Nguyễn Đình Ấm (VNTB) Báo chí luôn gắn với sự kiện. Sự kiện càng lớn thì càng có cơ hội cho báo chí “đắt hàng” và thể hiện bản chất của mình: Trung thực, nhân văn hay lưu manh, bất chính.
Bài báo có xu hướng ủng hộ nhóm lợi ích quân đội? |
Cuộc tranh cãi qua dự án cảng HK quốc tế Long Thành và sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất là một trong những sự kiện lớn trong những năm gần đây đã có nhiều tờ báo phản ánh và qua đó độc giả có thể nhận rõ bản chất của nhiều phóng viên, tờ báo, đài truyền thanh, truyền hình.
Từ không thể mở rộng TSN đến mở rộng TSN là tất yếu
Những năm gần đây việc nhóm lợi ích quân đội xây dựng sân golf, nhà hàng, khách sạn, chung cư,… kinh doanh đồng thời ngăn cản việc mở rộng hạ tầng sân bay TSN mặc cho sân bay quá tải kìm hãm sự phát triển của dất nước làm dư luận phẫn nộ. Bên cạnh một số tờ báo vạch trần, lên án sự ngang ngược của nhóm lợi ích quân đội đã lấy 157,6 ha đất phục vụ an ninh quốc phòng phục vụ lợi ích cá nhân, dùng nhiều mưu mô, thủ đoạn để tạo dư luận ủng hộ chuyển TSN về Long Thành hòng chiếm đoạt toàn bộ sân bay TSN nhưng cũng có không ít tờ báo, truyền thanh, truyền hình đã lộ mặt cơ hội, dối trá trong vụ này.
Họ đã đưa nhiều thông tin sai sự thật như trước các cuộc họp quốc hội, hội đồng Nhân dân TP.HCM thì đưa cảnh mái nhà dân bị tốc do “nghi… máy bay hạ cánh” (ý nói để sân bay TSN ở đây không an toàn); rồi số nhà dân bị giải tỏa đến 140.000 hộ tốn hàng chục tỷ đô la (nhiều hơn dân số cả quận Tân Bình); rồi đăng thông tin TSN chỉ rộng 850 ha (thực tế 1.150 ha); nêu máy bay làm ô nhiễm nhưng không tính máy bay quân sự, sân golf, cuối cùng là khẳng định không thể nào mở rộng được sân bay TSN… Những thông tin sai sự thật trên đã “định hướng” được nhiều đại biểu quốc hội, một số lãnh đạo hiểu rằng không có cách gì khác là phải xây Long Thành ngay để phục vụ ngành HKVN phát triển.
Thế nhưng trong hoàn cảnh hiện nay dân ta còn nghèo, Long Thành chưa thể xây thì việc tận dụng từng m2 đất vàng ở đây để mở rộng TSN là cần thiết. Đến nay trước sự đấu tranh của công luận, các chuyên gia, cán bộ lão thành HK và sự quá tải đến “cùng quẫn” của TSN thủ tướng đã quyết định mở rộngTSN là sáng suốt, trách nhiệm.
Không dám chính thức chống lại quyết định thủ tướng nhưng những ngày gần đây lại xuất hiện những bài báo khi thừa nhận phải mở rộng TSN nhưng đưa các thông tin lắt léo nhằm “định hướng” dư luận hòng “né” sân golf của đám lợi ích.
Đến những bài báo “bốc mùi hôi hám”
Ngày 12/6/2017 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định phải mở rộng sân bay TSN cả về phía bắc (có sân golf), phía nam, làm thêm đường băng số 3 và tiếp tục dự án Long Thành thì báo quân đội (tôi phản đối tờ báo này gắn chữ nhân dân vào đây) đã công khai phản bác quyết định của thủ tướng dưới dạng ra vẻ góp ý: “Xây dựng mới hay mở rộng sân bay cần phải xét hiệu quả và đồng bộ” với ý kiến của TS, KTS Ngô Viết Nam Sơn nào đó “với kinh nghiệm tham gia xây dựng, quy hoạch một số sân bay ở Philipine và Mỹ” thì khẳng định cái cấp bách hiện nay ở TSN không phải là thiếu đường băng mà phải thế nọ, thế kia nhưng quên cái cấp bách nhất là sân golf, các công trình nhà hàng, khách sạn cao hơn khu bay không chỉ xâm phạm tĩnh không uy hiếp an toàn bay mà làm sân bay hễ mưa là ngập.
Trước mắt TSN chưa quá tải đường băng nhưng nếu không trù liệu quy hoạch đường băng thứ 3 sang phía bắc mà khi TSN vượt 45 triệu khách/năm mà Long Thành chưa xong thì TSN lại quá tải một lần nữa vì khi ấy không còn điều kiện làm đường băng thứ 3 (do các công trình phụ trợ đã ở phía nam bên kia đường băng rồi) để có thể nâng công suất TSN lên quá 45 triệu khách/năm. Đây là thủ đoạn tinh vi “né” sân golf vĩnh viễn của ông TS này?
Tại đây báo Quân đội đưa ý kiến của ông Thiếu tướng, Đại biểu quốc hội, thành viên Ủy ban An ninh quốc phòng của Quốc hội Lâm Quang Đại. Ông đã phát biểu với ý “định hướng” không làm đường băng thứ 3 vì các ông hiểu nếu làm đường băng thứ 3 thì dứt khoát khu sân golf nhà hàng, khách sạn, chung cư… của nhóm lợi ích sẽ bị tận dụng. Bởi vì, không có đất nào ở đây là “khung sườn” bỏ đi như ông cựu Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh nói vì mét đất nào ở đây cũng là vàng, có thể đổi cho dân để lấy đất liền kề mở rộng sân bay! Bởi vì 1.150 ha kiểu gì cũng làm được sân bay công suất 50-60 triệu khách/ năm. Có ai tin về tính khách quan của ông Đại khi ông là người trực tiếp quản lý đất đai các sân bay bị “xẻ thịt” kinh doanh vi phạm luật pháp và cản trở dự phát triển giao thông HK của đất nước?
Điều đặc biệt ở đây cũng đăng ý kiến ủng hộ nhóm lợi ích sân golf là “TS, chuyên gia kinh tế hàng không Lương Hoài Nam”.Báo quân đội “chơi đểu” ông Lương Hoài Nam? Bởi thực tế, ông Nam nguyên là trưởng ban ở TCT hàng không VN. Năm 2004 ông được điều sang làm giám đốc công ty HK cổ phần Pacific Airlines(PA). Sau thời gian ngắn ông tham mưu để bộ tài chính lệnh cho TCTHKVN xóa nợ hơn 200 tỷ VNĐ cho PA để chuyển PA cho TCT kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý. Ngay sau đó ông góp phần cùng với đám lãnh đạo SCIC bán rẻ lợi ích PA cho hãng HK Quantas (Úc) bằng cách họ chỉ góp 27% vốn nhưng PA phải đổi tên (Jetstar Pacific-JPA) mang thương hiệu của hãng Jestar Airway (Jetstar) công ty con của hãng Quantas đang triển khai chiến lược “phủ thương hiệu xuyên châu Á”.
Ông Lương Hoài Nam |
Làm giám đốc PA, JPA đến năm 2008, DN này lỗ 546 tỷ VNĐ nhưng ông lại được hưởng lương khoảng 2,2 tỷ; Phó Giám đôc Daniela (người Úc) 5 tỷ VNĐ/năm. Tháng 7/2010, ông bị bắt giam vài tháng rồi lặng lẽ được thả. Sau đó ông làm Giám đốc cho hãng HK Mekong Air thời gian ngắn, hãng này phá sản. Tiếp đến ông làm giám đốc cho hãng Hải Âu rồi thời gian sau hãng này cũng “đắp chiếu”…
Rõ ràng, ông không có bằng cấp về sân bay mà gọi là “chuyên gia” có phải chỉ để ủng hội nhóm lợi ích sân golf?
Đây là một sự trơ tráo của Báo Quân đội khi tìm cách hưởng ứng việc làm hại nước, mọt dân của chính nhóm lợi ích quân đội.
Cũng như báo quân đội, báo điện tử “Dân Trí” ngày 16/6/2017 với bài: “Giải cứu Tân Sơn Nhất sân golf không có lỗi”. Bài báo nêu “chuyên gia” nói: “Nếu thu hồi sân golf thì vẫn phải thu hồi, giải tỏa 600 ha và sân golf không ảnh hưởng gì vì các nước trong khu vực và đông bắc Á việc có các sân golf trong khu vực sân bay là hết sức bình thường… và việc tăng công suất TSN sẽ tăng ô nhiễm tiếng ồn, môi trường…”.
Các ý kiến này dối trá ở chỗ: Không có sân golf “phổ biến ở các sân bay khu vực và đông bắc Á”. Trên thực tế chỉ vài ba sân bay ở Nhật và khu vực có sân golf gần sân bay. Tuy nhiên sân golf ở hai, ba sân bay đó chỉ rất nhỏ cách xa khu bay dùng cho CBNV tiêu khiển sau giờ làm việc căng thẳng, khách VIP “giết thời gian” khi chuyến bay bị chậm, hủy hoặc chờ transit chứ không có mấy chục lỗ để kinh doanh cùng nhà hàng, khách sạn, chung cư,… ở sát khu bay như sân golf TSN.
Tác giả nói tăng công suất sân bay sẽ ô nhiễm không khí và tiếng ồn. Thế nhưng sao ông vô danh này lại không để cập ô nhiễm của máy bay quân sự, sân golf? Máy bay quân sự không có tiêu chuẩn tiếng ồn, khí thải như máy bay dân dụng gây ô nhiễm hơn gấp nhiều lần máy bay chở khách (bị áp dụng tiêu chuẩn tiếng ồn, khí thải nghiêm ngặt). Riêng sân golf TSN mỗi năm thải vào môi trường 180 tấn phân, 9 tấn thuốc trừ sâu,… vậy có ô nhiễm không?
Những ý kiến ủng hộ nhóm lợi ích sân golf quá trơ tráo nên bài báo chỉ nói “chuyên gia” mà không nêu tên thật là phải.
Phải chăng, nhóm lợi ích sân golf, một số tờ báo quá thiếu tiếng nói ủng hộ nên phải “vơ vao” những tiếng nói “bốc mùi” hôi hám này?