(VNTB) – Khi khai thác song song sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành thì không hãng hàng không nào muốn đến Long Thành vì hành khách muốn đi, đến đoạn đường gần, tiện lợi, nhanh chóng.
Vài năm trước đây tôi đã có bài ; “Mách nước mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất” không cần xây Long Thành không thấy ai phản bác nhưng tất nhiên không ai nghe “phản động”, nay tôi lại “múa rìu qua mắt thợ” lần nữa.
Hiện sân bay Tân Sơn Nhất làm thêm nhà ga T3, sân bay Long Thành (LT) đang đi đến năm 2025 kết thúc giai đoạn 1, công suất 25 triệu khách/năm. Mấy hôm trước lại thấy báo quốc doanh đăng chính phủ đã phê duyệt cải tạo, mở rộng sân bay Biên Hòa thành sân bay lưỡng dụng, công xuất 5 triệu khách năm, rồi xây sân bay công an ở Gia Bình(Bắc Ninh)…
Tôi không hiểu nhà nước tổ chức giao thông HK ở thành phố HCM như thế nào. Cùng một lúc mà khai thác thương mại cả ở ba sân bay thì có tiện lợi không khi tỷ lệ khá cao hành khách, hàng hóa phải nối chuyến?
Tôi khẳng định khi khai thác song song sân bay TSN và LT thì không hãng HK nào muốn khai thác đến LT mà chỉ muốn khai thác ở TSN. Bởi vì, hành khách muốn đi, đến đoạn đường gần, tiện lợi, nhanh chóng.Như vậy khi ấy nhà chức trách phải dùng biện pháp hành chính để điều phối.
– Tương lai cho Long Thành
Theo tôi, đã quy hoạch, xây dựng cảng HK Long Thành (LT) thành sân bay “tầm cỡ châu Á, thế giới” tốn hơn chục tỷ đô với công suất hàng trăm triệu khách/năm thì lâu dài chỉ nên khai thác duy nhất sân bay LT để tối ưu hóa tiện ích và logistic. Muốn thế phải có định hướng từ bây giờ tránh lãng phí. Hãy tưởng tượng, khách bay đến sân bay LT rồi phải bay đi các địa phương khác thì lại phải đi đường bộ hơn 30 km nữa đến TSN hay Biên Hòa để đi tiếp với tâm trạng tắc đường, chậm trễ, lỡ chuyến…Đặc biệt bộ máy quản lý, trang, thiết bị, nhà xưởng…giống nhau đáng lẽ ở một nơi nay rải ra ba nơi.
Tôi đi nhiều sân bay trên thế giới chỉ họa hoằn mới thấy người ta khai thác kiểu bất tiện, lãng phí như vậy do lịch sử để lại mà họ chưa khắc phục được còn hầu hết những trung tâm giao thông HK đều tập trung vào một điểm để tối ưu hóa mọi mặt thuận tiện, lợi ích, hiệu quả.
Hiện nay những trung tâm dân cư lớn như Hà Nội, HCM có thể xây dựng “đô thị sân bay” như Changi (Singapore), Las Colinas (Texas-Mỹ), Schiphol (Hà Lan), Incheon (Hàn Quốc), Sydney (Úc)…có hiệu quả kinh tế cao, trong khi ta lại phân tán như thế là ngược lại với xu thế thế giới, không hiệu quả.
Theo tôi, trước mắt hoàn thành nhà ga T3 TSN rồi chấm dứt, tạm thời khai thác song song sân bay LT, TSN và tiếp tục xây dựng luôn LT giai đoạn 2,3.Đến khi LT đạt công suất 60 triệu khách/năm và xây xong đường sắt tốc độ cao từ thành phố HCM đi LT thì chấm dứt khai thác TSN chuyển sân bay này sang mục đích sử dụng khác.
Tiền ở đâu?
– Trước mắt bán đấu giá hơn 150 ha ở TSN mà quân đội, nhà nước cho doanh nghiệp làm sân golf, chung cư, nhà hàng khách sạn.
Đây là cái gai chọc vào mắt dân hàng ngày khi sân bay chật chội, quá tải. Nay giải tỏa những công trình này thì lãng phí, tốt nhất đấu giá bán lô đất khổng lồ này vừa nhổ đi “cái gai” đồng thời có tiền thực hiện việc lớn. Hiện giá đất ở TSN không dưới 100 triệu VNĐ/ m2.150 ha tức 150.000m2, nhà nước có gần 6 tỷ USD.
Nếu mở rộng LT và làm 30 km đường sắt cao tốc còn thiếu thì đấu giá tiếp sân bay TSN, chỉ để lại độ 300 ha (sân bay TSN theo đo đạc năm 2004 có diện tích 1.150 ha) làm trường học, bệnh viện, công viên, sân bay thể thao, cấp cứu hàng không.
Theo tôi, nếu làm theo cách này sẽ thừa tiền hoàn tất sân bay hiện đại tầm cỡ châu Á, mai sau thiết lập đô thị sân bay, xứng đáng điểm trung chuyển HK ở đông nam Á, châu Á.
Muốn thành “đô thị sân bay”, tránh ô nhiễm, tai nạn giao thông, hành khách, nhân dân đi lại thuận tiện, giá rẻ, “tầm cỡ châu Á” thì phải làm đường sắt cao tốc HCM- LT. Hãy xem những sân bay lớn trên thế giới và ở ngay gần ta như Changi, Subanabhumi (Thái Lan)… giao thông nội bộ trong sân bay người ta còn thiết lập hệ thống đường sắt, băng chuyền để vận chuyển hành khách, hàng hóa.
Một sân bay hiện đại cách thành phố đông đúc 30km công suất 50,60, 100 triệu khách/năm mà không có đường sắt cao tốc để hàng ngày hàng nghìn, vạn ô tô, xe máy đi lại 30 km thì ô nhiễm còn gấp nhiều lần số xe cộ đó đi lại ở TSN chỉ cách thành phố vài km, đó là chưa kể tắc đường, tai nạn giao thông, tăng giá thành vận tải.
Cảng HK quốc tế LT là biểu tượng, bộ mặt, động lực phát triển của quốc gia cho hàng trăm năm cần nhìn xa, trông rộng, quy hoạch, sử dụng nguồn lực một cách tối ưu.