áo gió vào bưu điện tối xẩy ra án mạng”…mà sao lại loại nghi can Nghị khỏi hồ sơ, nhưng với Hồ Duy Hải không có những tình tiết rõ ràng như với Nguyễn Văn Nghị thì lại ráo riết “vận dụng” để kết tội?
Trong vụ xử giám đốc thẩm, tòa cũng chỉ nhấn mạnh “ lời khai của các nhân chứng hoàn toàn phủ hợp với lời khai của Hồ Duy Hải”(báo Công Lý)… Nói chung tất cả luận điểm tòa giám đốc thẩm kết tội HDH chỉ toàn xuất xứ từ lời khai của HDH, người này, người nọ rồi lấy những bằng chứng giả như dao, thớt…minh họa cho bằng chứng thật.Trong khi đó những tình tiết rất quan trọng như dấu vân tay không phải của HDH nhưng không tìm ra là của ai, không xét nghiệm máu, không tìm thấy dao, thớt, ghế gây án…
Tại sao lại không thu thập, lưu giữ mà lại đốt 3 vật chứng duy nhất có thể dùng giết người này, tại sao lại đốt cháy được con dao bằng sắt, tại sao 4 lần Hồ Duy Hải phản cung ở hai cấp toàn lại không được ghi nhận mà còn khẳng định HDH “có đơn xin thi hành án sớm… và xin giảm hình phạt”. Nếu HDH đã phải nhận tội bừa để thoát cảnh cực kỳ căng thẳng, đớn đau, thất vọng… muốn giảm nhẹ hình phạt, chết đi cho rồi không có gì lạ. Vừa qua chỉ vì thiếu đói, nợ nần mà nhiều người còn tự kết liễu cuộc sống của mình cơ mà!
Tòa giám đốc thẩm chủ yếu xem xét quá trình tố tụng có đúng pháp luật hay không nhưng tòa lại né tránh quá nhiều sai phạm để đi vào các chi tiết rồi biện bạch kết tội HDH. Đi vào chi tiết nhưng lại không cho bị hại, luật sư,thân nhân tham gia tố tụng,các cơ quan truyền thông dự đưa tin nhiều chiều…mà chỉ đặc cách cho “báo nhà” độc quyền đưa tin “dọn dẹp”, định hướng dư luận… là khuất tất, bất chính. Luật nào cho phép phiên xử công khai lại không cho bị hại dự để biện hộ cho mình, hạn chế luật sư của thân chủ, cấm báo chí tham sự?
Đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân phát biểu rất đúng: “Người ta( tòa giám đốc thẩm) cho rằng sai phạm trrong tố tụng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án từ đó có thể chủ quan xem thường quy trình tố tụng”.
Xin hỏi Nguyễn Hòa Bình và 17 vị kia: Nếu sai phạm trong quá trình tố tụng “không ảnh hưởng bản chất vụ án” thì làm ra luật tố tụng hình sự để làm gì?
Tôi không phủ nhận HDH oan hay không nhưng khi giết một mạng người dù nhỏ nhoi đến đâu cũng phải được minh bạch!
Ông Nguyễn Hòa Bình và 17 người biểu quyết kết tội HDH có còn lương tri tự hỏi, tại sao có bao nhiêu vụ xử tử hình dân không thắc mắc gì ngược lại còn hoan nghênh nhưng dư luận lại phẫn nộ về vụ HDH?