Việt Nam Thời Báo

VNTB – Mần ruộng có làm giàu được không?

Tình trạng thiếu nước ở đồng bằng sông Cửu Long

Cửu Long (ghi chép)

(VNTB) – Nông dân bao đời nay vất vả làm lúa để nuôi sống xã hội nhưng chẳng thoát khỏi cái nghèo. Đó là một bất công.

 

Ngày 30-10, tại phiên thảo luận về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất giảm diện tích lúa, tăng diện tích chuyển đổi sang mục đích khác để người dân đồng bằng sông Cửu Long có cơ hội thoát nghèo.

Theo dự thảo nghị quyết về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025) do Chính phủ trình, diện tích đất trồng lúa trên cả nước đến năm 2030 sẽ giảm khoảng 348.000ha, từ 3,9 triệu ha xuống 3,5 triệu ha.

Việc giữ 3,5 triệu ha đất để sản xuất được ít nhất 35 triệu tấn lúa nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia là quá lớn, không thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân ở vùng có đất lúa lớn như đồng bằng sông Cửu Long.

Một vùng với 12% diện tích và 19% dân số của cả nước mà gánh gần 50% diện tích đất lúa là chưa phù hợp. Như vậy, trong 10 năm tới đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vùng sản xuất lúa chính vì sự chuyển đổi diện tích là quá nhỏ và theo hướng này, vùng này khó có thể đô thị hóa hoặc phát triển theo hướng công nghiệp nhanh được” – đại biểu Nguyễn Thanh Phương của Đoàn đại biểu Cần Thơ, ý kiến.

Ông Nguyễn Thanh Phương hiện là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Cần Thơ.

Vẫn theo ông Phương, cần cân nhắc điều chỉnh giảm diện tích lúa của Đồng bằng sông Cửu Long xuống mức 1,3 – 1,4 triệu ha, thay vì 1,67 triệu ha vào năm 2030. Như vậy diện tích đất lúa cả nước sẽ vào khoảng 3,2 triệu cho giai đoạn 10 năm tới là hợp lý. “Làm nông khó giàu lên lắm, để người dân có thể ly nông nhưng không ly hương mới là điều chúng ta cần, còn ly nông mà ly hương là vấn đề cần tránh” – ông Phương nhấn mạnh.

“Làm nông khó giàu lên lắm” là không sai nếu như vẫn giữ nguyên Luật Đất đai như lâu nay.

Ông Nguyễn Trọng Bình, giảng viên tại Đại học Cửu Long, tỉnh Vĩnh Long, kể câu chuyện bằng tâm thế là người trong cuộc (trích):

“Tôi sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Long, từ nhỏ đã biết theo ba mẹ ra đồng làm ruộng. Ngón tay út của bàn tay trái tôi hiện vẫn còn một vết sẹo dài – vết tích của lần ‘tập sự’ đầu tiên cầm cái lưỡi hái cắt lúa khi vừa xong tiểu học. Cho đến giờ tôi vẫn còn ám ảnh chuyện này. Đó cũng là lý do suốt những năm tháng tuổi thơ đến khi vào đại học tôi rất sợ công việc đồng áng.

Với tôi công việc này quá vất vả chứ không đẹp và lãng mạn như cách nói của các văn nghệ sĩ. Trong mắt tôi, nông dân bao đời nay vất vả làm lúa để nuôi sống xã hội nhưng chẳng thoát khỏi cái nghèo. Đó là một bất công.

Trước bất công ấy, chúng ta đã làm gì? Mỗi ngày, mỗi người trong chúng ta đều “bưng bát cơm đầy” nhưng hãy tự vấn lại xem mấy ai chỉ biết “dẻo thơm” chứ không thật sự thấu hiểu những “đắng cay muôn phần” của người làm ra hạt gạo ấy? Phải chăng tất cả chúng ta đang nợ nông dân lời xin lỗi và lòng biết ơn chân thành? Cũng phải chăng vì chưa từng cúi xuống thật gần với nông dân để thấu hiểu họ nên chúng ta không thật sự tri ân.

Và vì không biết ơn đủ nên những báo cáo vĩ mô vẫn chưa cho thấy hết tinh thần thần trách nhiệm của những người may mắn được ngồi trong phòng lạnh để bàn về những quyết sách mang tầm quốc gia đại sự?”.

Thầy giáo – nông dân Nguyễn Trọng Bình kể tiếp: Ở quê vợ tôi, cô Xoan là người quyền lực. Cô là thương lái độc quyền cân lúa khu vực này.

Ba vợ tôi vốn là giáo viên cấp hai ở một huyện thuộc tỉnh An Giang. Ngoài dạy học, ông là một nông dân chính hiệu. Cách đây mấy hôm, tôi về An Giang thăm và phụ ông thu hoạch vụ lúa Đông Xuân muộn. Công việc của tôi là theo dõi thợ dùng máy liên hợp cắt và cho lúa vào bao, sau đó chở ra đoạn quốc lộ 91 cách đó một cây số để chờ thương lái đến cân. Sau khoảng ba giờ, lúa của ba tôi được chuyển hết ra quốc lộ, chất liền kề với lúa của các hộ khác. Tất cả đều chờ cô Xoan, người phụ nữ ngoài 50 tuổi, cho xe tải đến cân và tính tiền.

Dáng người thấp, cô Xoan có cái miệng rất xởi lởi. Khi nói chuyện, cô hay đệm vào mấy tiếng chửi thề bất kể người đang giao tiếp với mình là ai. Vì gần như chỉ mình cô độc quyền cân lúa ở đây nên cô muốn đến lúc nào thì đến, dù là sáng sớm hay nửa đêm thì tất cả cũng phải ngồi chờ.

Thêm nữa, cách cô cân lúa rất “độc” và “lạ”. Cô cho người thảy bao lúa lên cái cân đồng hồ, ghi lại số ký lô theo kiểu trừ hao thụt lùi chứ không tiến bao giờ. Ví dụ, kim của cân đồng hồ chỉ 45,8 ký, cô sẽ làm tròn thành 45 ký cho dễ tính.

Đó là chưa kể, cô còn tiếp tục “trừ bì” với một quy ước bất thành văn: cứ 8 bao đựng lúa cô sẽ trừ lại đúng bằng một ký. Quyền lực cuối cùng và lớn nhất là cô sẽ quyết định giá lúa của mỗi nông dân tùy vào “dàn lúa” mà theo cô là khô hay ướt, dơ hay sạch hoặc đôi khi, hôm đó của cô vui hay buồn.

Mười năm trước, lần đầu tiên cùng tham gia cân lúa với cô, tôi đã mang tất cả những vô lý và bất công trên nói lại với ba vợ tôi. “Chịu thôi con, vì ở đây ai cũng vậy chứ đâu phải riêng mình”, ông tặc lưỡi. Ông kể tôi nghe chuyện ông Năm hàng xóm, lần nọ vì phàn nàn cách cân lúa của cô Xoan, thế là vụ tiếp theo cô không mua nữa. Ông Năm phải thuê xe chở lúa qua khu vực khác để bán, vừa vất vả lại còn mất thêm chi phí chuyên chở.

Vụ Đông Xuân này, cô Xoan cân lúa của ba tôi với giá năm ngàn năm trăm đồng mỗi ký. Lẽ ra là năm ngàn sáu trăm đồng, nhưng vì đêm trước khi cắt lúa, cả miền Tây bất ngờ có một cơn “mưa vàng” nên cô Xoan “trừ hao vì lúa ướt”. Ba tôi sau khi nhận tiền từ tay cô, chạy ngay đến đại lý vật tư nông nghiệp gần đó để thanh toán chi phí phân bón, thuốc trừ sâu đã mua từ đầu vụ. Bữa cơm chiều hôm đó, sau khi kết toán lại tất cả các khoản chi phí, ba tôi thông báo “vụ này coi như huề vốn, lỗ công”.

Nghe ông nói, tôi chỉ lặng im. Tôi nhớ đến cái miệng xởi lởi hay chửi thề của cô Xoan, các hội nghị, hội thảo bàn về “nông nghiệp – nông dân – nông thôn” hay tranh cãi quanh vấn đề “an ninh lương thực” quốc gia liên quan đến xuất khẩu gạo trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Tôi nhớ một cựu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2014 đã xác quyết “người nông dân làm lúa có lãi 30%”.

Tôi cũng ấn tượng hơn cả trước khuyến cáo của một vị giáo sư luôn được giới thiệu là “chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp”. Ông nói: “Nông dân lâu nay làm lúa không giàu thì không nên làm lúa nữa mà hãy chuyển đổi sang mô hình khác, nhất là trong bối cảnh đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn ngày một khốc liệt”.

Bằng quan sát và trải nghiệm cá nhân trong tư cách một người trong cuộc, thật sự tôi hoang mang với khuyến cáo của vị giáo sư; hay ít ra, trong cái nhìn của tôi, đây chưa phải là giải pháp căn cơ, toàn diện và thấu hiểu sự phát triển của đồng bằng và bài toán an ninh lương thực quốc gia.

Ai đã tìm hiểu về lịch sử đất nước Israel đều biết quốc gia này phần lớn là sa mạc, thế nhưng với những ý tưởng và quyết tâm ngỡ như không tưởng, giờ đây họ trở thành quốc gia hàng đầu về nông nghiệp công nghệ cao.

Từ năm 2013, Israel đã tuyên bố tự sản xuất nước mà không còn phụ thuộc vào thời tiết. Trong so sánh với Israel, Việt Nam hiện vẫn là nơi được thiên nhiên rất ưu đãi. Nếu chỉ vì ba tháng khô hạn mà chúng ta lại từ bỏ thế mạnh và sở trường trồng lúa của mình đã nên chưa? Thế nên theo tôi, nếu người dân làm lúa không giàu thì việc trước tiên là làm sao để họ giàu lên chứ không phải “xui” họ chuyển sang làm việc không đúng sở trường của mình. Khuyến cáo người dân thôi trồng lúa nhưng chưa xác định được trồng gì, nuôi gì thay thế, có quá vội vàng?

Ngoài ra, để ứng phó với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn hiện nay, việc thay đổi tư duy để có một quyết sách căn cơ nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên nước cho vùng đồng bằng sông Cửu Long như cách người Israel đã làm có lẽ là ưu tiên để bàn luận.

Khi ấy, cho dù đồng bằng có bị xâm nhập mặn vào mùa khô thì với vòng đời 90 ngày của cây lúa, tôi cho rằng việc đáp ứng nguồn nước tưới tiêu hoàn toàn không phải chuyện bất khả…”.

Không dài dòng như hai giảng viên bậc đại học ở trên, lão nông Lê Văn Phải ở ấp Sơn Tiến, xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang tỉnh rụi, “Tui kiến nghị cần sớm bỏ vụ hạn điền đối với xứ miền Tây Nam bộ, để ai có tiềm lực kinh tế, có kinh nghiệm thì đầu tư vô, ai không có khả năng thì dồn cho người khác, chuyển đổi nghề phù hợp hơn!”.

Những lão nông tri điền ở ấp Sơn Tiến đều biết con đường trở thành “chúa đất” của ông Lê Văn Phải (Út Phải, 69 tuổi): “Khi địa phương bắt đầu thực hiện chính sách giãn dân và đẩy mạnh khai phá đất hoang hóa trên địa bàn, nhờ có máy cày ông Út Phải đã nhanh chóng phất lên.

Do khó có khả năng khai phá bằng sức người, nhiều nông dân không tiền đã nhờ ông đem máy cày đến san ủi, cải tạo đất rồi trả công bằng một phần diện tích ruộng được cấp. Từ đó, ông nhanh chóng có được nhiều thửa ruộng tốt”.

Rồi ông bỏ tiền mua những thửa ruộng xấu, không bằng phẳng, còn dậy phèn với giá chỉ 5 – 6 giạ lúa/công, dùng máy cơ giới cải tạo thành ruộng tốt. Cứ thế, diện tích đất của ông đã tăng vùn vụt, có lúc lên tới hơn 600 công.

Bốn người con của ông khi lập gia đình, ra riêng đều được ông chia cấp cho mỗi người cả trăm công. Sau đó họ lại mua thêm đất nên hồi ấy có người mới ngoài 20 tuổi đã có hơn 200 công ruộng cùng nhiều phương tiện cơ giới khác trị giá hàng trăm triệu đồng. Mỗi vụ lúa hồi chục năm trước, họ thu lãi 400 – 500 triệu đồng…


Tin bài liên quan:

VNTB – Đất đai và chính trị

Phan Thanh Hung

VNTB – Thẩm định giá đất: chín người, mười một ý

Do Van Tien

VNTB – Thiên hạ luận: Xin đừng xem sinh viên là… con nít để mà dạy – dỗ

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo