Việt Nam Thời Báo

VNTB- Mẹ Nấm: Tuyên truyền chống nhà nước hay chống Formosa?

Nguyễn Tường Thụy

Những tài liệu tuyên truyền chống nhà nước của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh?

(VNTB) – Nhưng qua mỗi đợt bắt bớ, hàng ngũ những người đấu tranh vẫn tiếp tục đông lên. Nhà cầm quyền không thể dập tắt phong trào đấu tranh ôn hòa bằng cách răn đe, gieo rắc nỗi sợ hãi.

Sau khi Bộ công an tùy tiện thông báo Việt Tân là tổ chức khủng bố và đe dọa sẽ “xử lý” những ai dính líu đến Việt Tân, giới quan sát cho rằng đây là động thái dọn dư luận để bắt bớ những nhà hoạt động xã hội độc lập, tạo không khí sợ hãi trong dân chúng. Người đầu tiên người ta nghĩ đến là Linh mục An tôn Đặng Hữu Nam. Ông là người đã tổ chức thành công vụ đưa trên 500 giáo dân giáo xứ Phú Yên vượt 200 km từ Nghệ An vào Thị xã Kỳ Anh nộp đơn kiện Formosa. Ông còn đứng ra nhận tiền quyên góp giúp ngư dân Miền Trung đang chịu thảm họa môi trường biển. Nếu không cha Nam thì cũng là Cha Lai (Linh mục Phêrô Trần Đình Lai), người hướng dẫn 18 nghìn giáo dân Kỳ Anh biểu tình bao vây Formosa và nếu muốn thì họ đã chiếm bản doanh Formosa trong chớp mắt.

Tuy nhiên, những người am hiểu về cộng sản và Ki tô giáo cho rằng, việc bắt linh mục là một việc làm rất khó khăn đối với nhà cầm quyền cho dù họ rất muốn.

Hình như nhà cầm quyền chợt nhớ ra, đã lâu họ không bắt blogger nào kể từ đợt bắt 3 cây bút: Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Đình Ngọc và Hồng Lê Thọ vào cuối năm 2014. Giới blogger là giới nhạy bén với thời cuộc và “lắm chuyện”, đóng góp khá tích cực vào danh sách tù nhân lương tâm đang kéo dài. Ngoài 3 vị vừa nêu, có thể kể ra đây: Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Vi Đức Hồi, Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Tạ Phong Tần, Trần Khải Thanh Thủy… Và hôm nay, trong trí nhớ của nhà cầm quyền họ nghĩ đến Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một blogger cứng cỏi, chính kiến rõ ràng và không bao giờ nao núng. Tuy nhiên, Quỳnh bị sờ đến lúc này có lẽ không hẳn là những gì cô viết về hiện thực chính trị xã hội vốn nhiều thứ xấu xa mà là ở hoạt động phản đối Formosa, thủ phạm đầu độc biển Miền Trung. Hoặc ít ra, Formosa cũng là nguyên nhân đưa cô vào trại giam. Trong số tài liệu công an tìm thấy và thu giữ trong nhà Quỳnh có các biểu ngữ “Khởi tố Formosa”, “Formosa Get Out!”, “Cá cần nước sạch, Nước cần minh bạch”, một tập tài liệu có liên quan đến chủ đề Formosa và Trung Quốc (Trung Quốc cần phải tôn trọng chủ quyền của Việt Nam & pháp luật quốc tế), túi huy hiệu có dòng chữ “Nhân dân không quên 17-2-1979”.….

Thế nhưng về danh nghĩa Nguyễn Ngọc Như Quỳnh lại bị bắt theo điều 88 – tuyên truyền chống nhà nước. Có thể nhà cầm quyền khó chịu với Quỳnh lâu rồi nhưng khi cần bắt ai đó để răn đe thì họ nhớ đến cô. Tức là nếu không có vụ Formosa đầu độc biển Miền Trung thì chưa chắc cô đã bị bắt, ít nhất vào lúc này mà họ để cô đấy như một thứ lương khô phòng lúc đói lòng.

Vậy, nhà cầm quyền sẽ làm gì với mớ “tang vật” ấy? Phải chăng, trong suy nghĩ, họ cho rằng, chống Formosa đồng nghĩa với chống nhà nước, cũng như họ đã từng cho rằng chống đảng tức là chống nhà nước. Quan niệm chống đảng đồng nghĩa với chống nhà nước tồn tại trong suốt cả chiều dài hoạt động của đảng CSVN cho đến tận vụ án Nguyễn Phương Uyên – Đinh Nguyên Kha mới tách ra được, nhưng cũng chỉ được tách ra trong tư duy của những người cấp tiến. Bây giờ, người dân miền Trung và đồng bào có trách nhiệm với vận mệnh của Đất nước, của Dân tộc trong cả nước đang tấn công vào Formosa, kiên quyết bắt tập đoàn này bồi thường những tổn thất đã gây ra cho nhân dân, bắt nó phải dọn những gì nó bài tiết ra trước khi cút khỏi Việt Nam. Trong khi đó, nhà cầm quyền lại tìm mọi cách bảo vệ nó. Việc đón Formosa vào đầu tư ở Việt Nam đã diễn ra vô cùng khó hiểu. Tập đoàn này được dành cho sự quan tâm, bảo vệ, những ưu đãi bất chấp qui định của pháp luật. Vì thế, việc bảo vệ Formosa lúc này cũng là nhất quán.

Khi ra cáo trạng về Quỳnh, liệu rồi có câu như “Nguyễn Ngọc Như  Quỳnh đã in những biểu ngữ có nội dung không hay về Formosa”, tương tự Phương Uyên trước đây viết biểu ngữ “Tàu Khựa cút khỏi Biển Đông” được cáo trạng cho là có nội dung “không hay về Trung Quốc”? Có thể lấy thêm ví dụ về vụ án án 3 thành viên Phong trào Lao động Việt là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh bị cáo buộc “rải truyền đơn kích động công nhân biểu tình, đình công, phá hoạt tài sản doanh nghiệp”. Thế nhưng việc làm thiệt hại cho một doanh nghiệp (Trung Quốc) lại được coi là “chống lại chính quyền nhân dân”, 3 người bị kết án theo điều 89.

Trong thảm họa môi trường biển Miền Trung, nhà cầm quyền đã không đứng về phía nhân dân mà tìm cách bao che cho Formosa. Họ itmf cách trấn an nhân dân, từ việc xui dại dân ăn cá, tắm biển, đổ cho “thủy triều đỏ”, “tảo nở hoa” cho đến việc ngăn cản nạn nhân khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại và giờ đây là bắt người hoạt động. Một loạt động thái của nhà cầm quyền dồn dập trong liền mấy ngày trước cho thấy nó đều nằm trong ý đồ của họ:

– Ngày 4/10/2016: Ra thông báo tuyên truyền Việt Tân là tổ chức khủng bố, răn đe dọa “xử lý” những ai dính líu đến Việt Tân.

– Ngày 8/10: Trả đơn kiện formosa của 506 ngư dân, cho rằng không có cơ sở.

– Đối phó với cuộc biểu tình tưởng tượng vào ngày 9/10 bằng cách điều cảnh sát tràn ngập Vũng Áng, nghe nói có cả chó nghiệp vụ, dựng hàng rào bảo vệ Formosa, canh chặn hàng loạt những người hoạt động xã hội độc lập.

– Ngày 10/10 bắt Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Trước sự kiện này, Mạng lưới blogger Việt Nam ra tuyên bố khẳng định:

– Việc bắt giữ cá nhân blogger Mẹ Nấm là hành động tấn công vào ý chí và nguyện vọng của tất cả những người dân Việt Nam đang cùng nhau tranh đấu bảo vệ môi trường, đòi hỏi cho quyền lợi của ngư dân và đồng bào bị ảnh hưởng bởi chất thải Formosa;

– Bắt khẩn cấp Mẹ Nấm là ý đồ của nhà cầm quyền nhằm tác động tâm lý sợ hãi lên quần chúng, và làm chùn bước cao trào tranh đấu bảo vệ môi trường của người dân, đặc biệt trong lúc các giáo xứ tại Hà Tĩnh đang tạo được những sức ép đáng kể.

Việc bắt bớ có thể không chỉ tạm dừng lại ở việc bắt Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Facebooker Phạm Lê Vương Các cho rằng, đó mới chỉ là bắt thí điểm: Đây là một động thái thường thấy của chính quyền, khi tình hình chính trị xã hội đang căng thẳng, là sẽ có vài nhà hoạt động bị bắt thí điểm. Formosa sẽ tiếp tục là điểm nóng để giới hoạt động trong thời gian tới “rủ nhau vào tù”.

Thay bằng việc đứng về phía nhân dân, tìm hiểu nguyện vọng của nhân dân để đưa ra giải pháp phù hợp với luật pháp và đạo lý thì nhà cầm quyền lại đứng về phía Formosa, trấn áp sự đấu tranh của nhân dân đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình, bắt bớ các nhà hoạt động. Điều này chỉ làm cho những người dân đang bán tín bán nghi đứng hẳn về phía đối lập, thậm chí sẽ đẩy những người đang đứng trong hàng ngũ của họ ngả hẳn về phía nhân dân.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt, đây không phải là trường hợp đầu tiên. Đã từng có nhiều blogger và những người hoạt động XHDS độc lập vào tù trước đó. Hiện nay còn khoảng 90 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ trong các trại giam. Nhưng qua mỗi đợt bắt bớ, hàng ngũ những người đấu tranh vẫn tiếp tục đông lên. Nhà cầm quyền không thể dập tắt phong trào đấu tranh ôn hòa bằng cách răn đe, gieo rắc nỗi sợ hãi.

Một loạt động thái trong những ngày gần đây thể hiện họ đang lúng túng tới mức thiếu sáng suốt nếu không nói là quẫn trí. Đây là những việc làm hết sức nguy hiểm, có thể dẫn đến không kiểm soát nổi tình hình. Facebooker Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: “Tất cả những động thái này không nằm ngoài mục đích gieo rắc nỗi sợ hãi cho bất kỳ ai có ý định phản kháng, ngay cả khi sự phản kháng đó là nhằm bảo vệ không gian sinh tồn cho nhiều thế hệ người Việt”. Và anh khẳng định: “Các ông nhầm rồi. Chúng tôi không sợ”. “Chắc chắn chính quyền sẽ thất bại”.

Tin bài liên quan:

VNTB- Họp mặt kỷ niệm 3 năm Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam… trong nhà !

Phan Thanh Hung

VNTB – Cấm xuất cảnh tùy tiện: Cùn lý lẽ, công an đổ bừa cho bí mật quốc gia (phần II)

Phan Thanh Hung

VNTB- Bằng chứng đâu? Bằng chứng đây!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.